Khi phóng viên của Guardian tới khu rừng sát bờ biển Pas-de-Calais, Pháp vào một ngày cuối tháng 4, họ nhận thấy có rất nhiều người Việt Nam trẻ tuổi đang tập trung. Những người này nép sát vào nhau, tránh sự chú ý của các tình nguyện viên Pháp đang cung cấp thực phẩm, nước uống cho đoàn di cư.
Nhóm người Việt tỏ ra căng thẳng, áp lực, nhưng cách ăn mặc chỉnh tề khiến họ dễ bị nhầm là du khách, các tình nguyện viên cho biết. Họ dường như cũng không thiếu tiền.
"Khi bị cảnh sát ngăn lên thuyền vượt eo biển Manche tới Anh, một số người Việt tới hỏi tôi làm thế nào để bắt taxi quay về nơi ở. Khi tôi nói rằng cước taxi khoảng 215 USD, họ đáp đó không phải vấn đề", Sophie Roux, tình nguyện viên 32 tuổi, kể lại.
Đầu tuần trước, một nhóm mới đến gồm khoảng 200 người Việt Nam, một nửa là phụ nữ, tới khu rừng này, nhiều người hy vọng sẽ có cơ hội lên thuyền vượt biển tới Anh vào sáng sớm hôm sau.
Nhưng vào đêm đó, một biến cố đã khiến hy vọng của họ tiêu tan. Cảnh sát Pháp phát hiện 5 người di cư từ Trung Đông, trong đó có một bé gái 6 tuổi, thiệt mạng vì bị lật thuyền khi tìm cách vượt biển đến Anh.
Sự cố khiến cảnh sát Pháp thắt chặt an ninh ở bờ biển và nhóm người Việt phải quay về. Dù vậy, nhiều người không nao núng, khẳng định sẽ tiếp tục tìm cách vượt biển khi thời tiết thuận lợi hơn.
Số lượng người Việt Nam nhập cảnh trái phép vào Anh bằng thuyền, xuồng qua eo biển Manche từ 1/1 đến 21/4 đã tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1.300 người, chiếm 1/5 tổng số người vượt biên vào Anh bằng thuyền, theo thống kê của Guardian.
Xu hướng gia tăng của người Việt vượt biên tới Anh đáng chú ý đến mức được Thủ tướng Anh Rishi Sunak nêu lên trong phát biểu tuần trước về chính sách đối phó với những người nhập cư trái phép.
"Các băng đảng buôn người đang chuyển chú ý sang nhóm di cư Việt Nam dễ bị tổn thương. Phần lớn mức tăng số người vượt biển bằng thuyền trong năm nay là người Việt", Thủ tướng Sunak cảnh báo.
Ông Sunak đang thúc đẩy dự luật Rwanda, cho phép chính phủ Anh thuê máy bay đưa người di cư trái phép đã đến được Anh sang Rwanda ở Đông Phi. Tại Rwanda, người di cư sẽ được phân loại và làm thủ tục xin tị nạn.
Nhưng giới quan sát tỏ hoài nghi về hiệu quả của dự luật này, cho rằng đây không phải là giải pháp toàn diện cho những gì đang diễn ra ở bờ biển phía bắc Pháp.
"Đây là một xu hướng di cư đang diễn ra, không phải hướng quan tâm mới của người Việt tới nước Anh", Mimi Vu, chuyên gia chống buôn người tại TP HCM, nhận xét.
Những kẻ buôn người bắt đầu chuyển sang dùng xuồng vượt biển thay vì dùng xe tải đưa người di cư vào Anh kể từ đầu năm nay, trong bối cảnh giới chức tăng cường giám sát, kiểm tra các cảng.
Nhưng James Fookes, quản lý thuộc Tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế tại Anh và châu Âu, không ủng hộ xây dựng chính sách đối phó xoay quanh việc siết kiểm soát.
"Tuyến đường buôn người từ Việt Nam sang Anh được thiết lập chặt chẽ và công dân Việt Nam chiếm tỷ lệ cao trong nhóm nạn nhân buôn người. Những kẻ buôn người sẽ tìm hiểu luật pháp nước sở tại, thay đổi cách thức vận chuyển người di cư khi luật, điều kiện thay đổi", ông Fookes nói.
Theo ông, động lực của người di cư là hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn, kiếm tiền và gửi về gia đình. Nắm được nhu cầu đó, nhiều đại lý môi giới bất lương quảng cáo dịch vụ cấp visa, đẩy họ vào con đường bị bóc lột ở nước ngoài.
Nhiều bên quảng bá dịch vụ cung cấp visa du học ở Malta, rồi từ đó tìm đường cho khách hàng nhập cư vào châu Âu. Malta đã cấp visa cho 265 người Việt để theo học tại trường cao đẳng địa phương MCAST trong hai năm qua. Chỉ có hai người trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học, 263 người còn lại đã "biến mất".
Nhiều người Việt sau khi đến Malta bằng visa du học đã được đưa tới Romania, Ba Lan, mắc nợ hàng chục nghìn USD để làm công việc tay chân bên trong các nhà máy, ruộng đồng. Khi không thể trả hết nợ vì mức lương quá thấp hoặc hết hạn visa, con đường duy nhất với họ là đến Anh tìm cơ hội việc làm.
"Thủ đoạn đưa người Việt sang Anh có thể thay đổi về hình thức, nhưng nhu cầu vẫn giữ nguyên", bà Vu nói.
Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh ngày 17/4 đã ký Tuyên bố chung về hợp tác phòng chống di cư bất hợp pháp, trong đó hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong các chiến dịch truyền thông nhằm cảnh báo rủi ro từ hành trình di cư bất hợp pháp đến Anh.
Việt Nam và Anh cũng tăng cường chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng thị thực và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi hương của những người di cư không đủ điều kiện ở lại Anh hợp pháp.
Hai nước sẽ xây dựng kế hoạch hành động chung nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương và ngăn chặn nạn buôn người, đồng thời tiếp tục duy trì các cơ chế, kênh liên lạc chia sẻ thông tin trực tiếp, hiệu quả. Thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác giữa hai nước nhằm thúc đẩy các tuyến đường di cư hợp pháp đến Anh.
Đức Trung (Theo Guardian)