Jeff Farschman, 72 tuổi, từng giữ chức Phó tổng giám đốc tại Công ty Lockheed Martin Services của Mỹ. Khi nghỉ hưu, ông lên kế hoạch đi ngắm các loài chim ở vùng biển Caribbean trong vài tháng ấm áp. Nhưng cơn bão Ivan đã tàn phá hẻm núi Cayman, nơi Farschman chọn nghỉ dưỡng vào tháng 9/2004. Ông có một quyết định về sau thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.
Thay vì nghỉ dưỡng ở Bermuda một tuần, Farschman kéo dài kỳ nghỉ của mình và đặt 6 chuyến du thuyền liên tiếp, 4 chuyến đi Bermuda và 2 hành trình đi Caribbean, tổng cộng 47 ngày. Hành trình này chính là động lực thôi thúc ông dành 7-8 tháng mỗi năm để chu du khắp nơi trên những chuyến du thuyền của hãng Holland American Line khi về hưu.
Trên thực tế, không hiếm người như Farschman: chi tiền và dành thời gian để sống trên du thuyền trong những năm hưu trí. Họ có thể thực hiện điều đó khi kết hợp các hành trình đơn lẻ hoặc thuê, mua nguyên căn phòng nghỉ của du thuyền.
Còn ông Mario Salcedo, 72 tuổi, chỉ sống trên các du thuyền và hiếm khi lên đất liền suốt 23 năm qua, sau khi nghỉ hưu. Salcedo vẫn có một căn hộ nhỏ ở Miami, Florida, Mỹ, nhưng dành rất ít thời gian ở đó, khoảng vài tiếng mỗi tuần khi du thuyền cập cảng, khi ông về kiểm tra nhà. Ông dành hầu hết 52 tuần trong năm trên biển, với tổng chi phí khoảng 70.000 USD.
Không vi vu nhiều như Salcedo, bà Janice Yetke, 77 tuổi, từng làm công ty du lịch, cũng sống 4 tháng mỗi năm trên du thuyền. Nhiều người hỏi Yetke: "Bà không thấy buồn chán ở trên biển sao?". Yetke trả lời: "Để tôi cho xem lịch trình này. Có quá nhiều thứ để làm đấy nếu bạn muốn".
Yetke và chồng là Richarch, 80 tuổi, đã đi du thuyền và phát hiện có tour vòng quanh thế giới trong 128 ngày hàng năm. Đó là hành trình lý tưởng để vợ chồng bà được nhìn ngắm thế giới đồng thời "trốn" những mùa đông khắc nghiệt ở Chicago, Mỹ.
"Căn phòng trên du thuyền chính là nhà của bạn. Nhân viên sẽ nấu ăn cho bạn, cung cấp các dịch vụ giải trí, lau dọn phòng hai lần mỗi ngày. Với chúng tôi, ở tuổi này thế là đủ và dĩ nhiên là chúng tôi cũng có kết bạn và gặp được những vị khách vẫn quay lại đi cùng hành trình", Yetke chia sẻ. Vợ chồng bà đã đi chuyến du thuyền vòng quanh thế giới 12 lần, họ còn đặt trước cho năm 2023.
Tony de Leede, 69 tuổi, Tổng giám đốc của một công ty chăm sóc sức khỏe có trụ sở ở Sydney, Australia, chưa sẵn sàng để nghỉ hưu. Ông tìm cách vừa sống trên biển vừa làm việc từ xa. Trong 8 năm qua, ông sở hữu và sử dụng nhiều căn phòng thuộc hệ thống phòng nghỉ và du thuyền The World. Suốt thời gian đó, Leede dành 3 đến 5 tháng mỗi năm để đi du thuyền qua các nước. Ông cho rằng không gì tuyệt hơn làm việc ở một không gian đẹp, chìm vào giấc ngủ khi thuyền lênh đênh ở Venice, thức dậy thấy mình ở Croatia.
Một trong những kỷ niệm đẹp nhất của Leede có được là nhờ cân bằng cuộc sống du lịch và công việc. "Tôi đang gọi điện thoại với một chi nhánh công ty ở Australia thì thuyền trưởng đọc loa mời khách lên boong để chuẩn bị trải nghiệm tắm biển ở Vòng Bắc Cực". Cúp máy, vài phút sau ông đã được nhảy xuống tắm giữa biển lạnh. Ônng tự hào kể lại vì không phải ai cũng được trải nghiệm điều đó.
Leede mới đây còn mua thêm một căn hai phòng ngủ ở hệ thống du thuyền Storyline MV Narrative sắp ra mắt vào năm 2024. Tại đây du khách được sử dụng 24/24 các phòng chức năng như thể dục thể thao, bể bơi, phòng làm việc chung, sân bowling. Ngoài ra, khác biệt lớn nhất là khách được phép mang theo thú cưng lên du thuyền.
Chi phí để sống trên du thuyền đi qua nhiều quốc gia không hề ít ỏi. Các căn phòng trang bị đầy đủ của du thuyền MV Narrative có giá 1 đến 8 triệu USD. Một số hợp đồng cho thuê phòng 12 hoặc 24 năm giá khởi điểm là 400.000 USD. Ngoài ra vẫn còn nhiều khoản phí hàng tháng khác để chi trả nhiên liệu chạy tàu, dịch vụ dọn phòng, đồ ăn, thức uống. Về cơ bản, đó là các phí tương tự như tour bạn thường trả tiền trước để đi tàu du lịch thông thường.
Với Farschman, chi phí ông phải trả tùy thuộc vào loại du thuyền. "Có rất nhiều loại phòng và du thuyền, tôi thường tốn khoảng 200-300 USD/ngày ở Grand Voyages (của Holland America Line), đối với du thuyền truyền thống hơn thì tốn 150 - 200 USD/ngày". Như phần lớn những người đi du thuyền dài ngày, ông vẫn giữ một ngôi nhà trên đất liền để gặp gỡ bạn bè và gia đình.
Đặt các chuyến du ngoạn dài ngày, những vị khách như bà Yetke vẫn có thể vừa kết bạn, vừa đi khắp nơi và cảm thấy thoải mái với cuộc sống đó. "Các chuyến du thuyền kéo dài nhiều tháng, cho du khách thêm thời gian để sống chậm và tận hưởng từng điểm đến", Carol Cabezas, giám đốc công ty du thuyền Azamara cho hay. Năm 2024, công ty này sẽ ra mắt hải trình đầu tiên dài 5 tháng đưa khách đi vòng quanh thế giới, đến các địa điểm như đền Taj Mahal, Ấn Độ hay Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc.
Theo đại diện công ty tour Panama Canal, nhiều du thuyền thế giới đang chia nhỏ hành trình, để bạn bè và thành viên gia đình tham gia vài chặng cùng du khách. Tuy nhiên, với những người thường xuyên đi như ông Leede và Farschman, lịch trình chỉ là thứ yếu bởi vì họ vốn đã yêu thích cuộc sống lênh đênh trên biển.
Đến nay ông Farschman đã đi tour của 165 du thuyền với hơn 3.500 ngày trên biển. Nhờ có những trải nghiệm đồ ăn ngon, dịch vụ tốt và mối quan hệ thân thiết với du thuyền, ông thường xuyên quay lại. "Gia đình ủng hộ cuộc sống hiện tại của tôi. Điều đó khiến cho thời gian chúng tôi dành cho nhau đặc biệt hơn. Về phần bạn bè, phần lớn họ cũng đang khám phá thế giới trên những du thuyền như thế".
Khánh Trần (Theo Condé Nast Traveler)