Khi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Venezuela ngày càng căng thẳng, nhiều chuyên gia phân tích phương Tây cho rằng Tổng thống Nicolas Maduro không thể bám trụ được lâu trước sức ép từ Mỹ cũng như phe đối lập. Tuy nhiên, không chỉ có sự hậu thuẫn của quân đội, Maduro còn được khích lệ bởi sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa Chavez, hay còn gọi là Chavista, theo Guardian.
"Chúng tôi có hàng triệu người", Fernamdo Andrade, một thợ điện nghỉ hưu 69 tuổi, tuyên bố. Andrade là một trong hàng trăm Chavista, chủ yếu là người lớn tuổi, xếp hàng để ký đơn ủng hộ Maduro tại trung tâm thương mại Bolivar ở thủ đô Caracas hồi tuần trước. Vài tiếng sau, Tổng thống Maduro xuất hiện trong tiếng hò reo của họ: "Maduro, bằng hữu của chúng tôi. Nhân dân sát cánh cùng ngài!".
Những người như Andrade ủng hộ chính sách Chavismo do cố tổng thống Hugo Chavez đề xướng, trong đó đề cao tinh thần dân tộc kết hợp với các chương trình phúc lợi xã hội và thái độ chống chủ nghĩa tự do mới, đặc biệt là các chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
John Magdaleno, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Trung ương Venezuela, ước tính số người tự nhận là Chavista chiếm tới 44% dân số Venezuela vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, khi kinh tế Venezuela bắt đầu lâm vào khủng hoảng do một số sai lầm trong chính sách quản lý của chính phủ Maduro, tỷ lệ người ủng hộ Chavismo đã giảm xuống. Một khảo sát vào tháng 4/2017 do Hinterlaces tiến hành cho thấy 35% người Venezuela tự nhận mình là Chavista và ủng hộ đảng PSUV của Tổng thống Maduro.
"Phong trào Chavismo đang rạn vỡ. Nếu cứ thế này, họ sẽ chẳng còn lại gì", Nicmer Evans, người từng là một Chavista trung thành nhưng quyết định rời khỏi phong trào vào năm 2013, tuyên bố. Evans cho rằng cách duy nhất để cứu vãn Chavismo hiện nay là Tổng thống Maduro phải từ chức.
Maduro và những người ủng hộ ông đang phải chịu sức ép rất lớn từ bên trong lẫn bên ngoài sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido hôm 23/1 tuyên bố mình là "tổng thống lâm thời" của Venezuela. Guaido nhận được sự ủng hộ rất lớn của những người thuộc phe đối lập cũng như chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mỹ và một loạt quốc gia phương Tây, Nam Mỹ đã nhanh chóng công nhận Guaidro. Washington gia tăng áp lực khi công bố các lệnh cấm vận mới nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ, nguồn thu quan trọng nhất của Venezuela. Nhiều nước châu Âu thậm chí còn ra "tối hậu thư" đòi Maduro phải tổ chức bầu cử sớm.
Tuy nhiên, những sức ép như vậy dường như không khiến các Chavista trung thành nhất nao núng. "Tôi chỉ có một tổng thống duy nhất và đó là Nicolas Maduro", Maryuri González, một thanh niên 25 tuổi đến từ thành phố La Victoria ở phía tây thủ đô Caracas, tuyên bố. "Tôi chưa từng bầu cho người nào có tên là Guaido cả".
Theo Evans, cả Chavez và Maduro đều dựa vào sự ủng hộ rất lớn của các Chavista này để thực hiện chính sách của mình. Những người ủng hộ trung thành đó luôn đề cao khẩu hiệu: "Dù đói nghèo hay thất nghiệp, tôi vẫn gắn bó với Chavez".
Tuy nhiên, khi Maduro đẩy mạnh chủ trương quốc hữu hóa các doanh nghiệp và nông trường, thực thi chính sách bao cấp thực phẩm, buộc nông dân bán nông sản với giá quy định vốn thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất, kinh tế Venezuela dần đi xuống. Tỷ lệ lạm phát tăng chóng mặt tới hàng triệu %, lương thực và nhu yếu phẩm khan hiếm, buộc hàng triệu người, trong đó có rất nhiều Chavista, phải rời bỏ đất nước.
Nhiều chuyên gia và quan sát viên cảnh báo rằng Chavismo không phải là một phong trào bất biến và sự ủng hộ của các Chavista ngày càng ít đi, thậm chí nhiều người Venezuela công khai thể hiện sự ủng hộ với Maduro chỉ vì lo ngại bị cắt mất nguồn bao cấp thực phẩm vốn rất thiết yếu với họ. Evans thì đưa ra thống kê bi quan hơn khi cho rằng hiện chỉ còn khoảng 10% dân số Venezuela ủng hộ Chavismo.
"Maduro biết rằng đang dần đánh mất người ủng hộ mình. Ông ấy nhận thấy nhiều con phố, nhiều khu dân nghèo không còn đứng về phía mình nữa", Moises Naim, cựu bộ trưởng thương mại Venezuela và là người thường xuyên lên tiếng chỉ trích Chavismo, nhận định.
Naim dự đoán rằng khi các lệnh cấm vận dầu mỏ mà Mỹ vừa áp đặt phát huy tác dụng và tàn phá hơn nữa nền kinh tế Venezuela, cuộc sống của nhiều người dân nước này sẽ khó khăn hơn nữa, thúc đẩy thêm nhiều Chavista quay lưng với Maduro. "Nếu Maduro tiếp tục nắm quyền, Chavismo rất có thể sẽ biến mất. Các Chavista biết điều này, biết rất rõ là đằng khác", Naim nói.
Những người như Evans, Naim tin rằng thực tế này có thể buộc giới lãnh đạo cấp cao của Chavismo đưa ra những quyết định quan trọng nhằm cứu vãn phong trào, thậm chí có thể phải thay thế Maduro bằng một lãnh đạo phù hợp hơn. Trong khi đó, Gino Gonzalez, ủy viên Hội đồng Hiến pháp Venezuela, khẳng định các Chavista trong thời điểm khó khăn cần sát cánh cùng nhau để chống lại âm mưu của đế quốc dựng lên một "tổng thống bù nhìn" nhằm cướp đoạt tài nguyên dầu mỏ của Venezuela.
"Chúng ta có thể có những bất đồng trong tư duy về cách làm việc, nhưng chúng ta phải đoàn kết", Gonzalez nhấn mạnh. "Nếu đế chế Bắc Mỹ thò tay vào đất nước này, đó sẽ là cuộc chiến cuối cùng và đế chế đó sẽ chấm dứt ở đây".
Trong đám đông tụ tập ở trung tâm thương mại Bolivar hồi tuần trước, rất nhiều Chavista đến để bày tỏ sự căm phẫn và phản kháng trước những hành động bị coi là "can thiệp vào công việc nội bộ Venezuela" của Mỹ. "Người Mỹ muốn sở hữu cả thế giới", Fernando Gomez, 77 tuổi, nói khi cầm tấm biển với dòng chữ "Đừng động vào Venezuela".
Gomez thừa nhận nỗi bức xúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người bị ông mô tả là "kẻ hiếu chiến", chính là động lực thúc đẩy ông xuống đường, chứ không hoàn toàn là tình cảm với lãnh đạo Maduro. "Sự ủng hộ với Maduro của tôi không nhiều như sự phản kháng với âm mưu xâm lược của Mỹ", Chavista này tuyên bố.