Mẹ của Jiang Hui là bà Jiang Cuiyun, một trong 239 hành khách trên chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines biến mất bí ẩn trong quá trình di chuyển từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hôm 8/3/2014.
Số phận của chuyến bay MH370 tới nay vẫn là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất lịch sử và Jiang, 50 tuổi, trong 10 năm qua vẫn chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay chở mẹ anh. Bà là một trong 153 công dân Trung Quốc biến mất cùng chuyến bay MH370.
Hôm nay, tòa án nhân dân quận Triều Dương, Bắc Kinh, Trung Quốc bắt đầu phiên điều trần về các yêu cầu bồi thường cho gia đình của những nạn nhân trên chuyến bay MH370. Nhiều thân nhân cho rằng sự cố bí ẩn về chiếc máy bay này không chỉ cướp đi người thân của họ mà còn khiến một số người lâm vào cảnh khó khăn về tài chính.
"Gần 10 năm trôi qua, gia đình tôi không nhận được bất kỳ lời xin lỗi hay một xu bồi thường nào. Tâm trạng của tôi lúc này thật sự rất hỗn loạn. Vừa cảm thấy bất lực, nhưng cũng có chút nhẹ lòng", Jiang nói trước phiên điều trần.
Phiên điều trần diễn ra hơn 7 năm sau khi vụ kiện đầu tiên được đệ trình ở Trung Quốc.
Jiang cũng đang theo kiện Maylasia Airlines, công ty bảo hiểm của hãng bay này, tập đoàn Boeing và đơn vị sản xuất động cơ chiếc máy bay MH370. Anh cho rằng những công ty đó phải chịu trách nhiệm theo luật pháp Trung Quốc về sự cố với chiếc máy bay.
Jiang yêu cầu các công ty phải bồi thường, gửi lời xin lỗi và tiếp tục hỗ trợ tâm lý cho người thân của các nạn nhân trên chuyến bay cũng như lập quỹ để tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay.
Theo Jiang, khoảng 40 gia đình Trung Quốc đang kiện các công ty này ra tòa với những yêu cầu tương tự. Phiên điều trần tại tòa án quận Triều Dương dự kiến kéo dài tới ngày 5/12, trong đó vụ kiện của gia đình Jiang sẽ được xét xử vào ngày 1/12.
"Việc các bên không thực hiện bất cứ biện pháp khắc phục hậu quả nào trong thập kỷ qua đã khiến cuộc sống đầy đau thương của chúng tôi nghẹt thở hơn", Jiang nói.
Bình luận về phiên điều trần tại Trung Quốc, Boeing cho biết vẫn quan tâm tới các nạn nhân trên chuyến bay MH370 và người thân của họ.
Không rõ nếu tòa án Trung Quốc ra phán quyết có lợi cho Jiang cùng các gia đình khác, họ sẽ yêu cầu các công ty bị kiện thi hành án như thế nào. Đó đều là những công ty quốc tế, có trụ sở ngoài Trung Quốc hoặc chỉ đặt văn phòng đại diện ở nước này.
Những vụ kiện tương tự do gia đình các nạn nhân đệ trình ở Mỹ đều đã bị bác với lý do chúng thuộc quyền hạn của hệ thống luật pháp Malaysia.
Tại Trung Quốc, một số gia đình đã đồng ý ký thỏa thuận bồi thường với hãng hàng không Malaysia Airlines để nhận khoản tiền 2,5 triệu nhân dân tệ (350.000 USD). Ban đầu, chỉ có vài chục gia đình ký thỏa thuận này, nhưng những năm qua, số gia đình nạn nhân đồng ý ngày một tăng.
Theo Jiang, tới tháng 3/2021, khoảng 90 gia đình vẫn từ chối thỏa hiệp, nhưng con số này đã giảm một nửa sau ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Jiang cho biết hiện chỉ còn khoảng 40 gia đình không đồng ý thỏa thuận với Malaysia Airlines. Jiang nói anh cũng từ chối ký thỏa thuận vì điều đó sẽ miễn trừ mọi trách nhiệm của Malaysia Airlines và chính phủ nước này.
"Trên hành trình tìm kiếm sự thật, nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí là vật lộn để mưu sinh. Họ chọn thỏa hiệp như phương pháp cuối cùng để ổn định cuộc sống. Nhưng dù chọn thỏa hiệp hay không, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi vẫn giống nhau, đó là tìm thấy chiếc máy bay và người thân của mình", Jiang nói.
Mong muốn phải làm được điều gì đó báo hiếu cho mẹ đã thôi thúc Jiang không bỏ cuộc.
"Tôi đã tới tuổi phải báo hiếu mẹ, nhưng không còn cơ hội thực hiện. Vì vậy, tìm được mẹ là cách duy nhất tôi có thể bày tỏ tấm lòng hiếu thảo", Jiang cho biết.
Trước khi xảy ra thảm kịch MH370, Jiang là quản lý cho một công ty truyền thông ở Bắc Kinh. Một năm sau khi chiếc máy bay mất tích, anh xin thôi việc và từ đó tập trung thời gian, sức lực vào tìm kiếm chiếc máy bay.
Trong nhiều năm, anh đã đến gặp những đội tìm kiếm ở Australia và tới các bờ biển xa xôi của Mauritius, Madagascar và Reunion, Pháp, để tìm kiếm các mảnh vỡ máy bay. Tại Bắc Kinh, Jiang thường xuyên tổ chức gặp mặt gia đình các nạn nhân để thảo luận về hành động tiếp theo nhằm tìm giải mã vụ mất tích máy bay và đòi lại công lý cho người thân.
"Tôi từng chỉ biết tới công việc, nhưng giờ đây tôi đã có thể hiểu ý nghĩa cuộc sống và điều quý giá nhất là gì. Nếu tôi có thể thúc đẩy bất kỳ tiến triển nào trong công cuộc tìm kiếm MH370 hoặc khi tôi có thể cố gắng hết mình tới cùng, tôi sẽ thấy hài lòng và hạnh phúc, niềm hạnh phúc vượt xa cả việc kiếm được nhiều tiền hơn", Jiang nói.
Chiếc Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines chở 239 người cất cánh từ Kuala Lumpur ngày 8/3/2014, dự kiến tới thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc cùng ngày.
Máy bay mất liên lạc chưa đầy một tiếng sau khi cất cánh. Chính phủ Malaysia ngày 24/3/2014 cho biết theo phân tích trên tín hiệu vệ tinh, MH370 bay về phía nam Ấn Độ Dương, lệch hàng nghìn km so với đường bay định sẵn và kết thúc hành trình ở vùng biển tây nam thành phố Perth của Australia.
Malaysia tháng 1/2015 tuyên bố chuyến bay MH370 gặp nạn, toàn bộ 239 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng. Giới chức Malaysia, Trung Quốc và Australia tháng 1/2017 thông báo đình chỉ tìm kiếm MH370, kết thúc chiến dịch kéo dài gần ba năm trên vùng biển có diện tích khoảng 120.000 km2. Tới nay, chưa rõ nguyên nhân máy bay MH370 mất tích cũng như dấu vết của phi cơ.
Ngọc Ánh (Theo CNN)