"Những âm thanh đó như lời cảnh báo rằng họ có thể tấn công chúng tôi bất cứ khi nào", bà Cho Young-sook, 57 tuổi, nông dân làng Taesong, nói.
Làng Taesung, tức Tự do, là nơi sinh sống của 197 người. Họ hàng ngày chứng kiến sự leo thang căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và cũng là nhóm thường dân duy nhất sống ở khu phi quân sự giữa hai nước – dải đất rộng 4 km và dài 150 km kéo từ tây sang đông, theo NYTimes.
Hai năm sau thoả ước đình chiến và khu phi quân sự DMZ (Demilitarized Zone) được thành lập năm 1953, chính phủ hai bên xây dựng hai ngôi làng mang tên Teasung và Kijong như là minh chứng cho tính ưu việt của mỗi bên. Trái ngược với Teasung, Kijong hiện nay không có dân cư sinh sống, binh lính Triều Tiên hàng ngày tuần tra và liên tục phát những bài hát tuyên truyền.
Trong khi đó, Teasung giống như mọi ngôi làng bình thường, chỉ khác là hạn chế người ra vào. Dân làng chủ yếu là nông dân, mỗi gia đình được phát mảnh đất rộng 7 ha để trồng lúa. Thu nhập bình quân khoảng 80.000 USD một năm, cao hơn rất nhiều so với những nơi khác của Hàn Quốc. Đổi lại, họ phải sống giữa cái bóng của hai đội quân dày đặc và trong một bối cảnh căng thẳng nhất thế giới.
Làng Teasung ở gần nơi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence vừa viếng thăm hồi đầu tuần. Ông cảnh báo Triều Tiên về Mỹ đang cân nhắc mọi phương án để ngăn cản tham vọng hạt nhân của nước này. Triều Tiên cũng vừa thử tên lửa không thành công hôm 16/4. Triều Tiên có khoảng 1 triệu quân nhân thường trực, Hàn Quốc khoảng 600.000. Tuy nhiên không phải tất cả họ đều đóng quân dọc khu phi quân sự liên Triều. Mỹ có 25.000 lính đồn trú ở Hàn Quốc, gần Seoul, cách Teasung khoảng 50 km.
Sống ngay sát những mối đe dọa an ninh, bầu không khí ở làng Taesong là sự pha trộn kỳ lạ giữa cảm giác bất an và an toàn. Người làng luôn được binh sĩ hộ tống khi ra ngoài làm việc. Khách du lịch khi đến đây cần phải xin phép trước 2 tuần, phải vượt qua nhiều cuộc kiểm tra ở các chốt trạm và phải đăng ký với lính Liên Hợp Quốc hiện đang giám sát ngôi làng. Cư dân được quyền đi lại thoải mái nhưng phải chịu lệnh giới nghiêm vào ban đêm.
"Quân đội canh gác và bảo vệ chúng tôi mỗi ngày", Kim Dong-gu, trưởng làng Taesung kể với phóng viên trong khi nhân viên quân sự giám sát ông và vị khách. "Chúng tôi thấy đủ an toàn để sống và trồng cấy ở đây. Nếu sợ, làm sao chúng tôi có thể ở đây được?".
Từng có những vụ xung đột xảy ra ở DMZ, như vụ hai lính Mỹ bị lính Triều Tiên giết năm 1976; vụ đọ súng năm 1984 khiến ba lính Triều Tiên và một lính Hàn Quốc thiệt mạng. Hai năm trước, một số quân nhân Triều Tiên lẻn sang phía bên kia biên giới và gài mìn khiến hai quân nhân đối phương mất mạng.
Một vụ việc khác liên quan trực tiếp đến dân làng khiến họ nhớ mãi, cách đây 5 năm hai mẹ con một nông dân đã bị phía Triều Tiên bắt giam trong 5 ngày do đi lạc sang bên kia biên giới để nhặt hạt dẻ.
Do được giám sát bởi Liên Hợp Quốc, dân cư ở đây không phải đóng thuế thu nhập quốc gia và miễn trừ nghĩa vụ quân sự.
Chỉ những người đã sống trong làng trước chiến tranh hai miền hoặc là con cháu mới đủ điều kiện sống ở đây. Những người phụ nữ lấy chồng sống ở đây mới được quyền đến định cư. Đàn ông lấy vợ ở làng Teasung thì không được phép ở lại.
Không chỉ phải "nơm nớp" nỗi lo với người hàng xóm, một nỗi lo khác đối với Teasung là dân số ngày càng giảm khi mà người trẻ không muốn sinh sống ở đây. Cả trường tiểu học chỉ có 35 học sinh, 10 trong số đó hiện đang sống tại làng. Lý do là phụ huynh lo sợ con cái mình sẽ không có tương lai tươi sáng nếu tiếp tục ở lại nơi này.
“Nhiều khi những lời tuyên truyền của Triều Tiên khiến tôi không ngủ nổi”, ông Park Seung-bu, một nông dân 74 tuổi cho biết. Nhưng ông cũng nói thêm rằng mình sẽ tiếp tục sống tại đây, mặc cho con cái đã chuyển lên Seoul sinh sống.
Đối mặt với những lời đe dọa tấn công thường xuyên từ miền bắc, dân làng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận sơ tán trong tình huống khẩn cấp, họ có một hầm trú ẩn dưới đất với đầy đủ thức ăn, nước uống và mặt nạ chống khí độc.
"Người Triều Tiên là những người anh em", bà Cho Young-sook vừa nhìn qua khung cửa kính sang phía làng Kijong, vừa nói. "Thật đáng tiếc khi chúng tôi phải coi nhau như kẻ thù".
Hồng Vân