Trước hết tôi muốn nêu ra một vài quan điểm về những lý do khiến các bạn trẻ ngày nay lạm dụng cũng như nghiện những thứ độc hại như bia rượu và thuốc lá. Tất nhiên những ý kiến này được rút ra từ những trải nghiệm của bản thân cũng như chứng kiến mọi thứ xung quanh.
Biết uống rượu, uống bia, phì phèo điếu thuốc, ngẫm sự đời là biểu hiện, phong cách của người trưởng thành? Những người không biết động tới những thứ này kém cỏi, trẻ con?
Hình tượng những anh hùng thời xưa trên phim ảnh hay các anh em giang hồ châm điếu thuốc khoác vai nhau uống chén rượu tâm tình có lẽ càng quen thuộc hơn với thế hệ trẻ ngày nay khi mà lượng người sử dụng mạng Intenet tăng đáng kể, nguy hiểm hơn là những bạn trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, xảy ra nhiều diễn biến tâm lý khác nhau.
Đặc biệt nổi bật nhất ở độ tuổi này có lẽ là việc muốn được thể hiện bản thân mình qua một việc làm nào đó chứng tỏ bản thân đã trưởng thành. Một việc không tránh khỏi là việc thể hiện mình theo các hình tượng không tốt, bắt chước hành động của nhau mà vấn đề chính muốn nói tới ở đây là uống rượu, bia và hút thuốc lá.
Mọi người ở đây mình chắc chắn rất ít người khi lần đầu tiên sử dụng các chất kích thích này mà cảm nhận nó thơm ngon. Có nói chăng thì cũng chỉ là những câu nói bồng bột khi chưa biết giải thích như thế nào để thể hiện bản thân.
Tôi từng hỏi một người bạn lúc đó chúng tôi học cấp hai: "Tại sao bạn hút thuốc?", câu trả lời tôi nhận được là: "Vì thơm, ngon". Vậy chúng có thật sự ngon hay không? Tôi dám chắc là không, vì nếu ngon khi hút họ đã nuốt luôn khói vào đâu cần thở ra.
Bản thân tôi ở độ tuổi đó cũng đã từng nghĩ hút thuốc, uống rượu bia nhiều trông sẽ rất oai. Ở độ tuổi đó có ai mà không thích mình được khen cơ chứ? "Đứa này uống rượu khỏe lắm", "một mình nó chấp cả lớp"...
Đó có lẽ là điều mà các bạn độ tuổi đó rất thích nghe và để đáp lại sự tán thưởng đó từ việc cảm thấy mùi thuốc thật khó chịu, vị bia rượu thật đắng, thật cay, thật nóng, đau dạ dày thì uống nhiều dẫn tới bị nghiện lúc nào không hay.
Trong nhận thức của thế hệ đi trước, rượu, bia là nét truyền thống. Ta có thể thấy trong gói quà Tết cũng phải có chai rượu và điếu thuốc lá. Truyền thống vốn dĩ là thứ rất tốt đẹp của các nước, các dân tộc. Nhưng nếu chúng tiến tới thời đại mới bị biến tướng, bị lạm dụng, không còn phù hợp có lễ nên cần được thay đổi từ từ.
"Không uống à, thằng này ra ngoài khéo uống kinh hơn cả bọn mình ", "đến tuổi này mà chưa biết uống à, kém thật", "mày là trưởng mày phải tiếp", "nay mai ra làm việc còn phải giao lưu, uống nhiều, tập đi cho quen", "chú không uống là không nể anh, không uống thì thôi không nói chuyện gì nữa"...
Đó có lẽ là những lời mà bản thân tôi và những người không thích những thứ độc hại trên từng nghe phải. Bản thân tôi nghĩ mọi hành động đều xuất phát từ nhận thức và sự giáo dục từ gia đình ngay khi còn nhỏ và ở các giai đoạn phát triển chưa chín của mọi người.
Việc biết sử dụng các đồ kích thích trên vì thể hiện đẳng cấp, vì giao lưu, vì công việc, vì là người lớn... có lẽ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người, nhưng tôi xin phép được nêu ra một vài viễn cảnh thực tế mà bản thân đã trải nghiệm.
Năm thứ hai đại học tôi sống xa nhà, có lần bạn cùng phòng mời bạn đến phòng chơi, lúc đó mọi người mua bia và rượu về mở tiệc. Biết là tôi không uống nên các bạn cũng mua cho nước ngọt. Nhưng khi một bạn khác mời, tôi có giơ nước ngọt lên cụng, cũng rất vui vẻ với bạn. Nhưng bạn nói một câu làm tôi nhớ mãi và chợt nhận ra những điều mình được giáo dục thật đúng đắn: "Bạn không uống à, bạn không nể tôi rồi, thế thì không có gì để nói".
Vậy là chúng ta làm bạn kết bạn với nhau không phải vì tình cảm, mà đến với nhau chỉ vì chén rượu và dăm ba câu? Vậy nếu tôi hy sinh bản thân vào những thứ kích thích ấy chỉ vì muốn được ngồi cùng, nói cùng thì tôi thà đi làm những việc mà bản thân thích (những việc không sai trái, không ảnh hưởng xấu tới người khác).
Ham rượu, thuốc lá vì lập trường không vững vàng. Bản thân cũng từng là người sử dụng, tôi hiểu cảm giác của những người sử dụng qua nhưng có lẽ tôi thật may mắn khi được bảo ban tốt từ cha mẹ cùng với việc chứng kiến nhiều hậu quả do những chất ấy gây ra mà đến nay tôi không còn đụng tới chúng.
Tại sao cần thay đổi hẳn (từ hạn chế đến cấm rượu, bia, thuốc lá) và thay đổi từ đâu?
Đối với câu hỏi thứ nhất, thay đổi tất nhiên vì muốn mọi người sống trong môi trường trong sạch, giảm bớt các tệ nạn, sống khỏe mạnh. Có thể thấy các bạn trẻ ngày nay, đặc biệt là những người sống xa nhà đi học, làm việc được thả mình, được giải phóng để khám phá mọi thứ xung quanh, việc ùa vui theo đám bạn và không có lập trường, nhận thức đúng đắn đã khiến họ xa vào việc lạm dụng thường xuyên các chất kích thích.
"Thỉnh thoảng mới uống hay lâu lâu mới uống" là câu nói có lẽ quá quen thuộc để bao biện cho sự nghiện, sự thể hiện của bản thân. Rượu bia sinh ra vốn dĩ dành cho những người biết thưởng thức. Khoa học cũng chứng minh thỉ thoảng sử dụng ít bia hay ít rượu ngâm có tác dụng tốt cho sức khỏe. Nhưng xã hội ngày một phát triển, họ không còn giữ được sự ý nghĩa ấy nữa mà thay vào đó là " luật bàn nhậu" hay các bạn trẻ so sánh trình độ với nhau trong các buổi gặp mặt tại các quán ăn với những mánh khóe uống rượu...
Biến tướng không chỉ ở người uống mà ở cả đồ uống. Có lẽ thật buồn cười khi mà thứ các bạn muốn so sánh với nhau uống được nhiều hay ít lại không phải là rượu chuẩn...
Tôi là một người rất thoải mái với những ai hay uống rượu, hút thuốc, chỉ cần họ có ý thức không gây ảnh hưởng tới xung quanh là được. Nhưng cái tôi nhận được trên thực tế, tại những nơi ở đông người, thời sinh viên là những bữa tiệc thâu đêm, sáng, những âm thanh ồn ào, những câu nói không hay do chất kích thích gây ra, những mùi khói thuốc hay nồng nặc mùi bia rượu mà ban đêm đang nằm ngủ giật mình tỉnh dậy...
Những người đang sử dụng chất kích thích ấy không bị ảnh hưởng nhiều mà người xung quanh mới là đối tượng gánh chịu nhiều hậu quả về sau này. Việc sử dụng nhiều chất kích thích cũng dẫn tới các vụ bạo hành gia đình, tai nạn giao thông hay là câu nối cho các tệ nạn khác như ma túy...
Nên thay đổi từ đâu? Đây có lẽ là quá trình nan giải, kéo dài. Bản thân tôi nghĩ nhận thức trong mỗi người là điều đầu tiên cần thay đổi, một nhận thức đúng đắn sẽ dẫn tới những hành động cùng cách giáo dục đúng đắn. Từ đó sẽ giảm thiểu được số lượng người tiêu thụ, dần dần sẽ giảm thiểu và dừng được hoạt động sản xuất tại các nhà máy, cơ sở...
Đó là toàn bộ những gì mà tôi muốn được thể hiện qua một quãng thời gian giúp bản thân đủ nhận thức. Tất nhiên đó là ý kiến cá nhân, việc thay đổi sẽ phải chịu áp lực từ rất nhiều phía nhưng tôi rất mong việc đó sẽ được diễn ra trong tương lai.
"Một Hứa Văn Cường tài trí đến mấy, xuất chúng đến mấy cũng chỉ là một con người nhỏ bé không thể thay đổi được bến Thượng Hải "
Nguyễn Minh Công
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.