Sáng tháng 7, Thu Hương thức dậy lúc 4h, dành một tiếng để ngồi thiền, một tiếng tập yoga và ngồi ban công ngắm bình minh. Sau đó cô đạp xe xuyên qua làng ra chợ mua ít hoa quả, tiện thể đi "tắm nắng" với hành trang là một chiếc làn đựng sách và bút. Chiều ngủ dậy, cô đọc sách, luyện chữ, trồng cây, hoặc làm đồ handmade. Có hôm lười, cô chỉ nằm một chỗ xem phim và nghe nhạc.
"Cuộc sống về hưu của mình hơn ba tháng nay không có áp lực tiền bạc, không bon chen, chỉ đơn giản tận hưởng và làm những điều mình thích", Thu Hương chia sẻ.
Trước khi nghỉ hưu, Hương là một nhân viên ngân hàng, ngoài ra còn làm thêm bảo hiểm. Như những người trẻ tốt nghiệp ra trường, cô cũng có nhiều năm vắt kiệt sức mình làm việc để tìm kiếm cuộc sống vật chất sung túc hơn. Nhờ những tháng năm đó, cô góp tiền xây nhà cho bố mẹ, mua sắm đồ gia dụng trong nhà và những chuyến du lịch xa.
"Nhưng mình phải làm việc 12 -14 tiếng mỗi ngày, bất kể cuối tuần. Mỗi tối mình trở về nhà cùng những bữa cơm qua loa, cùng cảm giác uể oải bao trùm cơ thể, thậm chí sẵn sàng trút bực bội lên cả những vật vô tri", cô kể.
Từ năm 25 tuổi Hương bắt đầu trăn trở nhiều về "ý nghĩa cuộc đời". Đó là giai đoạn cô gái trẻ cảm thấy mông lung nên đọc nhiều sách và quyết định khám phá thế giới nội tâm. Khi đi sâu, cô nhận ra "cuộc sống này, nếu chỉ sống thôi thì không khó, sống bình yên cũng không khó. Người thấy khó là bởi vì tay muốn nắm giữ quá nhiều".
Giữa năm 2019, Hương rời Hà Nội về quê làm việc tại một ngân hàng ở Phố Nối, để có nhiều thời gian bên bố mẹ. Cô thực hành lối sống chậm, hàng ngày lên giường lúc 9h tối và dậy 4h sáng. Ăn chay nên Hương tự nấu cả 3 bữa, tính ra mỗi bữa chỉ tốn 10.000 đồng.
Hương bỏ xe máy, chuyển qua đạp xe đi làm và đi bộ đi chơi. Lối sống xanh được cô theo đuổi triệt để, như đem theo làn, hộp đi chợ. Những lúc đi cà phê luôn gọi cốc thuỷ tinh và dùng thìa thay cho ống hút. Cô hạn chế tối đa mua sắm, giảm thiểu hoá chất và thiết bị điện. Ngay cả trong việc ăn chay, cô cũng ưu tiên những thực phẩm tươi sống và luôn ăn hết những gì mình nấu.
Lối sống chậm, với Hương còn là hạnh phúc trong từng phút giây của hiện tại. Cô tập không làm nhiều hơn một việc cùng lúc. "Tôi sẽ không lướt qua một cánh đồng vào buổi bình minh mà trong đầu nghĩ về công việc, bởi với tôi nếu vương vấn chuyện quá khứ hay lo lắng chuyện tương lai, thì chẳng phải đã lãng phí vẻ đẹp kỳ diệu của cuộc sống đang diễn ra xung quanh sao?", cô gái bày tỏ.
Từ lúc Hương chọn lối sống này, hầu hết người xung đều thấy cô "lập dị". Các đồng nghiệp hỏi "Sao lại đạp xe 8 km đi làm?", "Sao lại ăn chay?". Mẹ cô xót con gái bị đen đi, gầy đi. Nhưng rồi mọi người cũng không nói, không hỏi nữa. Gia đình Hương giờ thấy con gái khỏe mạnh yêu đời hơn, cũng ăn chay theo.
Cuối tháng 3 vừa qua, cô gái vùng đất nhãn lồng lại làm một việc khác số đông: Nghỉ hưu ở tuổi 27. Tài sản Hương có, ngoài vài đồ dùng cá nhân thì chỉ là một sổ bảo hiểm xã hội mới đóng một năm và hơn 100 triệu đồng tiết kiệm.
Khi Hương chia sẻ việc mình đã nghỉ hưu trên trang cá nhân và một số group, nhiều người chúc mừng cô đã tìm ra và can đảm theo con đường ít ai dám. Ngược lại, một bộ phận khác cho rằng cô "ích kỷ, không có trách nhiệm với gia đình và xã hội".
Những năm gần đây, trào lưu nghỉ hưu sớm xuất hiện đầu tiên ở các quốc gia phương Tây và bắt đầu lan ra nhiều nơi trên thế giới như một cách phản kháng lại lối sống công nghiệp hối hả, vắt kiệt sức lực. Khi có được một số tiền tiết kiệm và các nguồn thu nhập thụ động, nhiều người đã chọn nghỉ hưu. Nghỉ hưu sớm không phải là "ngồi chơi xơi nước" mà vẫn có thể làm việc mình thích, đi từ thiện và có thể vẫn tạo ra thu nhập. Ba tháng nghỉ hưu, Hương vẫn kiếm được tiền từ làm đồ handmade hay dạy tiếng Trung, nhưng khác trước, giờ đây cô làm vì thích, tiền chỉ là cái đến sau.
Ở Việt Nam cũng có nhiều người trẻ chọn nghỉ hưu sớm như cô. Nguyễn Thành Trung, 33 tuổi, ở Đà Nẵng đã nghỉ hưu lúc đang là quản lý 3 công ty. Anh cho biết, sau một lần bê đồ nặng vào năm 2019 thì bị vẹo cột sống phải vào viện điều trị. Trong viện, người phụ nữ 65 tuổi nằm giường bên cạnh khuyên Trung: "Cô làm kế toán trưởng suốt một thời gian dài và bây giờ bị thoái hóa cột sống, tiền chữa trị còn nhiều hơn số tiền mà cô đã làm ra các năm qua. Con đang làm việc gì, hãy giữ gìn sức khỏe, đừng để đến lúc nghỉ hưu, tưởng là bắt đầu được an nhàn lại kết thúc trên giường bệnh".
Thành Trung kể thêm: "Cùng thời gian này sếp của mình đột tử. Trước đó, bố và em trai mình mất, bạn học mất, một người anh em ngoài xã hội mình hay nói chuyện cũng mất. Mình hiểu ra cuộc sống này vô thường như thế nào".
Hiện tại một ngày của Trung trải qua cũng giống như Thu Hương, nghĩa là chỉ đọc sách, thể dục, thiền và làm những điều mình thích. Trung ăn chay có chọn lọc và đã thoát khỏi các vấn đề sức khỏe trước đây như bệnh viêm xung huyết niêm mạc dạ dày, trào ngược dạ dày, rối loạn hệ thần kinh thực vật... Anh vẫn đang có công việc online đem lại thu nhập, bên cạnh việc chăm sóc cây cảnh và làm các đồ handmade.
Cù Ngọc Tuyết Xuân ở TP HCM cũng đang sống như "một người già nghỉ hưu vẫn đam mê lao động". Cô dành nhiều thời gian trong ngày cho các hoạt động yêu thích như đọc sách, viết lách, học kiến thức mới, vẽ tranh... Mỗi ngày Xuân chỉ làm việc bằng chuyên môn tâm lý của mình, chừng 3-5 tiếng. Hôm nào mệt hay không có hứng thú, cô sẽ nghỉ.
"Năm 2020 đã dạy cho mình là đã đến lúc mình buông việc làm giáo viên, chỉ sống cho ước mơ của mình, nên từ đầu năm nay mình đã xin nghỉ toàn bộ lớp dạy", cô gái 30 tuổi cho biết.
Những người đã nghỉ hưu sớm cho biết, đường "về hưu" của họ cũng rất gập ghềnh. Đầu tiên, họ đều bị xì xào và phán xét của số đông, đồng thời phải học cách sống đạm bạc, từ bỏ tiện nghi. Nghỉ hưu rồi, họ nhận ra trên thực tế số tiền chi tiêu một tháng cho nhu cầu ăn uống và điện nước... rất nhỏ so với mua sắm, đi chơi.
"Chúng mình đã sống quay ra cái hạnh phúc bên ngoài nhiều rồi. Giờ vì nhiều lý do và cảm nhận riêng về cuộc sống, nên chọn quay vào nội tâm bên trong. Đây cũng là một loại hạnh phúc nhưng...ít tốn kém hơn", Thành Trung nói.
Về phần Thu Hương quan niệm "trách nhiệm lớn nhất của cô là sống hạnh phúc. Và cách để báo hiếu tốt nhất cho cha mẹ, giúp đỡ tốt nhất cho mọi người, là đem bình an, hạnh phúc của chính mình lan toả, giúp họ có được bình an nội tâm, chứ không phải là cho nhiều tiền của".
Hiện cô chuẩn bị bước vào một khóa đào tạo trong 4 năm để trở thành một chuyên gia thiền tâm lý trị liệu. "Sau đó tôi mong muốn đi khắp nơi đem những gì tôi trải nghiệm được để chữa lành cho những người cần, kết hợp cả với thiền, yoga và nhiều hoạt động sống xanh khác", cô gái nói.
Phan Dương