Một sáng cuối tháng tư, Lê Hải Phong, 28 tuổi không thể gượng dậy đi làm. Cơn sốt virus tưởng nhẹ nhưng vì cơ thể quá yếu ớt mà Phong bị nhiễm trùng máu. Căn bệnh này tàn phá cơ thể, khiến anh phải nhập viện.
Chỉ một tuần trước đó anh đệ đơn xin thôi việc tại công ty về phần mềm quản lý bán hàng, trụ sở ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vì nghĩ đã đến lúc nghỉ hưu sớm, và cũng vì thấy mình có vị trí cao trong công ty, không thể lên được nữa. Lãnh đạo và đồng nghiệp đều hết sức bàng hoàng và nhất quyết không cho anh đi. Nhưng chưa được mấy ngày anh lại xin nghỉ ốm. "Không một ai tin tôi ốm thật, họ nghĩ tôi bịa chuyện để nhanh chóng nghỉ việc. Thành thử suốt một tháng trời nằm viện, không có một đồng nghiệp nào đến thăm", Phong nói.
Sinh trưởng trong gia đình có bố mẹ là công chức, gia đình chuyển lên Hà Nội từ khi anh học đại học. Phong không ỷ lại mà luôn ý thức lập thân. Anh đặt mục tiêu tự do tài chính trước năm 30 tuổi - có một khoản thu nhập thụ động đủ sống - và sau sẽ mở một quán cà phê để tặng cha mẹ nghỉ hưu.
Để đạt kế hoạch, suốt 6 năm ra trường Phong chỉ đi làm và học, không bạn bè, yêu đương. "Ngày đi làm, tối đến không làm thêm thì đi học. Tôi đã học rất nhiều từ thạc sĩ, chứng chỉ IBM, cho đến học pha chế, quản lý bar... Những việc này ngốn sạch thời gian và năng lượng của tôi, đương nhiên sau đó chỉ muốn ngủ. Nên những lần bạn bè gọi đi ăn đi nhậu tôi luôn kiếm cớ từ chối", Phong nói.
Do thức khuya, dậy muộn, Phong không có thói quen ăn sáng. Cơm trưa tại cơ quan rất chán, thường Phong chỉ ăn vài thìa rồi bỏ. "Năng lượng cho tôi trong một thời gian dài đến từ cà phê và nước tăng lực", anh cho hay. Trong nhiều năm đó, anh cũng hiếm khi chạy bộ, không thể dục thể thao. Gần 2/3 thời gian trong ngày ngồi trước màn hình máy tính.
Ở cùng bố mẹ, không mất tiền nhà, phí sinh hoạt, Phong đã tiết kiệm được trên 70% thu nhập. Anh vẫn đi xe máy cũ của bố, dùng máy tính từ thời sinh viên. Năm 2018, Phong dành được khoảng 700 triệu đồng và đổ vào mua 2 kiot, sau đó cho thuê lại được 8 triệu đồng/tháng. Đến đầu năm 2019, anh có được khoản dự trữ để sống gần một năm mà không cần đi làm, ngoài 100 triệu đồng phòng trừ rủi ro sức khỏe. Cảm giác đã đạt được tự do tài chính, Phong nghỉ việc.
Anh vẽ ra một bản kế hoạch hoàn mỹ: dành 6 tháng đi chơi hết mọi miền tổ quốc và một số nước lân cận. Khi trở về sẽ mở tiệm cà phê và hạnh phúc vì cái viễn cảnh không phải "mài đũng quần" như dân văn phòng nữa.
Nhưng rồi chưa kịp nghỉ việc, Phong đã ốm. Trong những ngày dài nằm giường bệnh, nỗi cô đơn ập đến. Anh loáng thoáng nhớ lần gần nhất gặp tụi bạn đại học đã 2-3 năm trước, không thể nhớ nổi thằng bạn thân đã có con trai hay gái, cũng không thể nhớ lần cuối chủ động nói chuyện với một cô gái mà không phải vì công việc là khi nào.
"Bác sĩ đến thăm bệnh tôi luôn hỏi một câu: 'Thế vợ đâu mà nằm một mình thế này'. Tôi đào đâu ra chứ. 28 năm qua còn chưa từng cầm tay người con gái nào", Phong tâm sự. Nếu như trước đây nghĩ yêu đương là vật cản sự nghiệp thì lúc này anh ước có một cô người yêu quan tâm mình.
Sau một tháng nằm viện Phong dành thời gian để làm quen với nắng gió Hà Nội, chứ không nhốt mình trong phòng lạnh như trước. Song trận ốm đã tàn phá cơ thể nhiều hơn anh tưởng. Tháng thứ 3 sau khi nghỉ, chân Phong sưng phồng. "Bác sĩ nói gan và thận của tôi bị suy vì nhiễm trùng máu quá lâu, dẫn đến khả năng lọc máu giảm đi nhiều, hậu quả không lọc đủ axit uric và dẫn tới một căn bệnh hài hước mà tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ mắc ở tuổi này, bệnh gout" Phong buồn nói.
Lúc này đừng nói leo núi, chỉ lết ra đến đầu đường mua rau đã là kỳ tích. Những đêm chỉ trở mình đã đau đến phát khóc, Phong lại có cả đêm trằn trọc, ngẫm sự đời. "Tôi thấy mình đã trả giá quá đắt vì lao theo công việc và tiền bạc, để rồi cuối cùng ngoài tiền ra không có gì cả. Cơ thể rách nát, bạn bè không có, nói gì đến những thứ xa vời như vợ con. Cả thanh xuân của tôi đều để theo đuổi tiền bạc, có vẻ tôi đã sai", chàng trai bộc bạch.
"Cái chết vì làm việc quá sức" rất phổ biến ở Nhật Bản, thậm chí còn có một từ riêng cho nó, đó là Karoshi. Thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản năm 2015, có 2.310 người "chết vì làm việc quá sức". Nhưng nhiều chuyên gia đánh giá đây chỉ là phần nổi của tảng băng, con số thực tế có thể lên tới 10.000 - gần bằng số người thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn giao thông ở nước này.
Tháng 5 vừa qua, WHO đã chính thức đưa từ burnout - kiệt sức vì áp lực công việc - vào Bảng phân loại bệnh tật quốc tế (ICD), như là một dạng bệnh nghề nghiệp. Những điều này cho thấy áp lực công việc đến thành bệnh đang trở nên phổ biến.
Một cuộc khảo sát trên phạm vi toàn cầu của Đại học Durham (Anh) năm 2016 trên 18.000 người từ 134 quốc gia cho thấy, có 68% số người tham gia trả lời rằng họ cảm thấy mệt mỏi, thật sự mong muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn.
"Đang xuất hiện một bộ phận người trẻ sống một bề, tức chỉ biết công việc, không bạn bè, yêu đương, thờ ơ với sức khỏe. Trung tâm của tôi từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị stress công việc, lúc tới gặp chuyên gia đã kiệt quệ sức khỏe tinh thần và thể chất", chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm tư vấn Hồn Việt), cho biết.
Cũng theo bà, để cân bằng cuộc sống, giới trẻ nên lên kế hoạch cuộc đời, mỗi giai đoạn dành cho một ưu tiên nhất định, nhưng xác định có hai điều không thể dùng tiền mua được là sức khoẻ và cảm giác hạnh phúc.
Chuyên gia tâm lý Minh Hoa (Đại Học Nguyễn Tất Thành - TP HCM) cũng tiếp nhận nhiều trường hợp người trẻ bị stress vì công việc thời gian gần đây.
Sau một thời gian dài ngồi xe lăn, Lê Hải Phong đã đi lại được dù vẫn đang dùng thuốc theo chỉ định. Tuần trước anh vứt xó bản kế hoạch 6 tháng nghỉ việc và quyết định bắt đầu lại với sở trường lập trình viên. Đầu tuần này, Phong đi làm lại cho một công ty cách nhà không quá xa để có thể đi làm bằng xe đạp và chỉ làm 4 ngày/tuần. Thời gian còn lại, anh đang tìm hiểu để mở quán cà phê. Phong cũng dự định sẽ đăng ký tập gym tại công ty.
"Riêng về bạn bè, tôi cũng chưa biết nên kết nối lại với họ thế nào", Phong nói.
Phan Dương