Có cả bố lẫn mẹ đều làm giáo viên ở Hà Nội, Phương từ nhỏ đã đặt mục tiêu học cao. Năm 2014, cô gái gốc Hà Nội xin sang Pháp học thạc sĩ và tiến sĩ ngành lịch sử. Phương tin rằng trước tuổi 30 là "khoảng thời gian tốt nhất để đạt được địa vị xã hội mà mình mong muốn" nên không muốn yêu, sợ mất tập trung. Cô cũng không thấy những người đàn ông xung quanh đủ sức cuốn hút nên dù một vài lần được tỏ tình cũng từ chối cả.
Suốt sáu năm ở Pháp, mỗi ngày Phương dành ít nhất tám tiếng ở trường và phòng nghiên cứu. Gần đây, cô trở thành trợ lý giáo sư, đảm nhận việc chuẩn bị giáo án và hỗ trợ các sinh viên khóa dưới nên thời gian biểu kín mít, không có chỗ dành cho yêu đương.
Trong gia đình, mẹ Phương là người sốt sắng nhất về việc kết hôn của con gái. Bà ủng hộ con học thạc sĩ nhưng không hài lòng khi nghe Phương bảo sẽ tiếp tục lên tiến sĩ. "Mẹ bảo tôi học như thế là ổn rồi, có thể xin vào một trường đại học trung bình khá để dạy, giờ nghĩ đến việc lập gia đình. Nhưng tôi bảo mình muốn lấy người ưu tú, mà đàn ông ưu tú thì không bao giờ yêu những cô gái kém cỏi", Phương kể.
Nghe chuyện, ông ngoại Phương cũng đỡ lời rằng "thời buổi này, con cái càng cần phải học để có sự nghiệp". "Ông bảo tôi nếu mẹ giục lấy chồng thì cứ mách ông, ông bênh", Phương nói tiếp.
Biết không cản được con, mẹ Phương đành để cô học lên tiến sĩ với điều kiện cô độc lập tài chính, không được xin một đồng nào. Nếu trước đây, mỗi tháng được mẹ hỗ trợ 700 euro thì giờ, Phương tự kiếm tiền. Cứ lúc rảnh, cô nhận dẫn tour tham quan bảo tàng hoặc trông trẻ để tăng thu nhập. Ba năm nay, Phương cũng chưa về Việt Nam vì xót tiền vé máy bay. Thấy con nỗ lực, mẹ Phương không gay gắt giục cô kết hôn nữa. Nhưng cứ đến sinh nhật con, bà vẫn nhắc khéo: "Tầm tuổi này mẹ đã có con rồi đấy".
Dù "nói cứng" nhưng đôi lúc, Phương cũng sợ kết hôn muộn sẽ dẫn đến khó khăn lúc sinh nở. Nhưng nỗi sợ chọn nhầm chồng còn khiến cô căng thẳng hơn. Phương không muốn mình ly dị hay tệ hơn là bị nhà chồng coi thường, như một số trường hợp cô từng chứng kiến.
"Tôi chỉ yên tâm kết hôn khi đã có địa vị xã hội ổn định. Thu nhập không nhất thiết phải cao nhưng đủ để tự nuôi bản thân và con cái cũng như chi trả cho các sở thích của mình", Phương nói. Cô tin rằng nếu bản thân đạt đến mức độ nhất định về vật chất, địa vị, sẽ không ai dám coi thường mình. Vợ chồng nhờ đó sẽ ràng buộc với nhau bằng tình cảm và kiểu sống lâu sinh nghĩa, sinh tình chứ không phải vì vật chất.
Hiện nay, Phương vẫn thấy ổn với cuộc sống tự do. Cô dự định sẽ tính chuyện gia đình sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ vào cuối năm nay. "Mỗi người có một sở nguyện, một nhịp sống và thời vận riêng", Phương nói. "Tôi vẫn có thể ở một mình, không cần đi kiếm một người đàn ông để bổ sung cho đời sống tinh thần của bản thân".
Cũng như Phương, Nguyễn Ngọc Anh (TP HCM) còn độc thân ở tuổi 30. Nữ quản lý ở một công ty quảng cáo đã trải qua nhiều mối quan hệ, lương hơn 20 triệu đồng mỗi tháng song chưa muốn tiến tới hôn nhân.
Là con út trong một gia đình làm kinh doanh, Ngọc Anh thừa nhận bản thân luôn luôn được chiều chuộng. Cô thỏa sức học những thứ mình muốn, từ đàn hát đến vẽ tranh, và hiếm khi phải động tay vào việc nhà. Đi làm, phần lớn tiền lương của Ngọc Anh dành cho những sở thích cá nhân chứ không vào tài khoản tiết kiệm. "Tôi quen làm con rồi, chưa thích đổi sang vai nào khác", cô nói.
Ngọc Anh hiểu rằng hôn nhân đi liền với trách nhiệm và cô chưa muốn đảm nhận những trách nhiệm đó. Nếu lập gia đình, cô chắc chắn không thể thoải mái mua sắm quần áo hàng hiệu hay các cuộc hẹn cà phê cùng bạn bè cũng sẽ thưa dần.
Bên cạnh đó, Ngọc Anh chưa từng có quan hệ tốt với gia đình người yêu. Cô tâm niệm nếu chưa cưới thì mình vẫn là khách, không cần phụ giúp chuyện bếp núc nên thường xuyên bị đánh giá là không khéo léo.
Năm ngoái, Ngọc Anh đến thăm nhà bạn trai cũ vào dịp Trung thu. Thấy bánh bày trên bàn, Ngọc Anh không chủ động cắt mà chờ chị gái bạn trai làm. Hai hôm sau, bạn trai kể với Ngọc Anh rằng gia đình anh không hài lòng vì cô quá thụ động, "đến cái bánh cũng không chịu cắt". Tức giận, nữ quản lý lập tức nói lời chia tay. "Mới là người yêu đã như vậy, không biết lúc làm dâu thì thế nào", Ngọc Anh nhận xét.
Đặc biệt, Ngọc Anh cảm thấy nặng nề về chuyện con cái. "Sinh nở sớm là chuyện tốt, đỡ khổ cho các bà mẹ nhưng nuôi con đâu có dễ, nhất là trong tình trạng môi trường ô nhiễm, đồ ăn thức uống mất vệ sinh như bây giờ", nữ quản lý nói.
Phần lớn bạn bè của Ngọc Anh chưa kết hôn mà mải làm vệc và hưởng thụ nên cô không cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, Ngọc Anh bực bội vì cả bố mẹ lẫn anh trai ở nhà đều giục cô lấy chồng. Cô chống đỡ bằng cách lờ đi khi mọi người nhắc chuyện kết hôn và cố gắng về thật muộn để không phải ăn tối cùng gia đình. Những buổi họ hàng tụ tập, Ngọc Anh cũng lấy cớ bận để trốn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Cao Minh từ Viện Tâm lý học, kết hôn muộn là xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Ví dụ ở Mỹ, tuổi kết hôn trung bình năm 1970 là 23 với nam và 20,8 với nữ. Năm 2017, con số này lần lượt là 29,5 với nam và 27,4 với nữ. Có nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ hiện đại kết hôn muộn như: chưa sẵn sàng đảm nhận vai trò mới của cuộc sống gia đình, chưa sẵn sàng từ bỏ tự do, chưa tìm được người phù hợp hoặc có những nỗi sợ hoặc những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống hôn nhân.
Tuy nhiên, kết hôn muộn không đồng nghĩa với việc thờ ơ với hôn nhân mà cho thấy con người hiện đại trăn trở về việc lập gia đình nhiều hơn. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Phong (Hà Nội) nhận định: "Trước đây, hôn nhân được coi là bước đánh dấu một người vào giai đoạn trưởng thành. Ngày nay, nhiều người coi hôn nhân là bước cuối, chỉ tiến hành khi đã đạt được một số thành công nhất định để làm tròn trách nhiệm mà không phải từ bỏ các nhu cầu cũ".
Minh Trang