Bất chấp muôn vàn khó khăn phải đối mặt, chuyên gia người Mỹ Jay Larsen vẫn xem cuộc tìm kiếm kéo dài gần 6 tháng ròng rã mà ông tham gia ở vùng biển xa xôi ngoài khơi bờ tây Australia là một vinh dự.
Đồng thời, ông cũng phải gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nề, đặc biệt là đối với gia đình của 239 người có mặt trên chuyến bay MH370 mất tích vào đúng ngày này hai năm về trước. Giờ đây, khi cuộc tìm kiếm sắp bước vào hồi kết nhưng tung tích MH370 vẫn còn là điều bí ẩn, áp lực mà Larsen phải chịu lại tăng thêm bội phần, theo AP.
Nhàm chán và căng thẳng
Larsen, người thiết kế thiết bị tìm kiếm MH370 bằng sóng âm, là chủ công ty khảo sát và thăm dò lòng biển sâu Hydrospheric Solutions, Mỹ. Ông tham gia chiến dịch truy tìm MH370 từ những ngày đầu, khi nhà thầu Phoenix International Holdings chọn Hydrospheric Solutions làm nhà cung cấp thiết bị tìm kiếm thủy âm để sử dụng trong quá trình "săn lùng" dấu vết MH370 trên tàu GO Phoenix do chính phủ Malaysia thuê.
"Căng thẳng như đang dồn nén trong tôi bởi cuộc tìm kiếm sắp chấm dứt và mọi người ai cũng muốn tìm ra MH370", Larsen nói.
Larsen và các thành viên trong nhóm của ông gần đây bay đến Singapore để đưa thiết bị thủy âm lên tàu Trung Quốc mang tên Dong Hai Jiu 101 vừa gia nhập đội tìm kiếm cùng ba tàu khác để lùng sục dấu vết MH370 ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương.
Công ty của Larsen đưa 8 thành viên tìm kiếm lên tàu Dong Hai Jiu 101. Những người này có nhiệm vụ vận hành "con cá" như cách gọi của Larsen. "Con cá" ở đây chính là thiết bị tìm kiếm thủy âm SLH ProSAS-60, dài 6 m, rộng 1,5 m, nặng 3,5 tấn, khoác trên mình lớp sơn màu vàng tươi. SLH ProSAS-60 sẽ được thả xuống đáy biển và kéo rê phía sau tàu Dong Hai Jiu 101 bằng một sợi cáp. Thiết bị này sẽ dùng sóng âm rà quét đáy biển và gửi dữ liệu về máy tính trên tàu để xử lý thông tin thành hình ảnh.
Những hình ảnh đen trắng độ nét cao được phóng to trên màn hình máy tính. Larsen cho hay các hình ảnh trên, do thiết bị thủy âm khẩu độ tổng hợp cung cấp, có chất lượng cao hơn các hình ảnh từ những thiết bị tìm kiếm bằng sóng âm thông thường khác. Vì thế, Larsen tự tin nhóm tìm kiếm của ông sẽ không bỏ sót bất kỳ mảnh vỡ nào của MH370, nếu có.
Tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm khá mệt mỏi. Larsen có mặt trên tàu GO Phoenix trong giai đoạn đầu của cuộc tìm kiếm dưới lòng biển, từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2015, và chỉ được trở về đất liền nghỉ ngơi trong một tháng vì tàu cần tiếp tế thực phẩm. Ông bay về nhà ở Mỹ đúng một lần vào dịp nghỉ lễ.
"Công việc này tàn phá đầu óc, tâm trí, trái tim và kể cả cuộc hôn nhân của tôi. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục", ông nói.
Trên tàu có hai nhóm tìm kiếm, mỗi nhóm ba người, làm việc thay ca 12 tiếng mỗi ngày. Công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và phối hợp chặt chẽ. Một nhân viên của Larsen ngồi ở bộ phận điều khiển thiết bị tìm kiếm bằng sóng âm, trong lúc đó, một người hoa tiêu ngồi ngay bên cạnh để quan sát địa hình lòng biển phía trước rồi đưa ra cảnh báo chướng ngại vật. Nhân viên còn lại làm nhiệm vụ quan sát dự phòng. Thỉnh thoảng, một nhân viên khác sẽ thay thế nếu người nào đó trong nhóm cần nghỉ ngơi.
Công việc rất căng thẳng và đơn điệu, đôi khi khiến đội tìm kiếm nản chí vì họ không phát hiện được gì sau những quãng đường tìm kiếm dài. Có khi tàu phải quay đầu vì một rặng núi ngầm dưới lòng biển đột ngột xuất hiện trước mặt. Thiết bị tìm kiếm bằng sóng âm có thể hư hại nếu va phải một khối đá hoặc vướng vào một vật gì đó và vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển sâu đến 6,5 km.
"Đó là những giờ tìm kiếm đơn điệu, nhàm chán, xen lẫn những khoảnh khắc đáng sợ", Larsen nói. "Dưới đáy biển tồn tại những rặng núi và rãnh sâu đến khó tin mà chúng tôi phải cố gắng đến gần quan sát thật kỹ để chắc chắn rằng chúng tôi không bỏ sót bất cứ điều gì. Vậy nên, càng liều lĩnh, chúng tôi càng thu được những hình ảnh sắc nét hơn nhưng hậu quả thì khôn lường. Thiết bị dò tìm bằng sóng âm trị giá đến hai triệu USD và chúng tôi không muốn để mất nó".
Không từ bỏ hy vọng
Nhóm tìm kiếm của Larsen phải phối hợp chặt chẽ với thủy thủ đoàn để bảo đảm con tàu duy trì đúng tốc độ cần thiết, giúp thiết bị tìm kiếm không bị chìm xuống đáy biển.
Thời tiết khắc nghiệt cũng là thứ mà những người trên tàu phải gắng gượng chống chọi. Nhóm tìm kiếm có thể phải vận hành thiết bị trong điều kiện biển động với những con sóng cao 4 mét.
Nhưng nếu sóng lớn hơn thế, họ buộc phải kéo thiết bị tìm kiếm lên để chúng không bị hỏng hóc. Đưa một vật dụng đồ sộ như vậy khỏi mặt nước khi sóng lớn đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận. Ngoài ra, khả năng phối hợp nhuần nhuyễn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng của những người trên tàu là điều cần thiết để ngăn ngừa tai nạn xảy ra.
Trong tháng đầu tiên tiến hành tìm kiếm, nhóm của Larsen rất phấn khích vì họ kỳ vọng sẽ nhanh chóng tìm thấy máy bay MH370. Thời gian cứ thế trôi qua, cảm giác hồi hộp, mong ngóng cũng dần lắng xuống và công việc trở về nhịp độ bình thường đến mức tẻ nhạt. Song, họ chưa bao giờ từ bỏ hy vọng mặc dù hiện chỉ còn khoảng 30% khu vực tìm kiếm chưa được thăm dò.
"Bất cứ giây phút nào chúng tôi cũng có cơ may nhìn thấy mảnh vỡ trên màn hình", Larsen cho hay.
Khi nhóm tìm kiếm của Larsen nghỉ ngơi thay ca, họ có thể đốt năng lượng ở phòng tập thể dục trên tàu hay giết thời gian bằng cách xem phim, đọc sách báo, chơi bài, đánh bóng bàn... Nhưng thông thường, họ thích nghỉ ngơi trong phòng hơn vì ai cũng cần không gian tĩnh lặng.
Thủy thủ đoàn tàu Dong Hai Jiu 101 đang lên kế hoạch lưu lại khu vực tìm kiếm trong khoảng 38-42 ngày trước khi quay về cảng để nhận thực phẩm tiếp tế. Dù phải đảm đương một sứ mệnh cam go nhưng Larsen không thấy bất kỳ ai tỏ ra khó chịu.
"Mọi người đều muốn tiếp tục cuộc tìm kiếm", ông nói.
Bên cạnh đó, công việc cũng mang lại cho những người trong đội đôi chút thú vị, chẳng hạn như cảm giác mới lạ khi trở thành người đầu tiên quan sát được một địa hình rộng lớn, kỳ vĩ dưới đáy biển. Lòng biển ở khu vực tìm kiếm nằm ở nơi xa xôi đến nỗi nó chưa bao giờ được vẽ trên bản đồ trước đây. Do vậy, Larsen cảm thấy như mình đang tham gia một hành trình khám phá đầy ly kỳ, dù ông hiểu rõ rằng nhiệm vụ vì thế mà cũng trở nên khó khăn hơn.
"Chúng tôi thực sự cảm thấy tự hào khi được đóng góp một phần công sức cho cuộc tìm kiếm... Và tôi hy vọng sẽ có thể đem về câu trả lời cho gia đình những người mất tích. Đây chính là động lực thôi thúc chúng tôi tiếp tục nỗ lực làm việc", Larsen nhấn mạnh.
Hồng Vân