Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều luôn trong trạng thái sống trên mây, mơ mộng và ảo tưởng, không chịu làm việc hoặc làm rất qua loa. Họ không có ý thức và trách nhiệm gì về tương lai của mình, cả người trẻ tuổi và lớn tuổi.
Tôi làm trong ngành nhân sự, được người bạn nhờ tìm việc hộ cho em trai vừa tốt nghiệp xong. Sự lười nhác của anh thanh niên này làm tôi hoảng sợ. Đã tốt nghiệp được mấy tháng, hằng ngày cậu ta chỉ biết ù lỳ ở phòng trọ. Sáng trước khi làm, chị gái nấu sẵn cơm canh, cậu em ngủ đến 9-10h mới chịu dậy. Thức ăn đã có sẵn, chỉ biết ăn rồi cắm đầu chơi game, xem phim đến chiều chờ chị đi làm về. Buổi tối cũng lặp lại như thế, thức khuya đến 2-3h rồi lại dậy muộn vào hôm sau. Nghe cô bạn kể mà tôi phát bực. Tôi hẹn chị em họ để tư vấn việc làm.
Tôi đề nghị trong thơi gian tìm được một công việc chính thức thì cậu em nên đi làm việc đơn giản như chạy bàn, phục vụ... full-time hay part-time cũng được. Miễn là có đi làm. Trước hết là tận dụng thời gian chết, kiếm tiền tiêu vặt. Sau là có một công việc để làm cũng khiến người khoẻ khoắn hơn là nằm ở nhà suốt ngày. Tôi vừa đề nghị thì cậu ta gạt phăng đi, có vẻ không hài lòng.
Tôi hỏi đến chuyên môn thì biết cậu ta học ngành điện lạnh, có vài tháng kinh nghiệm lắp đặt, sửa chữa máy lạnh, thiết bị điện gia dụng lúc đi thực tập tại một công ty. Sau thực tập, công ty có ý định giữ lại nhưng cậu ta từ chối do công ty nhỏ. Hơn nữa, cậu ta không muốn suốt ngày chạy đi chạy lại ở ngoài đường chỉ để sửa vài món đồ vặt. Tôi nghe xong chỉ biết nhìn cô bạn cười trừ, lúc về nhà nhắn tin từ chối khéo. Tôi có quen biết chỗ nào tuyển dụng vị trí phù hợp cũng không dám giới thiệu cậu ta vào làm. Một người không có ý chí lao động như thế thì chỉ gây mất mặt cho người giới thiệu mà thôi.
Mùa dịch Covid-19 này ảnh hưởng đến mọi ngành nghề. Công ty tôi cũng vậy. Dù lợi nhuận vẫn tăng nhẹ nhưng vì doanh thu giảm, sếp đề nghị tôi xem xét, làm việc với các trưởng bộ phận quản lý trực tiếp để cho một số nhân viên làm việc không năng suất nghỉ. Thảo luận, đắn đo rất kỹ tôi mới đề xuất thanh lý hợp đồng lao động với một số người, trong đó có một cô gái ngoài ba mươi tuổi Ngày nhận quyết định thôi việc, cô ta nổi giận, tỏ ý trách móc rằng bao nhiêu năm cống hiến, không có tình thì còn nghĩa, sao bây giờ lại bị công ty đối xử như thế... Tôi mở biên bản, phân tích rằng trong khoảng thời gian ở công ty, cô ta không có đóng góp gì nổi bật. Thời gian làm việc thì đi sớm về muộn. Những năm qua do đồng nghiệp gánh vác công việc nên mới yên thân. Nay công ty siết chặt nhân sự thì cô ta bị thanh lý hợp đồng là điều dễ hiểu. Tôi nói có hơi thẳng nhưng đó là thật.
Nhìn quanh cuộc sống, tôi vẫn thường bắt gặp những người giống như hai trường hợp trên. Người trẻ thì việc nhỏ không thèm làm, việc to lại làm không được. Người "có tuổi" thì không thạo việc, tự biến mình thành kẻ mà công ty có cũng được, vắng cũng chả sao. Bởi thế khi có sự cố xảy ra thì người ra đi lại là chính mình, lúc đó thì trách ai đây?
Có một câu nói mà dạo này tôi thấy nhiều người chia sẻ trên mạng để cổ vũ sự cố gắng học tập, làm việc: "Dù chỉ lười biếng 5 phút thì bạn cũng đã thua người khác rồi".
Thoạt tiên mới nghe có thể thấy lời khuyên này sáo rỗng. Nhưng nghĩ kỹ thì không hẳn vậy. Nội hàm của lời khuyên này rất sâu sắc. Chúng ta đang sống trong một xã hội luôn vận động, ai cũng cố gắng làm việc. Từ những chú kiến chăm chỉ tha thức ăn về tổ, dự trữ cho mùa đông đến những người công nhân làm việc trong nhà xưởng. Ai cũng đều phải lao động. Trước tiên là để duy trì cuộc sống, sau đó là để phát triển bản thân. Từ khi rời khỏi chiếc ghế trên nhà trường thì ai cũng bị lao vào vòng xoáy công việc dù muốn hay không. Sẽ chẳng có thời gian để chúng ta chây lười hay làm việc qua loa đâu. Nếu có thì sẽ phải trả giá đắt vì khi bạn giậm chân tại chỗ thì người khác đã tiến một quãng đường rất xa rồi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Tâm Nguyễn