Đó là một doanh nghiệp sản xuất bao bì lớn ở tỉnh. Từ năm 2010 đến nay công ty nhập giấy từ một nhà cung cấp. Khi khai báo hải quan năm 2010, chi cục hải quan đã lấy mẫu, phân tích, phân loại tại Trung tâm của Tổng cục Hải quan và xếp vào mã thuế 48.05 (tức mức thuế 0%) và tiến hành thông quan. Từ đó về sau năm nào cơ quan hải quan cũng lấy mẫu tái kiểm tra và đều xác nhận là mã thuế đúng như vậy.
Đột nhiên một năm nay, cơ quan hải quan lấy mẫu lại xác định là mã 48.04 và áp thuế 5%. Tất nhiên tất cả các lô này đều cùng một chủng loại hàng, từ một nhà cung cấp ổn định. Mức thuế 5% này không chỉ áp dụng từ đó trở về sau. Kèm với áp mã mới này là quyết định truy thu toàn bộ thuế theo mức 5% cho tất cả lô hàng mà doanh nghiệp đã nhập từ 2010 đến nay. Con số là 6,5 tỷ đồng.
Phải nộp thêm gần 6,5 tỷ đồng tiền truy thu thuế, doanh nghiệp khóc dở mếu dở. Việc áp mã là của cơ quan hải quan, công ty không tự khai. Cơ quan hải quan khi giám sát thường xuyên vẫn khẳng định doanh nghiệp đúng. Hàng đã bán, lãi (nếu có) đã chia, mọi thứ hạch toán, quyết toán, báo cáo thuế đã xong nhưng bất ngờ, mọi thứ đảo ngược. Bạn thử tưởng tượng bạn là nhà kinh doanh, đang làm ăn chí thú, nộp thuế đầy đủ, tuân thủ pháp luật nghiêm túc và một ngày xảy ra vụ việc như trên. Bạn sẽ làm gì?
Đấu tranh lý lẽ với cơ quan nhà nước ư? Doanh nghiệp cho biết họ cũng đã gặp trực tiếp, trao đổi công văn và tác động mọi cách để chuyển tải ý kiến nhưng không ăn thua. Lý lẽ của doanh nghiệp không to bằng cơ quan nhà nước, làm sao “đấu” lại với cơ quan công quyền. Dù ấm ức, họ vẫn phải chấp hành quyết định. Bởi chỉ cần không nộp đúng hạn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng ngày của doanh nghiệp có thể bị đình trệ, nguy cơ đóng cửa doanh nghiệp đến ngay lập tức. Nên doanh nghiệp đã phải vay tiền nộp và chỉ biết "mếu máo" rải đơn kêu cứu khắp nơi.
Kiện ra toà ư? Theo quy định, doanh nghiệp kiện ra toà về quyết định hành chính này là đúng. Doanh nghiệp trên cũng nghĩ đến việc kiện ra Toà án nhưng trong đơn kêu cứu gửi cho chúng tôi, họ bộc bạch thẳng thắn "doanh nghiệp kiện cơ quan nhà nước như con cóc kiện ông trời hay con kiến kiện củ khoai". Thử thống kê, từ trước đến nay đã bao nhiêu doanh nghiệp và người dân kiện thắng cơ quan nhà nước? Để theo kiện, doanh nghiệp có thể mất hàng năm trời theo đuổi với chi phí không ít và kết cục không biết thế nào. Đã đáo tụng đình, doanh nghiệp chắc chắn phải đánh đổi về thời gian, về quan hệ tốt đẹp với chính quyền. Nếu kiện thắng được vụ này thì quan hệ của họ với cơ quan hải quan đó về sau sẽ ra sao?
Những vụ việc như trên khiến tôi nghĩ về một môi trường kinh doanh thuận lợi không thể chỉ là những đạo luật, những quy định với những điều khoản ngôn từ tốt đẹp. Đó còn là việc công chức nhà nước không thể tuỳ nghi diễn giải pháp luật theo cách thức mà họ muốn. Thủ tướng “truy đến cùng” giấy phép hành doanh nghiệp, là một động thái tích cực. Nhưng sự “hành” doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở các văn bản. Nó còn có thể phát sinh từ con người.
Nghị quyết 35 gần đây của Chính phủ đang đưa ra những tín hiệu tích cực như khẳng định nguyên tắc nhà nước “bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp”, “không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự”…
Những chủ trương vẫn rất tốt đẹp. Nhưng thực thi thì chưa thể nói trước. Trở lại với vụ việc công ty sản xuất bao bì ở trên. Một kết cục có hậu dường như đang diễn ra với công ty này, là sau nhiều đấu tranh và sự vào cuộc của báo chí, Tổng cục Hải quan đã huỷ bỏ các quyết định ấn định thuế cũng như quyết định hồi tố. Giờ thì công ty chỉ hy vọng mình nhận lại được 6,5 tỷ đồng đã nộp trước đó. Nhưng liệu đó có phải là lần cuối cùng, và liệu doanh nghiệp ấy có phải chỉ là một trường hợp may mắn?
Môi trường kinh doanh thuận lợi cần có hệ thống cơ quan tư pháp bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Và chắc chắn không có doanh nghiệp nào yên tâm làm ăn lâu dài trên mảnh đất mà sản nghiệp của họ dễ dàng bị định đoạt bởi một vài công chức tâm ít, quyền nhiều.
Đậu Anh Tuấn