Uống xong tách trà, mặc áo khoác lao động màu cam, chào tạm biệt hai con trai, mẹ và vợ, Sharma rời căn nhà hai phòng ở New Delhi, lái xe máy đến văn phòng hội đồng quận Nam Delhi.
Anh mặc đồ bảo hộ rồi đeo thùng chứa đầy dung dịch khử trùng sau lưng, tiếp tục hành trình mạo hiểm tới những khu ổ chuột và dân cư đông đúc, nơi đang là điểm nóng nCoV trong thành phố. Ấn Độ ghi nhận gần 25.000 người nhiễm và gần 800 người tử vong.
"Tôi đương nhiên rất sợ vì còn gia đình nữa", Sharma, 38 tuổi, một trong số hơn 3.500 nhân viên được hội đồng giao nhiệm vụ chống dịch cho khu vực, nói. "Nhưng rồi tôi nghĩ, mình làm việc để cứu gia đình cùng những gia đình khác".
Các nhân viên vệ sinh như Sharma, những người làm nhiệm vụ khử trùng khu vực có nguy cơ cao, cũng nguy hiểm không kém đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, nhưng họ ít được dư luận chú ý tới.
"Bất kỳ nơi nào có nhiều hơn 3 tới 4 ca nhiễm, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đặc biệt ở khu vực đó", N.R.Tuli, bác sĩ phụ trách khử khuẩn khu vực Nam Delhi, nói.
Những biện pháp này thúc đẩy ý thức vệ sinh và tăng cường nhận thức về hành động của chính phủ, theo nhà virus học Shahid Jameel.
"Những công nhân phun thuốc khử trùng này giúp tăng lòng tin của người dân vào chính phủ, để họ làm theo chỉ dẫn chống dịch", Jameel, giám đốc điều hành của tổ chức y tế từ thiện Wellcome Trust, nói thêm.
Ấn Độ, quốc gia có 1,3 tỷ người, đang thi hành một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới kéo dài đến 3/5. Trong thời gian này, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà mua thực phẩm và thuốc men.
Để ngăn chặn nCoV, Sharma phải đi khử trùng 80 nhà mỗi ngày. Nhưng khi kết thúc công việc và trở về nhà, anh lại bị nỗi lo lắng bủa vây.
"Mỗi lần về nhà tôi lại nghĩ, 'Chuyện gì xảy ra nếu mình đã nhiễm nCoV và có thể lây sang con cái?'" anh nói. "Nhưng chúng tôi bất lực, chúng tôi phải thực thi nhiệm vụ".
Hồng Hạnh (Theo Reuters)