Lệnh phong tỏa ban đầu kéo dài 21 ngày nay được gia hạn lên 6 tuần. Bà mẹ đơn thân Devi là một trong hàng nghìn lao động phổ thông ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, đã hết sạch tiền và hiện phải sống nhờ thực phẩm do chính phủ phân phát tại các ngôi trường công.
"Khẩu phần ăn của chúng tôi rất ít. Chúng không đủ cho cả gia đình tôi", Devi nói.
Devi đến từ thành phố Fatehpur thuộc bang Uttar Pradesh, cách New Delhi khoảng 560 km về phía bắc. Chồng cô, một tài xế, đã qua đời vì bệnh lao hai năm trước. Trước phong tỏa, cô kiếm được 5.500 rupee (73 USD) mỗi tháng từ công việc dọn dẹp và nấu ăn cho ba gia đình trung lưu ở Paschim Vihar.
Trả 26 USD tiền thuê nhà, cô và các con gái trang trải cuộc sống với chưa đầy 2 USD mỗi ngày, bao gồm cả học phí. Devi không có khoản tiết kiệm nào. Lệnh phong tỏa như một đòn đánh gây sốc với cô.
Những người chủ nhà không muốn Devi đến giúp việc nữa trong giai đoạn hiện nay. Họ cũng không trả thêm khoản tiền nào giúp cô sống sót qua 6 tuần phong tỏa.
"Tôi từng làm việc trong nhà của họ và giờ đây họ đóng sầm cửa trước mặt tôi. Họ bảo rằng tôi có thể lây nhiễm cho họ. Tôi chỉ còn vài rupee trong túi. Tôi nên dùng chúng trả tiền thuê nhà hay mua sữa, mua rau cho các con mình?", Devi nói.
Cứ khoảng 16h mỗi ngày, Devi lại đứng bên ngoài một ngôi trường ở Nilothi, xếp hàng nhận gạo và đậu cứu trợ cho bữa tối. Cảnh xếp hàng chờ nhận lương thực phân phát này đã trở nên phổ biến ở hầu hết các thành phố lớn của Ấn Độ giữa đại dịch Covid-19.
Tại Kapasheda, cách Nilothi khoảng 22 km, Seema Sardar và Kanika Vishvas, đều là những lao động địa phương, cho biết họ đã bị sa thải mà không nhận được bất kỳ khoản tiền nào giúp duy trì cuộc sống.
Chủ của Sardar, người sống trong một biệt thự tại khu nhà giàu ở thủ đô New Delhi, đã tới Mỹ từ đầu tháng ba và chưa trả lương tháng 4 cho cô. Vishvas, người có chồng làm nghề nhặt rác, cho hay cô dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn cho ba người đàn ông tại một căn hộ ở Surya Vihar, cách khu ổ chuột nơi cô sống gần hai km. Họ chưa trả thù lao tháng 3 và tháng 4 cho cô. Vishvas không thể tới nói chuyện với họ vì cảnh sát đã chặn đường cao tốc.
Gần 1/2 trong 476 triệu người lao động của Ấn Độ là những lao động tự do, 36% nhận lương thời vụ và chỉ 17% là lao động nhận lương thường xuyên. 2/3 trong số này làm việc không ký hợp đồng và 90% không được hưởng an sinh xã hội hay bảo hiểm sức khỏe. Lệnh phong tỏa vì nCoV khiến cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn với họ.
Ngày 24/3, Thủ tướng Narendra Modi ban hành một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, đình chỉ hoàn toàn giao thông công cộng, nhưng ông không nêu rõ chính phủ sẽ hỗ trợ người nghèo như thế nào. Hàng chục nghìn lao động nhập cư đã rời New Delhi, nhiều người chấp nhận đi bộ hàng trăm km để về quê khi các nhà máy và doanh nghiệp đóng cửa.
Chính phủ sau đó thông báo những biện pháp cứu trợ, cung cấp cho mỗi người dân 5 kg gạo/bột mì trong ba tháng tới cùng một kg đậu Hà Lan cho mỗi gia đình.
Tại bang Delhi, chính quyền tuyên bố sẽ cung cấp ngũ cốc cho 7,2 triệu người dân, tương đương 40% dân số bang. Song các học giả và nhà hoạt động cho rằng những hỗ trợ trên là chưa đủ vì hàng triệu gia đình yếu thế không nằm trong Hệ thống Phân phối Công cộng (PDS) sẽ bị bỏ lại.
Chính quyền bang cho hay đã phân phối các bữa ăn tới 1.635 địa điểm, bao gồm cả các trường công và nhà tạm trú cho người vô gia cư, giúp duy trì cuộc sống cho 1,2 triệu cư dân. Nhưng theo chuyên gia, số người cần trợ giúp cao hơn thế nhiều lần.
Dipa Sinha, nhà kinh tế học tại Đại học Ambedkar, chỉ ra rằng PDS không thể bao phủ toàn bộ người dân Delhi. "Đăng ký khẩu phần tại Delhi, giống như hầu hết các bang khác, dựa trên cuộc điều tra dân số năm 2011. Từ đó đến nay, dân số đã tăng lên, khiến một lượng lớn người nghèo đô thị và người nhập cư không nằm trong danh sách", Sinha nói.
Hơn ba triệu lao động sống qua ngày nhờ những công việc tạm thời nhận lương theo ngày ở thủ đô của Ấn Độ. Với nhiều người, thẻ khẩu phần, nếu có, vẫn được cất ở quê.
"Gần 70% dân số Delhi, tương đương 13 triệu người, sống trong các khu ổ chuột. Chỉ 7,2 triệu người được đăng ký là người thụ hưởng theo luật an ninh lương thực nhưng còn 6,5 triệu người có thể vẫn cần hỗ trợ thức ăn bởi họ không có bảo hiểm xã hội", Amrita Johri, nhà hoạt động cho Chiến dịch Quyền Thực phẩm, một chiến dịch chống suy dinh dưỡng, cho hay.
Tại các khu ổ chuột liền kề với khu nhà giàu và trung lưu ở Delhi, người dân, đặc biệt là phụ nữ và người già, nói rằng họ đang phải chiến đấu với cơn đói và cảnh bấp bênh vì không thể tìm được việc làm.
Tại một công trường xây dựng ở khu Anand Niketan, Chanakyapuri, nơi đặt nhiều văn phòng chính phủ và đại sứ quán nước ngoài, Rajkumar Oraon, công nhân đến từ miền trung Ấn Độ, cho biết 30 người nhập cư, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã bị mắc kẹt mà không có thực phẩm trong ba ngày sau khi lệnh phong tỏa được ban bố.
"Chúng tôi trộn cơm với nước và sống qua ba ngày. Ngày 28/3, sau khi một giáo viên địa phương phát hiện ra, ông ấy đã nấu một bữa với cơm và đậu gà cho chúng tôi, nhưng xe thực phẩm không phải ngày nào cũng đến", Oraon nói. Không gia đình nào tại công trường này có thẻ khẩu phần.
Munni Chauhan, một góa phụ ngoài 60 tuổi làm công việc cắt chỉ cho các công ty xuất khẩu hàng may mặc, đi bộ hơn một km mỗi ngày tới văn phòng ủy ban quận phía tây nam Delhi để phản đối lệnh phong tỏa.
Bà cho biết mình đã hết sạch tiền và đồ ăn. "Tôi tự bảo mình rằng nếu cảnh sát muốn phạt tôi, cứ để họ làm. Tôi đến đây để hỏi chính quyền tôi có thể ăn gì? Tôi trả tiền thuê nhà thế nào", Chauhan tức giận nói.
Bà khẳng định mình đã đăng ký vào cơ sở dữ liệu sinh trắc học Aadhaar, điều kiện bắt buộc để nhận trợ cấp an sinh xã hội, nhưng vẫn không nhận được thẻ khẩu phần.
Các chuyên gia về an sinh xã hội cho hay Ấn Độ không thiếu lương thực nên chính phủ phải mở kho dự trữ để cung cấp cho người nghèo.
"Kho dự trữ lương thực của Tập đoàn Thực phẩm Ấn Độ (một công ty nhà nước) hiện tại là trên 77 triệu tấn, gấp ba lần so với yêu cầu dự trữ đệm và đủ đáp ứng nhu cầu lương thực ngay lập tức cho hàng triệu người nghèo", Reetika Khera, nhà kinh tế học tại Viện Quản trị Ấn Độ ở thành phố Ahmedabad, nhận xét.
Theo Jasmine Shah từ tổ chức phi lợi nhuận Ủy ban Đối thoại và Phát triển Delhi (AAP), những ai không có thẻ khẩu phần do chính quyền địa phương cấp thì phải đăng ký "phiếu điện tử".
"Trên 1,5 triệu người đã đăng ký phiếu điện tử trong tuần trước và 0,3 triệu người đã nhận được khẩu phần nhờ hệ thống mới", Shah nói.
Nhưng nhiều người lao động cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc xin "phiếu điện tử" vì việc này cần dùng tới điện thoại thông minh nhưng hầu hết họ đều không có.
Tại Nilothi, Saira Khatun, công nhân xây dựng ngoài 40 tuổi, cho hay cô không thể đăng ký vì không biết sử dụng điện thoại thông minh.
Theo lời Jameesa Khatun, một lao động địa phương với mức thu nhập 27 USD nhờ làm giúp việc, các nhân viên bên cung cấp dịch vụ kỹ thuật số yêu cầu 4 USD để giúp các công nhân đăng ký. "Làm sao chúng tôi trả được số tiền đó khi mà chúng tôi còn không thể mua sữa cho con mình", cô bày tỏ.
Mohammed Gulzar, thợ sửa xe ôtô, cho hay ông có điện thoại thông minh nhưng vẫn không thể đăng ký vì vào tuần trước, trang web đã bị sập do lượng truy cập quá lớn.
Theo lời Shah, trục trặc kỹ thuật đã được xử lý.
Nhà hoạt động Johri kêu gọi chính phủ xây dựng một hệ thống đơn giản hơn để ai cũng có thể dễ dàng sử dụng trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
"Các nhà kinh tế học khuyến cáo nên áp dụng những biện pháp khẩn cấp và các bang nên tránh việc cố tỏ ra 'thông minh' bằng cách thiết lập những hệ thống phức tạp", Johri nói.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)