Theo Nikkei Asisa, giá card đồ họa (GPU) - thành phần quan trọng của máy tính - đang giảm mạnh. Một trong các nguyên nhân là hoạt động khai thác tiền mã hóa đi xuống. Trên khắp các kệ hàng, các model ở đủ phân khúc liên tục cạnh tranh giá, trái ngược cơn sốt hai năm trước. Game thủ và người dùng phổ thông được hưởng lợi trực tiếp.
Trên nền tảng so sánh giá Aucfan, trung bình card đồ họa được bán khoảng 144 USD (3,3 triệu đồng), giảm 60% so với cao điểm hồi tháng 11/2021. Số lượng giao dịch cũng giảm khoảng 40%. Điều này cho thấy card đồ họa đang dư thừa, game thủ không còn phải chạy đua với các thợ đào tiền mã hóa.
Theo công ty nghiên cứu BCN, các model cao cấp mới ra mắt có thể khiến giá trung bình của GPU năm nay bị đẩy lên, nhưng so với cùng kỳ hai năm trước vẫn thấp hơn khoảng 20%.
Ngoài việc xử lý hình ảnh chi tiết, mượt để phục vụ các hoạt động chơi game, chỉnh sửa video hoặc giải trí, card đồ họa còn có khả năng giải các phép tính lớn, phù hợp với hoạt động khai thác tiền mã hóa. Các thống kê chỉ ra rằng biến động giá card những năm gần đây đang tỷ lệ thuận cùng thị trường tiền mã hóa. Trong khi giá GPU giảm 60% so với mức đỉnh năm 2021, giá Bitcoin cũng sụt 80% từ hơn 69.000 USD xuống còn 17.000 USD. Tương tự, giá Ethreum - tiền mã hóa được các thợ đào khai thác nhiều - cũng giảm 80%.
Đại diện Nvidia Nhật Bản cho biết: "Khi cơn sốt card đồ họa diễn ra năm 2021, game thủ gần như không thể mua model phù hợp vì thợ đào sẵn sàng trả tiền cao để thu gom". Để giải quyết vấn đề, các nhà sản xuất đã phải giảm khả năng tính toán của GPU để chúng không còn hiệu quả trong việc khai thác tiền mã hóa, điển hình như GeForce RTX 3060 ra mắt hồi tháng 2/2021.
Đến tháng 9/2022, khi mạng Ethereum hợp nhất thành công, chuyển từ cơ chế PoW (bằng chứng công việc) sang PoS (bằng chứng cổ phần), ngành khai thác tiền mã hóa bằng card đồ họa chính thức lao dốc. Theo các chuyên gia, những thợ đào Bitcoin thường dùng đến các cỗ máy chuyên dụng, trong khi đó thợ đào Ethereum thích dùng GPU do hiệu năng và chi phí đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, sau sự kiện The Merge, một lượng lớn card đồ họa cũ được thải ra thị trường. Cùng nguồn cung dư thừa từ các nhà sản xuất, trong năm 2023, giá card sẽ ngáy càng rẻ, người dùng có nhiều lựa chọn trên cả thị trường chính hãng lẫn thị trường buôn bán đồ cũ.
Takeshi Kamada, Giám đốc điều hành website so sánh giá Kakaku, cho rằng với giá tiền mã hóa hiện nay, thợ đào gần như không có lợi. Còn game thủ đã có thể thoải mái lựa chọn mẫu card yêu thích mà không lo sản phẩm bị đội giá nhiều lần. Ngay cả những người bán hàng cũng tỏ ra lạc quan với tình hình hiện tại của thị trường.
Đại diện một nhà bán lẻ lớn cho biết, card đồ họa trong cao điểm năm 2021 luôn cháy hàng, nhưng các cửa hàng luôn phải tranh giành nhau. Rủi ro lúc đó rất lớn vì họ có thể phải nhập những lô hàng giá đắt nhưng rồi phải bán giá rẻ hơn khi thị trường tiền mã hóa đi xuống. Giờ cung cầu đã trở nên ổn định hơn, họ có thể chủ động nắm bắt thị trường. "Khi game thủ, người làm video đến tìm mua card đồ họa, chúng tôi có thể giới thiệu, tư vấn cho họ rất nhiều lựa chọn, các model đều có sẵn, giá cả cạnh tranh", Shoki Hisasue, quản lý một cửa hàng vi tính tại Nhật Bản, nói.
Một số nhà phân tích khác cho rằng đây có thể là giai đoạn tốt nhất để các game thủ mua sắm card đồ họa. Nhiều dự báo cho thấy năm 2023, thị trường game PC sẽ bùng nổ và nhu cầu về GPU tăng cao. Theo dữ liệu từ Newzoo International, thị trường trò chơi toàn cầu sẽ mở rộng khoảng 10% từ năm 2022 đến 2025 và có thể cán mốc 211,2 tỷ USD.
Khương Nha (theo Nikkei Asia)