Chu kỳ phát triển của bất động sản (BĐS) thường kéo dài 8-10 năm, trong đó giai đoạn suy giảm và trầm lắng từ hai đến ba năm. Bây giờ vẫn còn khá nhiều người cố gồng lỗ, chưa bán tháo gây hiệu ứng domino, "cò" vẫn còn múa may nên chặng đường đi xuống của thị trường vẫn còn xa lắm.
Sẽ có một giai đoạn giải quyết nợ xấu của ngân hàng (do hầu hết tài sản thế chấp là BĐS). Tôi nhớ chu kỳ trước trong showbiz có một nghệ sĩ vỡ nợ, rồi thị trường chỉ còn có ít "cò" với mớ tờ rơi dán chi chít ở ngã ba, ngã tư đường, không còn ai bàn tán, xôn xao về đất đai nữa, lúc đó mới là đáy của thị trường.
Tôi thấy ở xã hội nào cũng vậy, cũng có hai thái cực: giàu - nghèo, có nhà (thậm chí nhiều BĐS) - không nhà (đi thuê). Quan trọng bạn chọn phe nào? Và phấn đấu như thế nào để được ở phe đó.
Một ví dụ đơn giản, khi BĐS nóng nên, xảy ra sốt đất, trong khi nhiều người than vãn, thậm chí ngồi tính toán mất bao nhiêu năm để sở hữu BĐS, thì lại có nhiều người nhìn ra có hội để tích lũy tài sản BĐS.
Rồi khi BĐS đóng băng đi xuống, giá giảm 30-50%, là cơ hội để mua vào thì lại có người vẫn hoài nghi, không dám mua, chờ đợi giảm nữa (không biết đến khi nào) hoặc không thể mua vì không tận dụng hết nguồn lực xung quanh họ. Trong cuộc chơi nào, họ cũng chỉ là người đúng ngoài quan sát, và lựa chọn không làm gì. Hãy dừng đổ lỗi, hãy thay đổi suy nghĩ chính mình để theo thời cuộc, đừng chờ đợi thời cuộc thay đổi vì mình.
Tôi xem ngân hàng như đối tác đồng hành trong quá trình tích lũy tài sản. Tôi không tiếc một đồng khi trả lãi cho ngân hàng, vì đòn bẩy từ ngân hàng có thể giúp tôi kiếm 3-4 đồng lời. Đôi lúc thời cơ đến, ví dụ chu kỳ BĐS 10 năm vừa rồi, chúng ta không dám chớp lấy chỉ vì thiếu tài chính (tâm lý không dám vay), đến giờ có dư tiền, cũng không còn cơ hội để đầu tư.
Về việc kiểm soát rủi ro, ban đầu tài sản chưa nhiều, tôi duy trì tỷ lệ nợ trên tài sản lên đến 60-70% (căn nhà đầu tiên), sau thì cân đối giảm chỉ khoảng 40-50 khi mua BĐS thứ hai, và giờ chỉ khoảng 20-30% do lãi suất tăng, cũng như kinh tế đang trầm lắng và đi xuống.
Để trả nợ, tôi buộc phải kiếm thêm một nguồn thu nhập khác từ công việc trái tay, và nhờ thành quả có được, tôi chuyển sang xây dựng BĐS cho thuê, và nguồn thu này hiện tại có thể lo được chi phí vay. Và áp lực trả nợ vay, về mặt nào đó thúc đẩy chúng ta động não tìm cách kiếm tiền nhiều hơn và đi nhanh hơn.
Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên tắc cần học trước khi bước vào đầu tư, nếu chưa tường tận hoặc chưa rõ thì thà ở không, đừng động vào, dễ "chết":
- Nguyên tắc 1: Không phải lúc nào thị trường cũng thuận lợi, nên nhà đầu tư phải chừa đường lui bằng cách kiểm soát tỷ lệ nợ trên tài sản không quá 30-40%, và đảm bảo dòng tiền trả nợ (đặt giả sử một, hai khả năng xấu nhất xảy ra thì ngưỡng chịu đựng tới đâu).
- Nguyên tắc 2: Định giá thị trường hợp lý, mua khi người ta chán, bán khi người ta thèm. Lúc "cò" rêu rao đất sốt nóng thì đó là thời điểm bán ra, chứ không phải mua vào, tránh tình trạng đu đỉnh.
- Nguyên tắc 3: Tập gồng lãi, nhất quyết không gồng lỗ. Nếu giá giảm quá 10-15% thì mạnh dạn cắt, không chần chừ. Bài toán: Nếu giá giảm 50%, để hòa vốn thì giá phải tăng 100%.
Nguyễn Thành Phát
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.