3 ngày trước phiên thảo luận này, Chính phủ đã có báo cáo gửi tới các đại biểu nói rõ thực trạng tại Vinashin từ khi thành lập cho tới khi suy sụp, để lại khoản nợ 86.000 tỷ đồng và nhiều dự án, công trình dang dở.
Đại biểu Ngô Minh Hồng cho rằng vấn đề Vinashin có thể bắt nguồn từ chuyện "cha chung không ai khóc", không phải tiền của mình nên thiếu trách nhiệm, lãng phí. "Thử hỏi doanh nghiệp ngoài quốc doanh có ai dám chi cả nghìn tỷ để phung phí. Tiền họ bỏ ra, phải của đau con xót chứ", vị đại biểu đến từ TP HCM bức xúc.
Nhưng điều mà bà Hồng lo ngại hơn cả, đó là đằng sau sự thiếu trách nhiệm, lãng phí, liệu có chuyện hoa hồng, chung chi. Thể hiện rõ nhất là việc Vinashin bỏ tới cả nghìn tỷ đồng mua con tàu cũ chạy được một lần đã phải đưa ra bán… sắt vụn và theo bà Hồng, trách nhiệm này không chỉ thuộc về bộ máy lãnh đạo tập đoàn.
"Tiền đầu tư cho Vinashin là từ ngân sách. Nay mọi chuyện như vậy nhưng chúng ta chưa giải trình cho những người đóng thuế", bà Hồng nói.
Cũng nhấn mạnh tiền đầu tư cho Vinashin là từ trái phiếu Chính phủ, Đại biểu Huỳnh Nghĩa của đoàn Đà Nẵng cho rằng cần xử lý rõ ràng và quy trách nhiệm đến nơi đến chốn về các vấn đề liên quan tới sự đổ vỡ của tập đoàn. "Cử tri đề nghị chúng tôi phải chất vấn và đề nghị Chính phủ trả lời trước Quốc hội về câu hỏi này. Họ cũng yêu cầu những đại biểu Quốc hội như chúng tôi là phải quy trách nhiệm đến nơi đến chốn vụ việc Vinashin”.
Trong báo cáo gửi Quốc hội hôm 19/10, Chính phủ chỉ ra rằng những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo tập đoàn là nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu, dẫn tới sự đổ vỡ của Vinashin. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ đối với tập đoàn kinh tế nói chung và Vinashin nói riêng còn nhiều bất cập, lúng túng. Mặt khác, Vinashin còn bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan như khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, Huỳnh Ngọc Đáng, phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương không hài lòng với những giải trình này của Chính phủ. "Ba nguyên nhân suy sụp Vinashin, Chính phủ nêu là không thỏa đáng. Sai phạm của Vinashin rõ, nhưng con hư tại mẹ. Rõ ràng có sự nuông chiều, dễ dãi của các bộ ngành và Chính phủ. Và hơn hết, để xảy ra vụ việc Vinashin và chưa làm rõ trách nhiệm của vụ việc này thì theo tôi, người dân vẫn đang bị nợ hơn một lời xin lỗi”, ông nói.
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm thừa nhận điều hành của Chính phủ đối với tập đoàn nhà nước trong đó có Vinashin còn nhiều lúng túng, đặc biệt là lúng túng về cơ chế điều hành giữa Chính phủ và Bộ chủ quản.
"Với tư tưởng của Chính phủ tập đoàn phải là quả đấm thép nên các tập đoàn nhà nước tự cho mình cái quyền lực quá lớn, trong khi bộ chủ quản thì không có chức năng rõ rệt. Với sự đổ vỡ của Vinashin, trách nhiệm chính vẫn thuộc về Chính phủ, sau đó, cần làm rõ các bộ ngành liên quan có những khuyết điểm gì, từ đó để rút ra kinh nghiệm hơn nữa”, ông nói.
Kỳ Duyên