Sau 17 tháng cố gắng bám trụ ở Hy Lạp, Kamal Mahmood, 44 tuổi, và gia đình quyết định trở về Iraq, đất nước mà họ từng trả 12.000 USD để rời đi.
"Đừng làm mất nhé", một nhân viên di trú Liên Hợp Quốc nói khi trao cho Mahmood tập tài liệu tại sân bay Athens. "Đây là những tấm vé để trở về Iraq".
"Đã rõ", Mahmood đáp khi cầm vé cùng một hộ chiếu tạm thời có liệt kê tên vợ và 4 người con. Trên hộ chiếu có chữ "một chiều".
Ông và gia đình hồi hương theo chương trình được Hy Lạp và Liên minh châu Âu tài trợ. Nhờ chương trình này, khoảng 16.900 người đã thực hiện chuyến đi trở về châu Phi, châu Á hoặc Trung Đông trong ba năm qua, trong bối cảnh các quốc gia EU thắt chặt biên giới và áp đặt yêu cầu khắt khe hơn về tình trạng pháp lý với người nhập cư.
Nhiều người di cư cảm thấy việc bỏ xứ đến châu Âu là một sai lầm, nhưng họ không có tiền để tự về nhà. Ngay cả những người di cư bị từ chối tị nạn cũng hiếm khi bị buộc trục xuất.
Hy Lạp đang cố gắng cho họ lối thoát: hệ thống trục xuất trên cơ sở tự nguyện. Một số di dân lựa chọn về nhà vì bị từ chối tị nạn. Một số phải lén lút làm thuê với mức lương thấp. Những người khác chỉ đơn giản là chán ngấy với việc bị mắc kẹt trong các khu trại tạm bợ ở Hy Lạp, nơi các tổ chức nhân quyền chỉ trích là quá tải và thiếu vệ sinh.
Những người quyết định hồi hương "cảm thấy họ đã chịu đựng quá đủ rồi", Gianluca Rocco, lãnh đạo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ở Hy Lạp, bên điều hành chương trình, cho biết.
IOM cung cấp cho di dân muốn hồi hương giấy tờ đi lại, vé máy bay và vài trăm EUR tiền mặt. Một số người có thể được cho 1.500 EUR để tìm việc hay khởi nghiệp ở quê.
Nhưng việc di dân quyết định hồi hương cũng cho thấy châu Âu đã thất bại trong việc giúp đỡ những người muốn tị nạn hay tìm kiếm cơ hội cuộc sống mới. Nhà Mahmood đã lựa chọn quay trở lại khu tự trị người Kurd của Iraq trước cả khi chính quyền Hy Lạp ra kết luận về đơn xin tị nạn của họ.
Đêm cuối cùng ở châu Âu, Kamal Mahmood chỉ ngủ hai tiếng, miên man nghĩ về lý do cả gia đình dắt díu nhau đến Hy Lạp. Con trai cả của họ qua đời vì bệnh máu trắng và Mahmood đổ lỗi cho hệ thống y tế của Iraq. Vợ Mahmood đau khổ vì mất con nên hiếm khi rời khỏi nhà. Cùng thời gian đó, Mahmood bị giáng chức tại bệnh viện do có mối quan hệ căng thẳng với đảng người Kurd quản lý khu tự trị.
Gia đình cho rằng châu Âu sẽ là một khởi đầu mới. "Đó là cách để quên đi nỗi đau", Mahmood nói.
Họ không lường được rằng "nhà mới" ở Hy Lạp sẽ là một khu trại ở nơi xa xôi hẻo lánh, nơi những cuộc gây gổ, đụng độ giữa các nhóm đôi khi nổ ra vào ban đêm. Gia đình có lúc phải dời lều ra ngoài cổng để đảm bảo an toàn. Những đứa trẻ được đến trường nhưng chỉ vào buổi chiều, sau khi học sinh bản địa rời đi. Những lớp học này cũng không thể đảm bảo chất lượng vì trộn lẫn trẻ ở nhiều lứa tuổi và từ nhiều nước.
Nhiều di dân đã quyết định hồi hương, trong đó có Sheharyar Sultan, 24 tuổi, một dược sĩ ở Pakistan đang phải làm nghề hái cam tại Hy Lạp với giá 20 EUR mỗi ngày. Mamdouh Awad, 24 tuổi, người Morocco, dành phần lớn thời gian ở Hy Lạp tại một trại di cư trên đảo Lesbos, nơi mọi người uống rượu trong những đêm đông chỉ để giữ ấm.
Gia đình Mahour từ Iran hai lần cố gắng di chuyển xa hơn về phía bắc châu Âu bằng hộ chiếu giả. Cả hai lần họ bị chặn và sau đó bị từ chối tị nạn ở Hy Lạp. Con gái 17 tuổi của họ, người đã trở thành một nghệ sĩ sân khấu ở Athens, có hình xăm và đeo khuyên. Con trai một tuổi được sinh ra ở Hy Lạp có cái tên rất Tây là Nelson. Giờ đây họ quyết định trở về Iran.
"Khi về Iran, không biết tôi sẽ bị sa thải hay bỏ tù", Habib Mahour, công nhân xây dựng 42 tuổi, nói. Nhưng tôi biết rằng tôi không thể xin được giấy tờ ở đây. Tôi chấp nhận đối mặt với bất cứ điều gì ở phía trước. Chúng tôi đã quá mệt mỏi ở Hy Lạp rồi".
Hy Lạp là cửa ngõ vào châu Âu của những di dân vượt biên qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ít người thực sự muốn ở lại Hy Lạp. Khi làn sóng di dân đến châu Âu lên đỉnh điểm năm 2015, di dân sau khi đến Hy Lạp đã nhanh chóng di chuyển về phía bắc, qua các quốc gia Balkan để tới những nước giàu có như Đức và Thụy Điển.
Tuy nhiên, các nước láng giềng Hy Lạp sau đó thắt chặt chính sách, đóng các tuyến đường để ngăn di dân rời khỏi nước này. Hơn một triệu người di cư đã đến Hy Lạp kể từ năm 2015, trong đó có khoảng 240.000 người xin tị nạn.
Một lựa chọn cho Hy Lạp là trả lại di dân cho Thổ Nhĩ Kỳ và họ đã hy vọng làm được điều này bằng thỏa thuận trị giá 6 tỷ EUR vào năm 2016 giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thỏa thuận không có hiệu quả. Di dân vẫn có quyền xin tị nạn ở Hy Lạp, nghĩa là họ có thể ở lại trong vài năm trong khi chờ đợi hồ sơ được xem xét. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ và EU đạt thỏa thuận, hơn 100.000 di dân đã đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Chưa đến 2.000 người bị trả lại.
Chính phủ Hy Lạp nói rằng họ dự định tăng áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết hầu hết người đến Hy Lạp trong thời gian gần đây đi theo diện di cư kinh tế chứ không phải tị nạn.
Bất kể tình trạng của họ là gì, di dân cũng phải sống trong điều kiện tồi tệ. Họ ở trong các túp lều và container, xung quanh là rác và nước thải. Các nhà hoạt động nói rằng Hy Lạp có nhiều thời gian để cải thiện điều kiện của các khu trại nhưng cố tình không làm vậy, như một biện pháp để ngăn chặn di dân kéo tới nước này.
Tuy nhiên, biện pháp ngăn cản đó không có tác dụng. Lượng di dân đến Hy Lạp đang tăng trở lại, 31.000 người di cư đang bị nhồi nhét vào các cơ sở tạm trú được thiết kế cho 6.000 người. Hồi tháng 9, tại trại Moria, một doanh trại quân đội cũ được Hy Lạp chuyển đổi thành trại tạm trú, một phụ nữ Afghanistan qua đời vì hỏa hoạn, dẫn đến bạo loạn và biểu tình. Di dân giơ bảng có dòng chữ "Moria là địa ngục".
Tại trại này và cả những trại có điều kiện tốt hơn, IOM đang cố gắng khuyên di dân hồi hương. Theo chỉ dẫn của Liên Hợp Quốc, di dân không được trở về Syria, Palestine, Yemen hoặc các khu vực khác được coi là quá nguy hiểm, nên những người đến từ các nước này không thể tham gia chương trình. Trong khi đó, những người từ Afghanistan, Iraq và Pakistan có thể hồi hương và họ xếp hàng mỗi sáng bên ngoài trụ sở IOM ở Athens để nộp đơn.
Trong khi chờ đợi được cấp giấy thông hành, những người không có tiền được phép nghỉ tại một nơi ở tạm ở trung tâm Athens do IOM điều hành, được tận dụng từ một tòa nhà văn phòng bỏ hoang. Mahours từ Iran ở phòng 108 còn Mahmoods từ Iraq ở phòng 106.
"Sẽ là một ngày dài", Kamal Mahmood nói với các con vào buổi sáng cuối cùng ở châu Âu. Họ đến sân bay Athens với 4 chiếc túi du lịch, hai chiếc vali đã sờn và xe đẩy.
Khi chờ check in, Chrakhan Mahmood, 19 tuổi, lướt Facebook, xem những bức ảnh về tình hình giao tranh tại khu vực người Kurd kiểm soát ở Syria. "Nhìn này", cô nói khi giơ bức ảnh một người thiệt mạng lên.
Mahmood không cho rằng giao tranh sẽ lan đến Iraq. Nhưng những người tị nạn Syria có thể sẽ đến và đó là một trong những yếu tố có thể tạo ra sự thay đổi. Con ông sẽ thích ứng thế nào? Ông có được tiếp tục làm bác sĩ hay không?
"Nếu tôi có thể tìm thấy thứ gì đó tốt đẹp cho các con tôi ở đây, tôi sẽ ở lại", ông nói. "Nhưng tôi không thể. Vì vậy, có lẽ quay lại là lựa chọn tốt hơn".
Chẳng mấy chốc gia đình ông đã ra cổng lên máy bay và về đến quê nhà vào rạng sáng để bắt đầu lại cuộc sống tại khu tự trị của người Kurd ở Iraq, nơi giờ đây có vẻ đỡ tệ hơn Hy Lạp.
Phương Vũ (Theo Washington Post)