Sáng 21/10, đứng bên chuồng heo dựng bên quốc lộ 1, ông Trần Văn Tâm, 60 tuổi, than "cha mạ ơi, cả đời tôi chưa thấy trận lụt to rứa, như là đại hồng thủy".
Đợt mưa lũ ở 12 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên kéo dài từ đêm 5/10 đến nay đã khiến 371 ha lúa bị ngập; khoảng 7.000 ha hoa màu hư hại; hơn 5.800 con gia súc, trên 680.000 gia cầm bị chết, cuốn trôi. Đến hôm nay, nước đã rút ở hầu hết các tỉnh, chỉ còn một số tuyến đường vùng thấp trũng, gần sông còn ngập nhẹ. Tuy nhiên, gia đình ông Tâm là một trong số hơn 124.000 hộ dân ở hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn đang chịu cảnh ngập lụt.
Nhà ông Tâm có trang trại nuôi 60 con heo, nước dâng ngập cao 2 m, cuốn trôi mười con đêm 19/10. Trong đêm đó, Quảng Bình hứng lượng mưa gần 300 mm, gấp đôi lưu lượng một ngày trước đó. Các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, một phần TP Đồng Hới chìm trong nước lũ. Toàn quốc lộ 1A qua tỉnh này ngập sâu 0,5 đến 2 mét.
Suốt đêm 19/10 đó đến sáng hôm sau, năm người nhà ông Tâm thức trắng, thuê thuyền đưa số heo còn lại vào bờ. Ông Tâm kể, mỗi chuyến chở được hai con, bốn người chia nhau giữ chân. Trong đêm, mưa gió quất vào mặt, thuyền tròng trành. Heo không quen "đi đò", nghe tiếng máy nổ, sàn thuyền rung bần bật, heo đạp chân vùng bỏ chạy, lao xuống dòng nước lũ. Ông phải đạp nước bơi theo tìm nó trong đêm tối.
Căn nhà rộng gần 100 m2 ven quốc lộ 1A của ông Tâm, giờ trở thành trang trại bất đắc dĩ. Một tấm bạt cũ được dựng lên che mưa. Ông Tâm nhặt gạch xếp thành chuồng cho heo ở, và không dám đi đâu xa quá 10 m, sợ heo lạ chuồng, đạp tường phi ra quốc lộ. Căn nhà giờ cũng là nơi trú ngụ của hơn chục người, là anh em, làng xóm. Ai nấy ăn ngủ tại chỗ, phân công người đi gỡ lưới, người bán cá, người trông heo.
Số heo bị mất, ông Tâm nhẩm tính bình quân mỗi con 8 triệu đồng. Lũ đã cuốn đi của ông 80 triệu đồng. Ngoài ra còn hơn chục tấn cá nhà nuôi, mới thu được một ít, giờ nước đã tràn qua, bơi tản mát khắp nơi. Tính sơ, mỗi tấn cá bán 30 triệu đồng, ông Tâm mất trắng khoảng 300 triệu. Hôm qua, ông mang toàn bộ số lưới mình còn, giăng tứ phía bờ ao còn ngập lút đầu, bắt được chừng hơn một tạ cá. Con trai, con gái phụ ông bán từ trưa đến tối, thu về được 3 triệu đồng.
Hai tuần chống chọi với lũ "bốn mươi năm mới gặp một lần", lão nông miền Trung sút 6 ký, lưỡng quyền nhô cao, hốc mắt càng thêm sâu hoắm. Điều ông thấy may mắn, là dù thiệt hại, vẫn có cơm ăn hàng ngày, "còn hàng vạn bà con khác đang bị cô lập trong lũ, ăn mỳ tôm, thậm chí nhịn đói".
Ở cách nhà ông Tâm vài km, chị Hoàng Thị Hà, phường Bắc Lý (TP Đồng Hới) nói nửa tháng qua ngày nào chị cũng mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm vì trời mưa liên miên.
Cánh đồng Phú Xá, nơi có khu chăn nuôi của hơn 20 hộ dân, nước ngập lút chân ruộng. Chị mang lưới B40, loại cao 3 mét ra ngăn đầm cá diếc, sợ cá đi mất khi nước tràn bờ. Trang trại còn gần 500 con gà mái tơ sắp đến kỳ đẻ trứng, chị Hà gom hết vào lồng, treo lên gác trang trại, chờ nước rút. Nhưng đàn gà chỉ yên ổn trên đó được bốn ngày.
Từ sáng 19/10, Quảng Bình bắt đầu hứng những đợt mưa "như từ trên trời hắt xuống". Đến tối cùng ngày, một tay chị Hà kéo ba con bò, tay kia xách bu gà chạy lên chỗ cao, quay lại đã thấy nước dâng đến gần nóc chuồng heo 13 con. Chị đành buông tay, không dám liều mạng với lũ, "còn người còn của, ở lại thì chết sạch".
Với gần trăm con gà cứu được, chị mang lên đường quốc lộ trải bạt đổ đống bán cho người qua đường. Loại gà mái tơ chuẩn bị đẻ trứng, bình thường chị Hà bán một cân 130.000 đồng, nay đội mưa vừa bán vừa cho, giá 30.000 đồng mỗi con. Nhiều người thương, thấy gà ngấp ngoải, mắt lờ đờ nhưng vẫn mua, còn cho chị thêm vài chục nghìn đồng.
Thu lại được 3 triệu tiền gà, Hà cất kỹ chưa dám tiêu. "Hết đợt lũ ni miềng nuôi lại từ đầu. Còn da lông mọc", chị bảo. Nhưng việc trước mắt của Hà là đi xin ngân hàng cho gia hạn bốn triệu đồng tiền lãi mỗi tháng từ số tiền 700 triệu đồng cắm sổ đỏ vay, và lo gần chục triệu đồng đi truyền máu mỗi tháng cho hai đứa con mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đứa lớn 12, đứa nhỏ 9 tuổi.
Cùng khu trang trại ở phường Bắc Lý (TP Đồng Hới), đêm 19/10, ông Trần Đình Luyện chỉ kịp cõng vợ ốm chạy từ nơi nuôi heo về nhà. Ông quay lại trại heo thì nước đã dâng ngang ngực. Trong đêm đen, ông nghe tiếng heo kêu eng éc, nhưng chịu không biết chúng đang ở vị trí nào.
"Heo chết gần hết. Tiếc của lắm", ông Luyện nói như mếu. Trang trại của ông giờ còn sót lại sáu con gà, ba con bò, mười con heo. Người đàn ông 59 tuổi đen nhẻm, nhỏ thó, run lập cập trong chiếc áo mưa rách nát, bảo tiếc nhất đàn heo giống 30 con mới hai mươi ngày tuổi. Nếu không có lũ, mỗi con bán được hai triệu đồng, ông đã có 60 triệu bỏ túi. Vợ ông, bà Võ Thị Hoè bị tụ máu trong gan. Ông muốn đưa vợ vào Huế kiểm tra, để phẫu thuật sớm. Nhưng nước lũ dâng cao, chia cắt quốc lộ, giờ có muốn đi cũng chịu.
Những ngày này, từ sáng đến trưa, ông chỉ kịp ăn bát cơm nguội, rồi cố theo thuyền đi cứu tài sản. Nhưng cánh đồng, khu trang trại giờ không còn dấu vết, nước ngập sâu 2 m. Thứ nhô lên khỏi mặt lũ chỉ còn nóc nhà, ngọn cây và đỉnh lưới B40 chắn ao cá.
Tại Hà Tĩnh, mưa liên tiếp trong nhiều ngày khiến vùng nuôi tôm nước lợ ở xã Kỳ Hà (huyện Kỳ anh) đến kỳ thu hoạch chìm trong nước. Đứng ở đầm tôm của gia đình rộng 2 ha, chị Nguyễn Thị Thơm vẻ buồn chán, nói nếu thời tiết thuận lợi, chỉ vài tuần nữa là gia đình kiếm được hàng chục triệu đồng tiền lời.
Gần 4 tháng trước, chị Thơm thả 12.000 tôm giống, chi phí hơn 15 triệu đồng, chưa kể công chăm. "Bây giờ thì trắng tay, mất cả vốn. Nước mênh mông, không biết bao nhiêu tôm còn ở lại trong ao. Hàng chục năm, chưa bao giờ nước lên nhanh như lần này", chị Thơm nói.
Tiếc của, một số hộ dân ở Kỳ Hà mua thêm lưới về căng quanh các ao đã ngập nhằm giữ lại tôm chưa bơi đi. Nhiều hộ khác thì chèo thuyền, mang lưới đánh bắt.
Đến sáng 21/10, cán bộ công an xã vẫn túc trực khu vực lân cận các ao tôm để bảo vệ, xua người lạ tới đánh bắt. Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch xã Kỳ Hà cho biết, toàn xã có 56 ha tôm của hàng chục hộ dân đã bị ngập, ước tính thiệt hại cả tỷ đồng.
Những ngày qua, mưa lũ đã làm 111 người chết, 22 người mất tích; hơn 200.000 người ở ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đang phải sơ tán.
Đông Phương - Hải Hùng