Ở công ty tôi, công nhân viên có quyền từ chối thực thi một việc nếu họ cho rằng nó chưa đảm bảo các yêu cầu an toàn lao động. Doanh nghiệp tôi đã gần hai ngàn ngày không xảy ra tai nạn lao động, cho đến khi anh tạp vụ tỉa nhánh cây trong khuôn viên 6 tháng trước. Anh đứng lên thang, chặt tỉa nhánh cây ở độ cao 2 mét. Cành cây lung lay làm bàn tay giữ cành bị xê dịch, dao chặt sượt vào ngón tay cái. Nhờ đeo găng bảo hộ nên anh chỉ phải đi viện khâu vết thương và nghỉ 5 ngày.
Sự việc được xem là nghiêm trọng. Tổng giám đốc cùng giám đốc nhà máy, các cấp quản lý ngay lập tức xuống hiện trường xác nhận tai nạn. Trong tối đó, chúng tôi phải làm báo cáo, phân tích nguyên nhân và đưa ra đối sách để gửi cho công ty mẹ ở nước ngoài.
Về mặt quy định, quy trình, anh tạp vụ đã thực hiện đúng cả. Anh đã được đào tạo thao tác công việc trên cao, đội mũ, đeo kính, mang giày và bao tay bảo hộ. Cuối cùng, nguyên nhân gốc rễ được chỉ ra, là do cấp quản lý đã thiếu sát sao, thiếu xác nhận hiện trường để nhìn ra các mối nguy trước khi cho nhân viên thực hiện thao tác mang tính đặc thù như vậy. Thậm chí, anh tạp vụ đã có quyền từ chối việc leo lên chặt cành cây.
Sáng ngày tiếp theo, tất cả bộ phận trong công ty được yêu cầu rà soát, đánh giá lại các mối nguy tương tự ở mọi khâu. Nếu phát hiện rủi ro nào chưa có đối sách, phải dừng ngay công việc cho đến khi tìm ra giải pháp, được ban giám đốc phê duyệt và lập tài liệu đào tạo cho công nhân viên, có sự xác nhận của họ, rồi mới tiến hành thao tác.
Tôi từng làm việc cho vài công ty trước đó và nhận thấy, hầu hết các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm triệt để về an toàn cho người lao động. Tôi biết có những nơi tình trạng công nhân bị tai nạn lao động xảy ra như cơm bữa như bị rách, dập ngón tay khi vào khuôn sản phẩm; hay nước nóng trong quá trình gia công văng bắn khiến họ bị bỏng nặng ở các công ty cơ gia công cơ khí, ép nhựa. Sau tai nạn, họ chỉ được nghỉ ít ngày, đỡ thì đi làm lại, không đối sách, không khai báo, không chế độ. Ở nhiều nơi, công nhân phải thao tác trong môi trường nguy hiểm, độc hại: nóng nực, ồn ào, bụi mù mịt nhưng không hề có thiết bị bảo hộ cơ bản nhất như khẩu trang, kính đeo mắt hay nút chống ồn. Nhiều người lao động không được khám, kiểm tra về bệnh nghề nghiệp và điều trị kịp thời. Các di chứng nghề nghiệp họ thường phải mang theo rất lâu dài.
Công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực cơ khí với hàng ngàn máy móc thiết bị cùng gần bốn ngàn công nhân viên, đặc thù này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn lao động. Đó là lý do phương châm hoạt động được nhắc đi nhắc lại của chúng tôi là: S-Q-C-T. S là an toàn (safe), được ưu tiên nhất, hơn cả chất lượng (quality), chi phí (cost) và thời hạn giao hàng (time). Chúng tôi lập ra Ban An toàn, có nhiệm vụ triển khai các quy định pháp luật về an toàn lao động và đưa ra các biện pháp để triệt tiêu rủi ro. Hàng ngày, họ đi tuần tra xưởng, nếu thấy chỗ nào ẩn chứa rủi ro, họ có thể yêu cầu bộ phận đó tạm hoãn công việc, đưa ra đối sách lập tức.
Mỗi sáng thứ Hai, trước khi vào làm việc, hàng nghìn công nhân viên chúng tôi được yêu cầu tập trung lắng nghe thông điệp về an toàn lao động từ ban giám đốc cùng các cấp quản lý. Tất cả sau đó đồng thanh chỉ tay vào một băng rôn hô to: "Hãy cùng hướng tới không tai nạn!". Mỗi quý, Ban An toàn triển khai chương trình "Hiyarri Hato" - là hoạt động mọi nhân viên có thể đưa đề xuất, yêu cầu cải thiện những vấn khiến họ băn khoăn về mặt an toàn. Rất nhiều chương trình về an toàn lao động khác được phát động hàng năm như thi về kiến thức, thiết kế các chủ đề, biểu ngữ nhằm nâng cao ý thức lao động. Khẩu hiệu nhắc nhở về an toàn lao động có mặt ở mọi nơi trong công ty, nhà máy. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang suy nghĩ khi hàng năm vẫn có rất nhiều trường hợp người lao động bị "tai nạn riêng", là các tai nạn xảy bên ngoài công ty như khi họ tham gia giao thông, chơi thể thao, lên xuống cầu thang, trượt chân trong nhà tắm...
Chẳng riêng tại điểm thi công, sản xuất, hàng ngày đi trên đường, nhiều lần tôi rùng mình phải dừng xe nép vào lề đường vì thấy xe container, xe tải chở đầy vật nặng, nhọn như cột điện, bê tông, cuộn sắt thép, tôn được cột nài rất sơ sài. Chúng tưởng như sẵn sàng rơi xuống đường, gây tai nạn cho người khác bất cứ khi nào. Tại sao không có ai kiểm soát những nguy hiểm nhãn tiền như vậy?
Công bố mới nhất của Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, "tai nạn năm 2019 giảm", "cả nước chỉ phát sinh 8.100 vụ tai nạn lao động". Tôi cho rằng con số thực tế lớn hơn rất nhiều, bởi việc giám sát, quản lý, khai báo của các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Công chúng chỉ biết tới những tai nạn lớn, báo chí đều đưa tin. Các hình phạt cũng nhanh chóng đi vào quên lãng.
Điều đáng buồn là chúng ta đang trong "tháng hành động vì an toàn lao động", nhưng thật đau lòng khi hàng chục người phải bỏ mạng, bị thương. Tai nạn nghiêm trọng đó có thể kiểm tra trước và tránh được, bởi đó là một bức tường rất dài và lớn. Tôi lo rằng sẽ còn những cái chết vô lý khác chừng nào tính mạng và sức khỏe người làm thuê chưa được xem là quan trọng nhất, trong các quy định lẫn tư duy người quản lý.
Đặng Quỳnh Giang