Thi thể hai vợ chồng ông Mai Xuân Chinh (46 tuổi, quê Thanh Hoá) và 3 đứa trẻ trong căn nhà cấp bốn ở khu phố 8, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, được phát hiện sáng 15/2/2018 (30 Tết). Cả con hẻm xộc mùi tử khí.
Do cả gia đình nạn nhân đều bị sát hại nên công tác điều tra phải xuất phát từ căn nhà và tử thi. Khi Đội Khám nghiệm hiện trường (Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM) có mặt, con chó becgie lồng lộn tấn công. Cảnh sát cơ động (Đội cảnh khuyển) phải đánh thuốc mê chú chó đưa đi.
Trong phòng khách, thi thể vợ chủ nhà nằm trên sofa, xung quanh máu đã đông. Một vệt máu nối từ chỗ nạn nhân theo cầu thang dẫn đến hành lang trên lầu, nơi có 3 phòng ngủ. Chủ nhà nằm gục trong phòng thứ nhất, trước cửa có nhiều giọt máu đậm. Hai phòng ngủ còn lại có thi thể của 3 trẻ nhỏ. Khám nghiệm tử thi cho thấy 5 nạn nhân bị đâm 76 nhát dao, thời gian chết khoảng 2 ngày trước.
Tổ khám nghiệm thu được 2 con dao, nhiều dấu tay, chân dính máu và vết máu nhỏ giọt - giám định ADN xác định không trùng với các nạn nhân. Xem xét kỹ hình dạng vệt máu ở cầu thang, cán bộ xác định được điểm bắt đầu và hướng di chuyển từ hành lang trên lầu đi xuống phòng khách. "Nhận định sơ bộ là chủ nhà bị đâm sát cửa phòng ngủ. Người vợ cũng bị đâm và bỏ chạy xuống tầng trệt", đại tá Trần Văn Nghiệp (lúc đó là Trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM, chỉ huy lực lượng khám nghiệm) kể lại.
Tại khu bếp không xáo trộn nhưng trên bàn có giấy vệ sinh, chai rửa vết thương, bông gạc dính máu và băng keo để ngổn ngang. Tổ khám nghiệm đánh giá những vật này không thể do các nạn nhân bày ra, khả năng hung thủ bị thương khá sâu và tự băng bó trong bếp. "Đáng chú ý, gạc và bông được lấy dở từ chiếc hộp để trên nóc tủ gần đó. Kẻ lạ vào nhà giết người, không lẽ bình tĩnh biết trên nóc tủ cao quá đầu người có hộp bông băng", đại tá Nghiệp đặt vấn đề.
Cùng lúc, điều tra viên vòng ngoài cho biết hàng xóm không hề nghe tiếng chó sủa trước, trong và sau thời điểm các nạn nhân bị sát hại. "Chi tiết này cộng với việc hung thủ rất rành nơi để đồ trong nhà cho thấy hắn là người quen của gia đình ông Chinh. Vết thương chảy nhiều máu nên hắn sẽ phải đi khâu", đại tá Nghiệp nhận định và báo ngay lực lượng điều tra, giúp định hướng phá án.
Một mũi trinh sát khẩn trương truy tìm những công nhân làm thuê cho gia đình nạn nhân. Tất cả đều liên lạc được, trừ Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, làm công ăn ở tại chỗ) điện thoại luôn "ngoài vùng phủ sóng". Mũi khác rà soát các cơ sở y tế, nhận được tin một thanh niên sáng 28 Tết đến khâu vết thương tại Bệnh viện Quân y 175 (Gò Vấp).
Trưa mùng 1 tết, Tình bị Ban chuyên án bắt giữ tại Long An. Phòng Kỹ thuật hình sự đã chuẩn bị sẵn dấu vết đường vân, dấu vết máu bông băng (để giám định ADN) và nhận định trước dấu vết cơ thể hung thủ. 16h, Tình được di lý về TP HCM, bác sĩ đánh giá các vết thương trên cơ thể hắn giống như nhận định. Công tác lấy mẫu giám định khác được tiến hành. 20h, giám định đường vân kết thúc. 22h có kết quả xét nghiệm ADN. Tất cả đều trùng khớp với Tình.
Từ công tác hiện trường và giám định, cán bộ kỹ thuật hình sự đã buộc dấu vết "lên tiếng", phác hoạ một phần diễn biến vụ án, đưa ra các nhận định, đánh giá kịp thời cho công tác điều tra. "Trọng tâm của kỹ thuật hình sự là dấu vết, vừa là mục tiêu vừa là kết quả. Không thu được dấu vết là thất bại", đại tá Lê Trung Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM, cho biết.
Từ năm 2016 đến 2020, với biên chế 5 đội công tác chuyên môn, đơn vị đã giám định 41.037 vụ việc (pháp y, ma tuý, tài liệu, cháy nổ, súng đạn...); khám nghiệm hiện trường 1.261 vụ, thực hiện 780 yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm,
Trong công việc, 115 cán bộ chiến sĩ (hơn 10% trình độ thạc sĩ) xác định trách nhiệm pháp lý là kim chỉ nam. "Chỉ sơ xảy hay lộn xộn một chút là sai hẳn một vụ việc, oan sai ngay lập tức, dắt giây nhiều lực lượng, ban ngành theo cùng như điều tra, viện kiểm sát, toà án...", đại tá Thành nói. Các thế hệ chiến sĩ luôn đề cao phương châm thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, khách quan, khoa học trong chặng đường phát triển 45 năm qua.
Dựa trên khách quan và khoa học, công tác kỹ thuật hình sự không chỉ định hướng cho công tác điều tra mà còn bảo đảm hệ thống chứng cứ vật chất vững chắc cho việc chứng minh tội phạm, người phạm tội, hạn chế thấp nhất oan sai cũng như bỏ sót tội phạm. Nhằm hỗ trợ truy tìm dấu vết dù mờ nhạt nhất, đơn vị được trang bị nhiều thiết bị khoa học kỹ thuật hình sự hiện đại, như máy xét nghiệm gene giá trị 13 tỷ đồng, máy chụp ảnh dấu vết, hệ thống sắc khí ghép khối phổ trị giá 9 tỷ đồng...
Nhiều loại dấu vết sẽ biến dạng hoặc mất đi khi hiện trường bị xáo trộn như đường vân, giọt máu, lông tóc, tài liệu... Vì thế, các cảnh sát kỹ thuật hình sự luôn có mặt đầu tiên tại nơi xảy ra án, thầm lặng lên đường bất kể giờ giấc. Trong thảm án Bình Tân, các tổ khám nghiệm hiện trường, pháp y và giám định phối hợp làm nhiệm vụ xuyên suốt 3 ngày tết, trao đổi thông tin qua lại nhịp nhàng. Hay trong vụ phê ma túy sát hại 2 người tại TP Thủ Đức, cán bộ làm khám nghiệm từ sáng đến khuya mùng 1 đầu năm.
Công việc thầm lặng, song lực lượng kỹ thuật hình sự đã phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, độc hại của môi trường khám nghiệm. Người thường nhìn hình ảnh chết chóc đã ghê sợ nhưng tổ pháp y gặp tử thi phân huỷ lâu ngày vẫn phải xắn tay "giãi mã", không thể đứng ngoài. Đối với súng đạn, vật nổ tự chế thu được từ hiện trường, hoặc từ nghi phạm, thường có chỉ số an toàn thấp và không biết phát nổ lúc nào. Có cán bộ đã bị đạn nổ rách tay khi làm giám định súng.
Hay trong các vụ cháy nổ (như cháy chung cư Carina), chưa biết có hoá chất và còn cháy nổ tiếp không, hoặc kết cấu công trình có bền vững hay không, người lính khám nghiệm hiện trường vẫn phải vào trước tiên để làm nhiệm vụ. Họ cùng đội cứu nạn cứu hộ moi bới, tìm kiếm nạn nhân và xác định các dấu vết.
Việt Anh