Cô gái thuê trọ tại nhà nghỉ đường Đồng Nai, quận 10, nhiều lần gọi, lay nhân viên tiếp tân 24 tuổi nhưng anh này vẫn nằm bất động trên giường xếp, sáng 31/5/2012. Mãi sau cô mới biết anh đã tử vong.
Hiện trường không xáo trộn, không có dấu hiệu cho thấy nạn nhân bị tấn công. Công an quận 10 nghi ngờ nạn nhân bị đột tử chưa rõ bệnh lý, gửi trưng cầu giám định pháp y tới Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM.
Tuy nhiên, các bác sĩ pháp y ghi nhận được các dấu hiệu bất thường trên tử thi như: đáy quần lót dính tinh dịch, dương vật có xuất tinh, mặt sung huyết và xuất huyết lấm chấm dưới da, niêm mạc hai mắt xuất huyết lấm chấm; đặc biệt vùng cổ có vết hằn xây xát mờ nhạt bao quanh tạo thành rãnh thắt nằm ngang... Với kết quả khám và giải phẫu tử thi sau đó, tổ pháp y kết luận nạn nhân chết ngạt cơ học do bóp, siết cổ.
"Khi nam giới bị siết cổ sẽ thiếu máu, thiếu oxy ở các tạng gây rối loạn cơ tròn, dẫn đến xuất tinh. Mặt nạn nhân sung huyết do bị chèn ép đường cổ, tổn thương mạch máu", thiếu tá - bác sĩ Nguyễn Châu Vinh (Đội phó Đội Giám định hóa, kỹ thuật pháp lý và pháp y, sinh vật thuộc Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM) giải thích.
Các bác sĩ sau đó làm xét nghiệm vi thể, độc chất, cồn... cho kết quả củng cố kết luận ban đầu, giúp cơ quan điều tra định hướng, truy xét kẻ gây án.
Hay như 6 năm trước, một nam giới tử vong tại địa bàn quận Tân Bình với thông tin "đang phun sơn không may bị đầu bình sơn đâm vào ngực". Tuy nhiên, tổ pháp y khám nghiệm thấy tổn thương trên ngực nạn nhân không phải hình tròn của đầu phun sơn, mà là dạng hình khe với bờ vết thương (mép) sắc gọn do vật sắc nhọn gây ra. Từ đánh giá đó, Công an Tân Bình đã kịp thời bắt giữ nghi phạm. Anh ta thừa nhận đâm nạn nhân bằng dao rồi tạo hiện trường giả như một vụ tai nạn lao động.
Cách đây 20 năm, anh Vinh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa trường Đại học Y Hà Nội. Đang định hướng tìm việc ở bệnh viện, anh được "rủ" theo ngành pháp y và về biên chế tại Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM. Biết sẽ vất vả, chỉ loanh quanh với việc mổ xác và mùi tử khí nhưng anh vẫn quyết theo đuổi.
"Chúng tôi làm mãi thành quen, coi đó là đặc thù của nghề. Nhưng thú thật anh em vẫn không tránh khỏi ám ảnh với những phận người chết oan, tâm trạng nặng trĩu khi thực thi nhiệm vụ trong các án mạng nghiêm trọng", thiếu tá Vinh chia sẻ. Như vụ đâm chết 5 người trong gia đình ở quận Bình Tân, chém chết cha mẹ và bà nội ở huyện Hóc Môn, giết và phân xác người tình ở phường Cầu Kho, quận 1...
"Trái tim nóng" của các bác sĩ biết rằng giải mã dấu vết tử thi là bằng chứng quan trọng để cơ quan điều tra sớm kết thúc các vụ án, trả lại công bằng cho gia đình nạn nhân. Vì thế, họ luôn đề cao nguyên tắc làm việc khách quan, tỉ mỉ, cẩn trọng; nhận định phải logic, khoa học.
Trong một số vụ việc được dư luận quan tâm như vụ luật sư Bùi Quang Tín tử vong, tổ pháp y đã vượt qua áp lực, giữ "cái đầu lạnh" để đưa ra kết luận giám định. Nguyên nhân tử vong của ông Tín là do đa chấn thương, va chạm với vật cản khi rơi xuống (tường, mặt đất...). Cùng với kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai nhân chứng, cơ quan điều tra xác định ông Tín tự ngã qua lan can và rơi xuống - phù hợp với dấu ADN của ông Tín tồn tại trên lan can tầng 14 chung cư.
Hiện, tổ pháp y do thiếu tá Vinh phụ trách có 2 nữ xét nghiệm viên làm việc tại cơ quan, 12 y bác sĩ nam đảm nhận pháp y đại thể. Không có bác sĩ nữ do đặc thù nghề quá vất vả và một số quy định riêng. Tuy thầm lặng nhưng họ đã góp phần không nhỏ trong thành công của những chuyên án đấu tranh với tội phạm. Trong 5 năm từ 2016 đến 2020, tổ đã giám định 6.671 vụ việc trưng cầu.
Công việc vất vả nên hầu hết bác sĩ mới ra trường không mặn mà theo nghề pháp y hình sự. Làm ở bệnh viện, họ tập trung một chuyên khoa yêu thích chứ "đi" pháp y phải rành hết đa khoa, lại phải có kiến thức về điều tra. Ngoài ra, các bác sĩ pháp y không thể làm thêm tại phòng khám như đồng nghiệp dân sự do họ phải lên đường làm nhiệm vụ bất kể giờ giấc.
"Có những giai đoạn đơn vị đến tận trường y để PR cơ hội việc làm trong ngành nhưng các sinh viên khá thờ ơ", bác sĩ Vinh nói và cho biết khoảng 15 năm trở lại đây các trường đại học khối công an đã cử sinh viên đi học bác sĩ và phân công nhiệm vụ tại các phòng kỹ thuật hình sự.
Thượng uý Đặng Sỹ Nguyên về công tác tại Đội Giám định từ tháng 12/2014. Bác sĩ pháp y độc thân kể, vì đam mê phim trinh thám, hình sự mà thi vào Đại học Cảnh sát, sau đó được cử sang học y và giờ "đeo nghiệp". Công việc của đơn vị nhiều đến nỗi có ngày anh em chỉ chúi mặt vào xác chết. Anh tâm niệm, công việc đang giúp các đơn vị điều tra giải được những uẩn ức cho rất nhiều số phận, vì thế mà gắn bó với nghề.
Gia đình riêng đều thông cảm với nghề của các anh, song có nhiều người phải "rẽ ngang" vì bị nhiều áp lực cuộc sống.
Việt Anh