"Tôi đang sôi máu", Matthew Way, 43 tuổi tại Illinois (Mỹ), cho biết. Hơn 1.800 USD của ông đang mắc kẹt trên FTX chưa thể rút ra sau khi sàn giao dịch tiền số này tuyên bố phá sản.
Way là người phụ trách gây quỹ cho một ban nhạc. Năm ngoái, ông gửi tiền vào FTX, dự định mua Bitcoin khi đồng này xuống giá. Nhưng giờ ông không có cơ hội làm điều đó.
Ngày 10/11, người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried khẳng định FTX Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng về mặt tài chính và "vẫn đảm bảo 100% thanh khoản" sau các nghi vấn sàn đang không có khả năng trả tiền cho người dùng.
Sáng hôm sau, FTX nộp đơn xin phá sản, còn Bankman-Fried từ chức CEO. Kể từ ngày đó, thông báo "Việc rút tiền đang và sẽ vẫn mở" vẫn xuất hiện trên trang web của FTX Mỹ, trong khi Way vẫn đợi tiền của mình.
Drake Lyle, 25 tuổi ở Nashville, cũng gửi 2.700 USD vào FTX năm ngoái. Anh mua các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum và Litecoin, đợi tăng giá và hy vọng dùng chúng để mua quà dịp giáng sinh. "Mùa đông tiền số" khiến khoản tiền mà anh đầu tư sụt xuống khoảng 800 USD. Đến nay, số tiền còn lại không thể rút ra.
Joseph DiBella, sống tại Florida, bị thu hút bởi mức lãi suất 8% mà FTX đưa ra khi gửi bằng tiền điện tử, nên đã chuyển hơn 4.000 USD vào sàn. "FTX được quảng cáo khắp nơi, đó là yếu tố quan trọng để tôi tin tưởng đầu tư lấy lãi trên sàn", DiBella nói. "Nhưng giờ có lẽ tôi chỉ mong 50% cơ hội lấy tiền, chẳng thiết tha đến lãi suất".
George Gonzalez, kỹ sư phần mềm 38 tuổi ở California, cũng gửi hơn 25.000 USD vào sàn, nhưng kịp rút 10.000 USD vào ngày 8/11. Thừa nhận là người hâm mộ cuồng nhiệt Bankman-Fried, Gonzalez giờ cố tỏ ra bình tĩnh bằng cách tìm đến thiền.
"Cảm xúc xấu hổ và bối rối lấn át sự tức giận. Tôi đã đặt niềm tin lớn vào Sam và đội ngũ của cậu ấy, nhưng họ để lại nỗi thất vọng", Gonzalez nói và cho biết 15.000 USD còn lại tương đương khoản tiết kiệm hai năm.
Kevin Paffrath, chuyên gia tài chính có hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội, thừa nhận với WSJ: "Mọi thứ thật tồi tệ. Đây là vết sẹo đối với tôi khi đưa ra lời khuyên đầu tư vào FTX".
Theo hồ sơ phá sản, FTX có hơn một triệu chủ nợ. Ngoài nhóm dẫn đầu là các tổ chức, công ty lớn, một lượng đáng kể người dùng đã gửi tiền vào sàn với con số từ vài trăm đến hàng chục nghìn USD. Ngày 18/11, Bankman-Fried vẫn lên Twitter nói khách hàng có thể rút tiền. "FTX Mỹ có tiền để xử lý việc rút tiền của khách hàng", ông viết. "Tuy nhiên, luật phá sản dường như không sẵn sàng xử lý chúng".
Tuyên bố của Bankman-Fried được ví như đổ thêm dầu vào lửa, nhất là khi ông đã từ chức CEO FTX và chưa đối mặt với bất cứ hình phạt nào dù gây thiệt hại lớn. Trước làn sóng phản đối, ngày 20/11, John J. Ray, CEO mới của FTX, lên tiếng: "Giám đốc điều hành cũ không nên tiếp tục đưa ra những tuyên bố thất thường và gây hiểu lầm trước công chúng".
FTX không phải là sàn tiền số đầu tiên phá sản. Tuy nhiên, sự sụp đổ của FTX gây chấn động do là sàn tiền số lớn thứ ba thế giới. Bản thân Bankman-Fried cũng được ca ngợi vì thường "cứu" những doanh nghiệp tiền điện tử bên bờ phá sản khác.
Còn với các nạn nhân, họ đã bắt đầu khởi kiện FTX. Đơn kiện tập thể được gửi lên tòa án Mỹ tuần trước, tố Bankman-Fried và những người nổi tiếng đã quảng cáo cho FTX và đánh lừa người dùng. Adam Moskowitz, luật sư tại Nashville, cho biết văn phòng luật của ông đã nhận được hơn 1.000 cuộc gọi và email từ nhà đầu tư trên khắp thế giới chỉ trong vòng 24 giờ sau khi đơn kiện được đệ trình.
Bảo Lâm (theo WSJ)