Lần đầu nhận thấy sự khác lạ của mình là khi Giang bước sang tuổi 22, thời điểm anh thấy mình bị hấp dẫn mạnh bởi những người cùng giới. Khi đó, anh đã thử một hai mối quan hệ với họ, nhưng rồi mọi chuyện không đi đến đâu. "Những thứ tôi cần là sự quan tâm chăm sóc nhau một cách trong sáng thuần túy. Nên khi họ có ý định tiến xa hơn nữa, tôi cảm thấy thực sự sợ hãi và ghê ghê. Kết quả là các cuộc tình đều chấm dứt một cách chóng vánh", anh bộc bạch.
Nghĩ mình là người đồng tính, nhưng cuối cùng anh vẫn thấy khác họ ở chỗ sợ sex. Thậm chí, nhiều lần anh tò mò vào các web đen của cả người dị tính lẫn đồng tính để xem có hứng thú không, kết cục không có gì đọng lại ngoài cảm giác tồi tệ. Giờ đây Giang rất hoang mang, không biết rốt cuộc mình là gì, đồng tính, dị tính hay vô tính? Và làm thế nào để anh có được một tình yêu đúng nghĩa trong sáng, thứ tình yêu mà rất ít người chấp nhận...
Phương (22 tuổi, Đà Nẵng) tự nhận là người giàu cảm xúc, biết thích bạn khác giới từ khi còn học lớp 1. Hiện cô cũng rất thích những anh chàng đẹp trai, duy chỉ có điều hoàn toàn không thích sex và ghét đến mức không bao giờ muốn nghe đến hai từ đó. Để chắc chắn về "sở ghét" kỳ quặc của mình, cô đã tìm đọc một số truyện nhạy cảm nhưng đọc xong chỉ cảm thấy ớn lạnh, ghê người chứ không chút hứng thú.
Kể từ khi hiểu ra mọi thứ, cuộc sống của Phương thực sự bị đảo lộn, cô cảm thấy mình thật lạc lõng. "Dù không biết rốt cuộc giới tính của mình là gì, nhưng điều tôi biết rất rõ, đấy là tình yêu giờ đã trở thành thứ gì đó quá xa vời với mình”, Phương tâm sự trên một diễn đàn.
Cùng tâm trạng với Phương là Quyên, 24 tuổi, mới có người yêu được 4 tháng. Mỗi lúc bên người yêu, cô cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, cứ mỗi khi anh có những biểu hiện nồng nàn hơn như hôn và sờ soạng, Quyên lại cảm thấy sởn gai ốc, rợn người khiến cô không thể tiếp tục.
Lúc đầu, cả hai đều nghĩ chắc do mới yêu nên còn ngại. Nhưng một thời gian sau, mọi chuyện vẫn không khá hơn. Quyên tự thấy mình vô cảm trước những cử chỉ gần gũi, và muốn mọi chuyện chỉ dừng lại cái nắm tay. Quyên cho biết, trước đó cô chưa từng yêu ai, đây là lần đầu tiên cô cảm thấy rung động trước một người con trai nhưng không hiểu sao cách yêu của cô lại khác người như thế.
Theo nghiên cứu viên Đinh Nhung của Trung Tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, cả 3 trường hợp trên có khả năng là người vô tính, nhưng các bạn cũng không nên vội vàng quy kết mình là vô tính hay gì khác. Trước hết, các bạn thấy mình như thế nào thì cứ sống như thế. Hãy làm những gì bạn muốn và từ chối những gì bạn không thích. Bởi khi bạn đang không thích tình dục mà cứ cố, sẽ khiến bạn càng ác cảm từ chối nó.
Đồng thời các bạn cũng nên học cách khám phá bản thân, đọc thêm sách báo tài liệu về tình dục (cuốn sách Tình dục, văn hóa và xã hội có thể rất hay để tìm hiểu về chủ đề này). Để có thể khẳng định mình là ai sẽ mất khá nhiều thời gian trải nghiệm và chiêm nghiệm, không nên vì đọc thấy mô tả một vài cách thức phân loại mà vội gắn cho mình là vô tính hay gì khác.
Thậm chí, ngay cả khi biết chắc mình là vô tính thì cũng không có vấn đề gì. Cộng đồng này ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành, những người có nhu cầu trở thành bạn bè hoặc sống chung, hình thành gia đình không cần sex có thể tìm đến với nhau qua nhiều kênh thông tin.
Chị Nhung cũng cho biết thêm, về mặt giới tính, người vô tính có thể là nam, nữ, hoặc bất kỳ ai. Họ có thể thích mình là nữ hoặc nam, hoặc cả hai, hoặc không là ai và mong mọi người đối xử với mình tương tự như thế.
Ít nhất có 3 trục, giới tính (sex - những khác biệt căn bản nhất giữa đàn ông và đàn bà, khác biệt về cơ quan sinh dục và những khả năng sinh sản), giới (gender - chỉ sự phân biệt về vai trò, trách nhiệm, hành vi hoặc sự mong đợi mà xã hội đã quy định cho mỗi giới) và tình dục (sexuality/sex - quan hệ tình dục) tạo nên nhân dạng giới tính dục của mỗi người. Nhưng ở một số khác, sự kết hợp này rất phức tạp, và không rơi vào những trường hợp phổ biến.
Với người vô tính, nó có thể kéo dài cả cuộc đời, nhưng đôi khi lại liên quan đến những chuyện khác mà người trong cuộc từng trải qua, khiến họ không muốn tình dục, không muốn quan hệ, hoặc không muốn xem phim sex, cái này chưa hẳn đã là vô tính.
Giáo sư Anthony Bogaert (ĐH Brock, Canada) từng viết trong cuốn sách Understanding Asexuality, đến giờ vẫn còn quá ít nghiên cứu về người vô tính (asexual). Có thể những người này đã tồn tại từ lâu, nhưng chỉ đến bây giờ mới dám công khai khi xã hội tự do hơn.
Theo khẳng định của giáo sư, khoảng 1% dân số là người vô tính, tương đương với 70 triệu người trên toàn thế giới không có sự hấp dẫn về tình dục. Những người này nên được xếp vào nhóm "giới tính thứ tư".
Ông định nghĩa, người vô tính hoàn toàn không có cảm giác hấp dẫn tình dục. Cụ thể, những người này có thể chia làm 2 dạng: Người có ham muốn tình dục ở mức độ nào đó, nhưng không hướng trực tiếp ham muốn này vào người khác (vì thế họ thủ dâm), và những người không hề có ham muốn tình dục.
Khảo sát năm 2004 của giáo sư Anthony trên 18.000 người Anh cho thấy, 1% tự nhận mình là "không hề có ham muốn tình dục với bất kỳ ai".
Theo chuyên viên tư vấn Hữu Tùng, thuộc nhóm tư vấn thanh niên thành phố Hà Nội, vô tính là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Phần lớn họ không muốn tìm kiếm một mối quan hệ tình cảm với những đụng chạm cơ thể, mà chỉ cần chia sẻ, cảm thông về tinh thần. Nói cách khác, họ không tò mò, không hứng thú và không dự định thực hiện chữ X thứ 3, có khi là trong suốt cuộc đời.
Cũng theo ông, vô tính không phải là kiêng hay không có khả năng thực hiện quan hệ tình dục. Về mặt thể chất, họ hoàn toàn có thể làm điều đó nếu muốn. Nhưng phần lớn họ “cự tuyệt” sex và những va chạm vật lý thông thường của các đôi yêu nhau như ôm hôn, nắm tay. Đơn giản vì họ thấy điều ấy không thú vị. Họ có thể làm, nếu đối phương yêu cầu, nhưng đó là cho tròn trách nhiệm làm người kia vui.
Đây không phải là bệnh hay dị ứng hơi người. Nguyên nhân là do gene. Những người này không thích va chạm là vì trung khu kích thích ham muốn quan hệ đã bị tê liệt ngay từ trong bụng mẹ. Khiếm khuyết ở gene khiến cấu tạo và cách thực hiện chức năng của trung khu bị sứt mẻ, không phát ra những tín hiệu buộc cơ thể thực hiện hành vi giới tính.
Nguyễn Phượng