Ngôi nhà rộng rãi, nằm giữa những hàng cây trên một con đường nông thôn thơ mộng. Trước khi chuyển nhà, vợ chồng Ida và ba con phải sống cùng bố mẹ Naoko, theo CNN.
"Chúng tôi phải tốn nhiều công sức sửa nhà mới, nhưng rất hài lòng vì từ lâu, chúng tôi luôn mong sống ở vùng nông thôn có vườn rộng", Naoko, 45 tuổi, nói.
Nhà miễn phí nghe như trò lừa, nhưng Nhật Bản đang đối mặt với một hiện tượng bất động sản kỳ lạ, đó là có nhiều nhà hơn số người ở trong đó. Năm 2013, Nhật Bản có 61 triệu ngôi nhà và 52 triệu hộ gia đình, theo Diễn đàn Chính sách Nhật Bản. Tình hình đang tệ hơn.
Dân số Nhật Bản dự kiến giảm từ 127 triệu xuống 88 triệu vào năm 2065, theo Viện Dân số và An sinh Xã hội, nghĩa là có ít người cần nhà ở hơn. Trong bối cảnh thanh niên rời nông thôn lên thành phố tìm việc, khu vực nông thôn Nhật Bản đang ngày càng nhiều những ngôi nhà "ma" không người ở, hay còn gọi là "akiya".
Dự đoán tới năm 2040, gần 900 thị trấn và làng xóm ở Nhật Bản sẽ biến mất, và Okutama là một trong số đó. Trong hoàn cảnh này, cho tặng bất động sản là lối thoát duy nhất để tồn tại.
"Năm 2014, chúng tôi phát hiện Okutama là một trong ba thị trấn thuộc Tokyo dự kiến sẽ biến mất vào năm 2040", Kazutaka Niijima, một quan chức của sở Chấn hưng Thanh xuân Okutama (OYR) - cơ quan chính phủ được thành lập để tái phục hưng thị trấn, cho hay.
Đề án akiya
Okutama cách trung tâm Tokyo khoảng hai giờ ngồi tàu về phía tây. Những năm 1960, nơi đây có hơn 13.000 người sinh sống, chủ yếu làm nghề buôn bán gỗ. Nhưng sau khi việc nhập khẩu gỗ được tự do hóa, nhu cầu gỗ giảm xuống trong những năm 1990, đa số thanh niên ở đây đã rời nhà lên thành phố. Ngày nay, Okutama chỉ còn 5.200 dân.
Năm 2014, thị trấn thành lập "ngân hàng akiya" - đề án liên hệ người mua tiềm năng với những chủ nhà lớn tuổi hoặc bất động sản bỏ hoang. Trong khi các ngân hàng akiya đang phổ biến khắp Nhật Bản, mỗi thị trấn lại có quy định riêng.
Ví dụ, Okutama trợ cấp phí sửa chữa cho người dân dọn vào nhà mới, khuyến khích chủ cũ từ bỏ những bất động sản không người ở bằng cách trả 8.820 USD cho mỗi 100 m2.
Tuy nhiên, thị trấn quy định người được nhận nhà miễn phí hoặc nhà được hỗ trợ phí cải tạo phải có tuổi đời dưới 40, hoặc là vợ chồng có ít nhất một con dưới 18 tuổi và một trong hai người phải dưới 50 tuổi. Người nộp đơn xin nhà akiya cũng phải cam kết ở lại thị trấn hết đời và đầu tư nâng cấp nhà cũ. Có điều, cho đi nhà cũ cũng vô cùng khó khăn tại một đất nước mà ai cũng thích xây nhà mới.
Nhà cũ
Niijima dẫn đường cho phóng viên CNN vào một căn nhà trống hình hộp có mái màu xanh, tường trắng, xây cách đây 33 năm. Dù ngôi nhà vẫn vững chãi, nhưng mùi ẩm mốc bên trong cho thấy nó đã bị bỏ trống nhiều năm. Bếp cần sửa sang và sàn lát tấm nệm tatami đã bạc màu.
"Ngôi nhà thích hợp với những ai thích tự sửa chữa", Niijima toét miệng cười, đùa nói. Có khoảng 3.000 căn nhà ở Okutama, trong đó 400 căn bỏ hoang, chỉ một nửa có thể sửa sang để ở. Phần còn lại hoặc là quá đổ nát, hoặc nằm ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất.
Nhật Bản trải qua hai lần tăng dân số lớn trong thế kỷ 20. Lần đầu sau Thế chiến II và lần hai suốt quá trình bùng nổ kinh tế những năm 1980. Cả hai lần tạo ra tình trạng thiếu nhà ở, dẫn tới những ngôi nhà giá rẻ được xây dựng hàng loạt ở các thị trấn và thành phố đông đúc.
Hidetaka Yoneyama, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Fujitsu cho biết nhiều nhà trong đó chất lượng kém và kết quả là 85% người dân chọn mua nhà mới khi cần.
Năm 2015, chính phủ thông qua luật phạt những người bỏ hoang nhà, trong nỗ lực khuyến khích họ phá bỏ hoặc sửa sang lại tài sản của mình. Tuy nhiên, so với để nhà hoang, chủ sở hữu akiya bị đánh thuế nhiều hơn nếu để đất trống, theo chuyên gia bất động sản Toshihiko Yamamoto. Kết quả là nhà hoang nhiều hơn.
Chie Nozawa, giáo sư về kiến trúc ở đại học Toyo, Tokyo nhận định nước Nhật cũng yếu về quy hoạch đô thị, bởi các nhà phát triển bất động sản vẫn tiếp tục xây dựng nhà cửa dù nhu cầu đang thừa.
Khiến khu vực nông thôn hấp dẫn hơn
Từ khi dự án bắt đầu tới nay, Niijima đã tìm được các hộ gia đình vào ở 9 ngôi nhà trống. Họ đến từ mọi nơi, thậm chí New York, Trung Quốc bởi đề án akiya không giới hạn với công dân Nhật Bản.
Rosalie và Toshiuki Imabayashi là đôi vợ chồng người Philippines - Nhật Bản, sống ở trung tâm Tokyo với 6 đứa con, sẽ chuyển tới Okutama đầu năm 2019.
"Nhà ở Tokyo quá chật. Chúng tôi thích Okutama bởi nó bao quanh là thiên nhiên nhưng lại nằm ngay cạnh Tokyo", Rosalie nói.
Đối với những người mới đến, nhà miễn phí thôi chưa đủ. Các khu vực bị bỏ hoang như Okutama cũng cần kế hoạch phát triển kinh tế bền vững, cũng như các hoạt động xây dựng cộng đồng giữa người dân địa phương và người mới chuyển tới.
"Nếu người ta tìm được cách khuyến khích các hoạt động kinh tế địa phương và hỗ trợ bản thân, họ sẽ tới và định cư ở vùng nông thôn", Jeffery Hou, giáo sư kiến trúc ở đại học Washington cho hay.
Kamiyama là một thị trấn nhỏ ở miền nam Nhật Bản, đã có thêm nhiều người tới ở hơn là số người chuyển đi từ năm 2011, sau khi một công ty công nghệ thông tin thành lập chi nhánh vệ tinh ở đó, thu hút người lao động thoát khỏi cuộc sống thị thành. Sự khéo léo của người dân mới chuyển đến cũng làm thị trấn đổi sắc.
Hai vợ chồng Ida có giấy chứng nhận hộ lý chăm sóc người cao tuổi, tương đương với cơ hội việc làm ở Okutama. Tuy nhiên, hồi tháng 9/2017, họ đã mạo hiểm một công việc mới, đó là mua và chuyển đổi những ngôi nhà cổ trên 100 tuổi ở Nhật Bản thành quán cà phê ven đường phục vụ dân đạp xe và leo núi.
"Một số người thích văn hóa và những điều xưa cũ nhưng ngại phải cam kết sống ở nông thôn", Naoko ngồi trong quán cà phê ấm áp, trang trí kiểu cổ điển với những đồ thủ công địa phương, nói.
Ngoài quán của Naoko, trên con phố yên tĩnh còn một ngôi nhà trống nữa, và nhà của một phụ nữ lớn tuổi. Trước khi gia đình Ida chuyển tới, khỉ hoang luôn tới phá phách rau củ mà bà trồng. Giờ khu vực này đông đúc hơn, còn lũ khỉ bắt đầu biết sợ, không dám lại gần.
Tuy đã tìm thấy ngôi nhà vĩnh viễn cho bản thân ở Okutama, nhưng Naoko lắc đầu khi được hỏi liệu con cái cô có dự định sinh sống ở đây không.
"Con gái lớn của tôi đang nóng lòng muốn rời nhà và thuê nơi ở riêng trong thành phố", Naoko bày tỏ.