Một nhóm phụ nữ lớn tuổi người Nhật Bản ngồi trên con thuyền đang tiến về bờ biển thị trấn Toba. Họ mặc đồ lặn màu đen, đầu đội mũ lặn. Họ là một phần của cộng đồng "ama" (hải nữ), những phụ nữ lặn biển đánh bắt cá, đang suy giảm tại Nhật Bản, theo AFP.
Nhóm phụ nữ tuổi từ 60 đến 80 rất dễ nhầm với thanh thiếu niên khi lặn dưới nước, khi lướt đi nhẹ nhàng dưới vùng biển sâu ở Thái Bình Dương.
"Tôi thực sự cảm thấy mình là một nàng tiên cá. Cảm giác bơi lội tự do rất tuyệt vời", Hideko Koguchi, một phụ nữ lớn tuổi làm nghề ama tại thị trấn ven biển Toba, nói.
Quay về bờ, bà quỳ gối, đếm số ốc biển đã nhặt được. Koguchi đã làm ama suốt 30 năm và tự hào có thể lặn tiếp "20 năm nữa". Suốt mùa lặn kéo dài 10 tháng một năm, hiệp hội đánh bắt cá địa phương sẽ theo dõi dự báo thời tiết và thông tin về trữ lượng hải sản mỗi ngày, trước khi thông báo cho các ama qua loa phát thanh.
Thiết bị lặn của họ rất thô sơ, bao gồm một cái phao có dây nối để báo hiệu cho người khác thấy có người đang lặn, và một cái lưới để thu thập hải sản. Ra khơi, họ hít thở thật sâu rồi lặn xuống, đôi khi nín thở hơn một phút, cứ thế liên tục trồi lên lặn xuống hàng chục lần.
Chỉ còn 2.000 ama ở Nhật, giảm hàng nghìn lần so với con số hơn 12.000 người những năm 1930, theo dữ liệu do bảo tàng biển ở Toba. Nghề này còn có ở Hàn Quốc, nơi thợ lặn được gọi là haenyo, nhưng số lượng cũng đang thu hẹp.
Shuzo Kogure, chuyên gia về ama, nghiên cứu viên thuộc Đại học Khoa học Hàng hải và Công nghệ Tokyo cho hay lịch sử nghề ama ở Nhật có từ hơn 3.000 năm trước. Phụ nữ ở các vùng nông thôn biệt lập, nơi có ít công việc, đã làm nghề ama để nuôi sống gia đình.
"Ngày xưa, phụ nữ làm nghề ama khi học xong cấp hai", Sakichi Okuda, giám đốc một hợp tác xã đánh bắt cá địa phương cho hay.
Họ cũng giống Koguchi và chị gái bà, thường học kiến thức lặn cơ bản từ lúc nhỏ tuổi. Cứ thế, kiến thức truyền lại từ đời bà sang đời mẹ cho con gái. Nhưng bây giờ, những kỹ năng này sẽ không truyền lại cho thế hệ sau nữa, bởi con cái họ đã rời quê lên thành phối tìm kiếm việc làm ổn định hơn.
Okuda thừa nhận thực tế này và muốn bảo tồn truyền thống, họ phải tìm cách tăng thu nhập cho ama. Một số người lưng đã còng đi theo tuổi tác, cho biết công việc này lương thấp, nhiều nguy hiểm.
"Vâng, đương nhiên là tôi sẽ vui nếu lớp trẻ theo nghề, nhưng công việc này rất khắc nghiệt, tôi không khuyến khích, ngay cả con cái tôi, tôi cũng không muốn chúng làm", Michiko Hashimoto, chị gái của bà Koguchi, nói.
Bà ngồi sưởi ấm quanh một đống lửa trong túp lều, nơi những người phụ nữ tụ tập sau buổi đánh bắt để tán gẫu và hồi sức.
"Nếu muốn bảo vệ và truyền lại những giá trị của ama, chúng ta phải mở cửa với người lạ, vượt qua truyền thống chỉ truyền nghề cho người trong nhà", Kogure giải thích, nói thêm chính phủ và các quan chức địa phương nên hỗ trợ tài chính cho ama. "Nếu chấp nhận thay đổi, tương lai sẽ sáng sủa hơn".
Trong làng Osatsu lân cận, các thợ lặn trẻ đang được chào đón nhiệt liệt. Ayami Nagata, một phụ nữ 39 tuổi là mẹ của 5 con, bắt đầu học lặn năm ngoái theo bước bà ngoại.
"Tôi không biết bơi nhưng đang luyện tập ở vùng nước nông", Nagata cho hay.
Cô không theo nghề vì tiền, bởi mỗi buổi lặn chỉ kiếm được 88 USD. Đối với Nagata, lặn mang lại "những giây phút tự do, không cần bận tâm đến gia đình".