Bà và bố chẳng có nhà, hôm nay nó phải ăn cơm một mình. Ừ thì rang cơm vậy. Hồi tiểu học, sáng nào mẹ nó cũng rang cơm cho ăn. Ngày ấy nhà nó nghèo lắm, món cơm rang cũng chẳng có gì ngoài chút mỡ lợn và cơm nguội ăn thừa từ tối hôm trước. Ngày ấy nó cũng chảnh lắm, chẳng buồn ăn đâu. Nó thường lẻn đi học thật sớm để khỏi phải ăn. Và rồi nó đã hối hận, hối hận lắm, nhưng không kịp nữa rồi. Mười ba năm rồi nó chẳng được ăn cơm mẹ nấu. Giá như bây giờ mẹ nó ngồi đây, ăn hết đĩa cơm rang do chính tay nó làm thì tốt biết bao.
Đĩa cơm rang nóng hổi thật ngon lành nhưng nó chẳng nuốt được nữa rồi. Những kỷ ước thuở ấu thơ chợt ùa về.
Hồi bé, nó là đứa đầu xỏ trong mọi trò tinh quái. Nhà nó có một bức tường thấp thôi nhưng khá cao so với chiều cao lè tè mặt đất của nó - một con bé mới 7 tuổi. Trèo mãi mới lên được cái bức tường ấy, nó kẹp cái chổi vào háng, cong cong cái lưng, hai chân co lại, tay nắm chắc cán chổi rồi bay vù xuống. Nó hạ cánh xuống đất một cách ngon lành trong ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ của lũ bạn. Thằng bạn thấy thế cũng bắt chước làm theo, thế là vèo, ngã sưng cả trán, ngồi khóc tu tu. Ngày hôm ấy nó bị một trận no đòn. Cái trò này cũng chấm hết từ đây. Phải đến vài năm sau, khi mà Harry Potter về đến trường, đến làng, lũ trẻ con cứ chiều chiều, mỗi đứa cầm cái chổi trong tay, kéo nhau đi khắp làng. Trong ấy có cả thằng em nó. Thấy vậy, nó bĩu môi: “Ôi dào, trò này chị mày chơi chán rồi, từ lúc anh Harry của bọn mày còn chưa đẻ ý. Chị mày chơi còn pro hơn cơ”.
8 tuổi, lũ bạn nhiều đứa đã biết đi xe đạp, còn nó chắc do nghịch quá nên cứ còi dí, mãi chẳng lớn được. Nó đòi mẹ cho mượn xe đạp để tập đi. Mẹ nó cản, nhưng cản sao được nó. Được lũ bạn biết đi trước mách nước: “Mày cứ lao từ đỉnh dốc xuống là biết đi ngay”. Nó làm theo và tất nhiên, để cho chắc ăn, nó chọn con dốc cao và dài nhất làng để trổ tài. Đi được một đoạn, thấy mẹ từ phía xa, nó hét lên: “Mẹ ơi, con biết đi rồi này”. Xe tiếp tục lao xuống dốc. “Cẩn thận đấy”. Mẹ chưa nói dứt lời thì xe đâm phải hòn đá, loạng choạng, lao như điên về phía cuối dốc. Chiếc xe đâm trúng người rồi đổ ra đường. Người đó không ai khác chính là mẹ nó. Nó bị văng ra ngoài, cắm mặt vào viên gạch. Mẹ dù bị đau nhưng vẫn cố về phía nó, miệng liên tục kêu: “xin hãy cứu con tôi!”. Máu chảy, nó thiếp đi, đến khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Lần đầu tiên nó biết sợ, nó sợ sẽ mất đi người mẹ mà nó yêu quý nhất. Theo yêu cầu của nó, bố đưa nó đến phòng mẹ nằm. 1, 2… 99, 100, cuối cùng thì cửa phòng cũng mở, nó được vào gặp mẹ. Chân mẹ bị băng to đùng. Nó lao vào lòng mẹ thổn thức: “Mẹ có đau không? Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi”. Mẹ ôm nó vào lòng rồi vỗ về: “Mẹ không sao, con có đau lắm không?”. Hôm ấy nó được một giấc ngủ ngon lành trong lòng mẹ nó. Sau trận ngã tưng bừng ấy thì nó biết đi thật.
9 tuổi, cô giáo thông báo nó không có giải trong cuộc thi học sinh giỏi. Chạy một mạch về nhà, nó ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở: “Mẹ ơi, con không có giải rồi!” Mẹ lại vỗ về: “Con ngoan của mẹ. Con còn nhiều cơ hội nữa mà! Con phải nhớ điều này: Thất bại hay thành công chưa phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là khi thực hiện nó, ta đã hết mình hay chưa? Phải sống hết mình thì cuộc sống mới có ý nghĩa con ạ”.
Điều đáng sợ nhất đã đến. Mẹ nó ra đi khi nó mới bước sang tuổi thứ 10. Nó gào khóc như chưa bao giờ được khóc. Nó chán ghét mọi thứ. Tại sao ông trời lại nhẫn tâm cướp đi người mẹ mà nó yêu quý nhất? Có những ngày không muốn nhớ cũng phải nhớ. Có những ngày muốn quên nhưng không thể quên. Bố đến, ôm nó vào lòng và vỗ về: “Con yêu của bố, cuộc sống này chỉ gồm một phần nhỏ những điều xảy ra với con, phần lớn còn lại là do cách nhìn của con về nó ra sao. Vậy, tại sao con không nhìn nó với con mắt lạc quan yêu đời để cố gắng trở thành một người tốt nhất có thể? Gắng lên con, bố tin con sẽ làm được. Ở trên trời mẹ cũng không muốn thấy con như này đâu”.
Ngoài sân mưa rơi tí tách. Đĩa cơm rang đã nguội ngắt. Nó thốt lên: “Cảm ơn bố mẹ đã cho con những bài học làm người tuyệt vời nhất! Yêu bố mẹ nhiều!”.
Chu Thị Lý
Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |