![Đội bóng UAE (áo trắng) thi đấu với đội Nhật Bản ở Asiad ngày 29/8. Ảnh: Đức Đồng.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/08/30/Nhb-1272-1535548688-600x0-4803-1535625602.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wV9iJUPTUhcoqw99i_OGBw)
Đội bóng UAE (áo trắng) thi đấu với đội Nhật Bản ở Asiad ngày 29/8. Ảnh: Đức Đồng.
Kể từ khi thành lập năm 1971, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chú trọng thúc đẩy thể thao, đặc biệt qua việc xây dựng các cơ sở hiện đại như sân vận động, trường đua và các trung tâm đào tạo trên khắp nước. Nhiều lãnh đạo quốc gia này cũng có hoạt động đáng chú ý trong thể thao.
Bóng đá
Bóng đá là môn thể thao được yêu thích nhất ở UAE. Hiệp hội bóng đá UAE, được thành lập năm 1971, đã dành nhiều nỗ lực để quảng bá môn thể thao, tổ chức các chương trình huấn luyện cho thiếu niên, nâng cao năng lực của cả cầu thủ lẫn quan chức và huấn luyện viên.
Năm 2003, UAE là nước chủ nhà của World Cup U20. Mansour bin Zayed Al Nahyan, phó thủ tướng UAE, là chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Anh Manchester City sau khi Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Abu Dhabi Thống nhất của ông mua câu lạc bộ vào năm 2008.
Đội tuyển quốc gia UAE từng vượt qua vòng loại để vào vòng chung kết World Cup vào năm 1990. Họ hiện đứng thứ 77 trong bảng xếp hạng của FIFA. Đội UAE đang thi đấu ở Asiad tại Indonesia và sẽ gặp đội Việt Nam trong trận tranh huy chương đồng vào ngày 1/9.
Cricket
Cricket (hai đội gồm 11 cầu thủ dùng gậy và bóng để loại đối phương) là môn thể thao phổ biến thứ hai ở UAE, phần lớn do ngoại kiều từ Nam Á. Có nhiều sân vận động cricket lớn tại nước này. Dubai, thành phố lớn và đông dân nhất UAE, là trụ sở của Hội đồng Cricket Quốc tế - cơ quan quản lý chính của môn thể thao.
Đội tuyển cricket quốc gia UAE đã lọt vào một số giải đấu lớn bao gồm 2 cúp thế giới năm 1996 và 2015. Nước này đã đăng cai tổ chức giải Cricket U19 Thế giới năm 2014.
Đua lạc đà
Lạc đà có thể chạy với tốc độ lên tới 65 km/h trong các cuộc chạy nước rút và chúng có thể duy trì tốc độ 40 km/h trong một giờ. Đua lạc đà là môn thể thao truyền thống của các nước vùng Vịnh.
Các trường đua UAE trước đây thường thuê các nài lạc đà trẻ từ Nam Á. Tuy nhiên, sau khi chính phủ ra lệnh cấm sử dụng lao động thiếu niên, nhiều giải đua hiện sử dụng robot để điều khiển lạc đà.
UAE có khoảng 15 trường đua lạc đà. Nad Al Sheba, cách Dubai 10 km, Al Wathba, cách Abu Dhabi 30 km và Al Ain, cách Al Ain 20 km là những cơ sở lớn được trang bị công nghệ hiện đại.
![Lạc đà được điều khiển bằng cánh tay robot tại cuộc đua ở Dubai năm 2017. Ảnh: CNN.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/08/30/170314115627-camel-racing-teas-7539-5779-1535625603.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GaDqVBPZfaf9zLFRFDMpEg)
Lạc đà được điều khiển bằng cánh tay robot tại cuộc đua ở Dubai năm 2017. Ảnh: CNN.
Nhu thuật
Theo Guardian, hàng chục nghìn học sinh ở UAE tập luyện jiu-jitsu (nhu thuật Brazil) – môn võ ứng dụng các đòn vật và khóa tay chân ở tư thế nằm, khiến quốc gia này trở thành lò sản sinh ra những võ sĩ tầm cỡ thế giới. Thủ đô Abu Dhabi hàng năm tổ chức giải vô địch jiu-jitsu thế giới với sự tham gia của hơn 120 vận động viên.
Huấn luyện chim ưng
Huấn luyện chim ưng là môn thể thao đòi hỏi người chơi thuần hóa và huấn luyện chim ưng để nó săn mồi theo lệnh của mình. Đây là môn thể thao truyền thống của UAE và là niềm đam mê của nhiều lãnh đạo nước này.
UAE nhập khẩu chim ưng từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2001 và năm 2002, Công ước Liên Hợp Quốc về thương mại quốc tế đối với các loài động thực vật hoang dã bị đe doạ đã áp đặt biện pháp trừng phạt với UAE do nạn buôn lậu chim ưng quy mô lớn đến nước này. Một số loài ưng được cho bị tuyệt chủng tại khu vực Đông Á vì nạn buôn lậu.
Đua xe
Kể từ năm 2009, UAE giành quyền đăng cai một chặng đua xe Công thức Một (F1) ở trường đua Yas Marina nằm trên đảo Yas. Đây là sự kiện truyền hình lớn được hàng triệu người trên toàn thế giới theo dõi.
Đua ngựa đường trường
![Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed Bin Rashid Al Maktoum thi đấu tại Anh năm 2012. Ảnh: Emirates247.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/08/30/image-7-1579-1535625603.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=drXHcmVtlDmYFL4gkMkEHQ)
Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed Bin Rashid Al Maktoum thi đấu tại Anh năm 2012. Ảnh: Emirates247.
UAE coi mình là nước đứng đầu trong môn đua ngựa đường trường và muốn thúc đẩy để môn thể thao truyền thống này được đưa vào Olympic.
Ngựa có khả năng chạy đến 160 km trong một ngày. Những người thi đấu bỏ nhiều công sức tìm kiếm biện pháp để nâng cao thể lực cho ngựa và xây dựng chiến thuật để giữ sức. Giống ngựa nào cũng có thể tham gia đua nhưng giống Arab được ưa chuộng nhất vì độ bền bỉ.
Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed Bin Rashid Al Maktoum là một tay đua cự phách. Ông từng giành huy chương vàng tại giải Vô địch Đua ngựa Đường trường Thế giới tại Suffolk, Anh năm 2012.