Khi Nga ra mắt xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata trong cuộc duyệt binh năm 2015, các chuyên gia NATO đã rất ấn tượng với tính năng và uy lực của mẫu tăng mang tính đột phá này.
T-14 Armata được tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ) thiết kế từ năm 2009 và là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên được Nga chế tạo trong thời kỳ hậu Xô Viết. Tuy nhiên, nó kế thừa thành quả của nhiều dự án tăng chủ lực dang dở từ thời Liên Xô và Nga, bao gồm Object 640, Object 292, T-95/Object 195, Object 477 và Object 299, theo RIA Novosti.
Object 640
Chyornyj oryol (Đại bàng Đen) hay Object 640 là dự án chế tạo xe tăng chủ lực thế hệ thứ tư của Nga, nguyên mẫu thử nghiệm được hoàn thành năm 1997. Object 640 được chế tạo trên cơ sở xe tăng chủ lực T-80 với tháp pháo có thiết kế phẳng, gần sát vào thân xe và tuân theo nguyên tắc "tháp pháo không có người bên trong" để bảo vệ kíp lái nhiều nhất có thể.
Ghế của lái xe được lùi về sâu hơn bên trong thân xe, ghế của trưởng xe và pháo thủ có thể nâng hạ khi chiến đấu và được hạ xuống thân xe để tránh thương vong trong trường hợp tháp pháo trúng đạn. Khoang đạn được bố trí sau tháp pháo, có cửa thép và cửa định hướng luồng nổ để giảm thiệt hại cho kíp lái khi khoang đạn bị kích nổ.
Tăng chủ lực Object 640 được trang bị pháo chính nòng trơn tiêu chuẩn 125 mm, súng máy đồng trục 7,62 mm, súng máy phòng không điều khiển từ xa 12,7 mm được chế tạo trên cơ sở súng máy hạng nặng Kord.
Tuy nhiên, Object 640 chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt để đưa vào biên chế. Hãng Omsktransmash chịu trách nhiệm phát triển dự án này tuyên bố phá sản năm 2005.
Object 292
Object 292 là một mẫu tăng chủ lực khác được chế tạo trên cơ sở tăng T-80 vào thời điểm ngay trước khi Liên Xô tan rã. Object 292 được trang bị pháo chính nòng trơn 152 mm, trong khi phần lớn xe tăng trong biên chế quân đội Liên Xô bấy giờ dùng pháo tiêu chuẩn 125 mm.
Năm 1991, Object 292 đạt kết quả tốt trong các bài bắn thử. Khung thân T-80 không cần cải tiến quá nhiều ngoại trừ hệ thống nạp đạn, phần lớn các bộ phận của T-80 và Object 292 có thể thay thế cho nhau. Các kỹ sư Nga còn dự định trang bị pháo nòng rãnh xoắn 152 mm cho Object 292.
Tuy nhiên, khó khăn về tài chính mà ngành chế tạo xe tăng của Nga phải đối mặt vào những năm 1990 đặt dấu chấm hết cho Object 292. Mẫu thử nghiệm hoàn chỉnh duy nhất của Object 292 được giữ bí mật trong thời gian rất dài, hiện được trưng bày tại bảo tàng ở Kubinka, gần Moskva.
T-95/Object 195
Gần gũi nhất với Armata là tăng chủ lực T-95 (Object 195) với tháp pháo không có người bên trong. Kíp lái ba người của T-95 ngồi trong khoang bọc thép dưới thân xe. T-95 có trọng lượng 55 tấn, động cơ 1.600 mã lực giúp xe tăng này đạt tốc độ tối đa 70 km/h.
T-95 có pháo chính 152 mm, pháo tự động 2A42 30 mm và súng máy Kord 12,7 mm với hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, khoang đạn được bố trí riêng biệt để tăng độ an toàn cho kíp lái.
Kíp lái nhận thông tin về mục tiêu và tình hình chiến trường thông qua thiết bị quang học và thiết bị ảnh nhiệt, toàn bộ thông tin được hiển thị trên màn hình trong xe. Tăng chủ lực T-95 có hệ thống phòng thủ nhiều lớp, trong đó có hệ thống phòng thủ chủ động và hệ thống gây nhiễu quang điện tử.
Do gặp khó khăn về tài chính và kỹ thuật, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố ngừng dự án phát triển tăng chiến đấu chủ lực T-95 vào năm 2010. Các nhà thiết kế sau đó sử dụng T-95 làm cơ sở phát triển nền tảng xe chiến đấu đa năng Armata.
Object 477
Một mẫu xe tăng thử nghiệm khác có hình dáng gần giống Armata là Object 477 Molot do Viện thiết kế Kharkov ở Ukraine phối hợp cùng nhà máy xe tăng Leningrad và Nizhny Tagil thực hiện. Tháp pháo của Object 477 không có người bên trong, được lắp pháo 152 mm.
Kíp lái của Object 477 gồm ba người, lái xe ngồi phía trước, trưởng xe và pháo thủ ngồi dưới tháp pháo. Hệ thống nạp đạn tự động được đặt phía sau khoang xe, giúp duy trì tốc độ bắn 14 phát/phút khi hoạt động hết công suất. Đạn dự phòng được đặt trong khoang riêng nằm phía sau xe.
Hệ thống quản lý thông tin hiện đại của Object 477 cho phép kíp lái điều khiển máy bay không người lái (UAV) phục vụ trinh sát và một số loại xe tăng không người lái.
Sau khi Liên Xô tan rã và dự án bị dừng lại năm 1992, Nga tìm cách thu hồi tài liệu kỹ thuật từ phía Ukraine để tiếp tục phát triển Object 477 nhưng Kiev từ chối hợp tác.
Object 299
Vào giữa những năm 1980, các chuyên gia tại Viện thiết kế Kirovsky bắt đầu phát triển nền tảng đa năng dành cho loạt tăng thiết giáp mới Object 299.
Thiết kế của Object 299 khác hoàn toàn so với các loại xe tăng thời kỳ này, động cơ và bộ truyền động được bố trí phía trước xe, tiếp đến là khoang lái. Object 299 không có tháp pháo, pháo chính điều khiển từ xa và hệ thống nạp đạn tự động được đặt ở cuối xe.
Các nhà thiết kế định sử dụng Object 299 làm nền tảng chế tạo xe thiết giáp chở quân, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành và đáng chú ý nhất là mẫu xe tăng được trang bị ống phóng thẳng đứng với 30 tên lửa.
Object 299 được đánh giá là dự án thành công kể cả về góc độ kinh tế do có thiết kế thống nhất, nhưng dự án bị ngừng lại do thiếu kinh phí sau khi Liên Xô tan rã.
Nguyễn Tiến