Oanh tạc cơ B-52 thả ngư lôi Quickstrike trong đợt diễn tập năm 2017. Video: Lầu Năm Góc.
Quân đội Mỹ đang hiện đại hóa năng lực rà phá thủy lôi, đồng thời phát triển các mẫu thủy lôi mới trang bị cho chiến đấu cơ và tàu ngầm. Đây là những vũ khí đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh công nghệ cao với các cường quốc như Nga và Trung Quốc trong tương lai, theo Drive.
Hải quân Mỹ đang sở hữu thủy lôi Quickstrike với các biến thể trang bị cho phi cơ và tàu ngầm. Nó gồm các mẫu Mk 62, Mk 63 và Mk 64, được hoán cải từ bom thông thường và lắp hệ thống ngòi nổ kích hoạt dựa trên tín hiệu thủy âm, rung chấn và áp lực khi tàu chiến ở gần. Dòng Quickstrike còn có mẫu Mk-65 nặng 907 kg là thiết kế thủy lôi nguyên bản, không phải được hoán cải từ bom thông thường.
Tuy nhiên, hải quân Mỹ dường như chưa hài lòng với Quickstrike và đã tiến hành hai chương trình nâng cấp trong vòng 4 năm qua. Dự án Quickstrike-J trang bị hệ thống định vị vệ tinh (GPS) của bom thông minh JDAM cho ngư lôi, trong khi chương trình Quicktrike-ER giúp thủy lôi được gắn thêm một bộ cánh nâng để có thể "lượn" tới mục tiêu từ khoảng cách xa.
Những nâng cấp này sẽ giúp máy bay thả thủy lôi chính xác ở mọi độ cao, trong đó mẫu Quickstrike-ER có thể được thả từ cách mục tiêu tới 65 km. Điều này giúp đẩy nhanh tốc độ rải thủy lôi, giảm đáng kể rủi ro cho phi cơ so với trước đây.
Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng đang phát triển thủy lôi thả từ máy bay với định danh Hammerhead, thay thế dòng Mk 60 CAPTOR bị loại biên một năm trước.
Chương trình Hammerhead tận dụng vỏ và giá treo trên máy bay của thủy lôi Mk 60, nhưng được nâng cấp đáng kể về cảm biến, hệ thống điện tử và phần mềm. Thủy lôi mới cũng có thiết kế module, sử dụng phần mềm kiến trúc mở để tiện nâng cấp trong tương lai.
Với những cải tiến về ắc quy, vũ khí này có thể ẩn mình trong đại dương suốt nhiều tháng. Việc phát triển thủy lôi Hammerhead mới bắt đầu trong năm nay, chưa rõ nó có được trang bị cho tàu ngầm hay không.
Một vũ khí nữa cũng đang được Lầu Năm Góc phát triển để trang bị cho tàu ngầm là thủy lôi CDM. Có rất ít thông tin về hệ thống này, ngoại trừ việc nó được phát triển từ năm 2016 và dự kiến bàn giao cho hải quân Mỹ vào năm 2020.

Ngư lôi Quickstrike-ER dưới cánh oanh tạc cơ B-52 trong thử nghiệm năm 2017. Ảnh: USAF.
Chuyên gia quân sự Joseph Trevithick đánh giá việc Mỹ rải thủy lôi Quickstrike-J và Quickstrike-ER một cách chóng vánh và hiệu quả hơn sẽ khiến đối thủ phải cân nhắc khi hoạt động ở một số khu vực nhất định. Ngoài ra, họ sẽ phải triển khai nhiều nguồn lực để rà phá thủy lôi, công việc rất tốn thời gian và nguy hiểm ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất.
Do thủy lôi Quickstrike không cần thả ở tầm thấp, tiêm kích tàng hình có thể xâm nhập sâu vào lãnh thổ địch để thả chúng trên sông và kênh rạch. Các tàu ngầm và tàu lặn không người lái cũng đủ sức bí mật rải thủy lôi, gây khó khăn cho việc cơ động và đảm bảo hậu cần của đối phương.
Hammerhead nhiều khả năng sẽ có chức năng chính là chống ngầm. Điều này giúp hải quân Mỹ tiết kiệm được thời gian, trong bối cảnh mối đe dọa gia tăng từ các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Nga và Trung Quốc.
Những mẫu thủy lôi tương lai của Mỹ sẽ đóng vai trò rất quan trọng ở biển Baltic, nơi tàu hải quân có thể bị phong tỏa hoàn toàn vì các bãi thủy lôi. Chúng cũng rất hữu ích trong các chiến dịch viễn chinh và phân tán lực lượng ở Thái Bình Dương, giúp cầm chân hoặc buộc đối phương thay đổi lộ trình theo hướng cụ thể.
Thủy lôi cũng được dùng cho việc phòng thủ, nhanh chóng hình thành lá chắn quanh các căn cứ hải quân và hòn đảo chiến lược của Mỹ. Chiến thuật này sẽ răn đe, ngăn chặn từ xa các cuộc đổ bộ và phản công của đối thủ trong các cuộc chiến tranh tương lai.
Duy Sơn