"Quê hương là gì hở mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều..."
Đó là những câu thơ đầu tiên tôi đọc lén được trong cuốn sổ chép thơ của chị tôi. Quê tôi là một vùng quê hiền hòa trên dải đất miền Trung đầy nắng gió, là nơi tôi đã sinh ra, lớn lên, nơi nuôi dưỡng ước mơ của tôi. Đó cũng là nơi bố mẹ tôi lam lũ, nhọc nhằn; nơi gia đình tôi đầm ấm, hạnh phúc bên nhau... Giờ là sinh viên tôi mới biết cái cảm giác "ai đi xa cũng nhớ nhiều" mà mọi người vẫn thường nói. Ngồi bên cửa sổ, thấy mấy đứa trẻ con nô đùa cười khúc khích, ký ức một thuở ấu thơ bỗng chốc ùa về.
Hồi ấy, ông Luân là hàng xóm nhà tôi. Nhà ông có hàng rào râm bụt nở hoa đỏ rực, ông trồng đủ loại cây ăn quả, xoài có, nhãn có... Ông là người yêu cây nên vườn nhà ông đẹp lắm, tụi nhỏ chúng tôi hay sang chơi, và được ông chiêu đãi các loại quả trong vườn. Có một lần ông đang ngủ trưa, tụi tôi sang trộm nhãn, và tôi là chủ mưu. Thằng Cu còn bé nên làm rơi chậu hoa nhỏ của ông, nghe tiếng động ông tỉnh giấc, ôi thôi, thế là xong.
Ông đuổi theo tụi tôi chạy khắp xóm, may quá cuối cùng cũng thoát. Kiếm được mấy trái nhãn, cả bọn lại chạy ra đồng chơi. Con trai thì chơi đánh đáo, con gái chơi nhảy dây, chơi búp bê làm bằng lá chuối... Thấy đói cả bọn lại đi mót trộm khoai. Đứa nào đứa nấy hì hục đào đào bới bới kiếm được cũng kha khá chiến lợi phẩm rồi đem đi nướng. Khoai chín thơm lừng, chia nhau mỗi đứa một miếng, mặt đứa nào cũng lem nhem hết cả. Trông buồn cười thật. Ngày mùa, người lớn đi gặt còn trẻ con chạy lăng xăng, đứa đi bắt cào cào, đứa thì đi mót lúa, đứa lại thả diều... tiếng cười vang khắp cánh đồng. Tối đến lại rủ nhau đi chơi từ đầu làng đến cuối xóm, chơi trốn tìm có đứa lấy rơm trùm hết lên người, đứa đi tìm dẫm phải thế là lộ.
Ngày ấy, lúa làm ra có được là bao, ăn uống thiếu thốn nên đứa nào cũng gầy nhom, đen nhẻm. Tôi thì lại hay ốm nên bố mẹ càng vất vả hơn. Có lần tôi bị ốm nhiều ngày liền, nhà thì nghèo nên người gầy rộc. May nhờ những bài thuốc của ông tôi, nhờ chục quả trứng của bác Sáu, con chim bồ câu của cô Mai, lon sữa bò của dì Bảy... tôi cũng khỏi bệnh. Dù không có gì quý giá nhưng đó là tình làng nghĩa xóm, là lúc tắt lửa tối đèn, là những người cùng xóm, cùng quê. Tuy giản đơn nhưng thật ấm áp. Còn nhớ Tết năm nào, nhà tôi nấu cả một nồi bánh chưng to đùng, cả nhà ngồi quanh bếp lửa, thật ấm cúng.
Ngày đầu năm, mặc chiếc áo mới chạy khắp xóm khoe với tụi bạn, được mọi người mừng tuổi, chỉ là vài nghìn thôi nhưng vui lắm... Rồi tuổi thơ dần đi qua, tôi lớn dần lên, cho đến bây giờ tôi đã là một sinh viên đại học. Tôi bất chợt mỉm cười "Mới ngày nào còn bé tí ti mà giờ đã là sinh viên rồi đấy, thời gian trôi nhanh thật". Tôi lớn hơn và quê tôi cũng đổi mới nhiều hơn. Cuộc sống ngày một tốt hơn, nhà cửa khang trang hơn, nhưng tôi cũng nhận ra một điều là trẻ con không còn hồn nhiên như xưa. Chúng không còn chơi những trò chơi ngày trước mà thay vào đó bọn trẻ phải chịu nhiều áp lực hơn.
Ngồi nhìn ra thành phố tấp nập, chật chội, tôi lại thèm được trở về quê ngắm cánh đồng lúa bao la, được nói chuyện thoải mái với những người dân quê chân chất, thật thà. Mỗi buổi chiều đi trên con đê, ngắm mặt trời khuất sau dãy núi, ngắm đàn cò bay lượn trên không trung, thoang thoảng hương thơm của lúa mới, cảm thấy bình yên đến lạ. Tối đến lại được ngồi bên gia đình trò chuyện, nghe bố mẹ kể những kỷ niệm xưa cũ, tuy chỉ là những câu chuyện được lặp đi lặp lại nhưng sao mỗi khi nghe vẫn thấy thổn thức trong lòng. Rồi ngẩn ngơ ước một lần lại được làm một đứa trẻ, hồn nhiên và vô tư…
Giờ đây tôi sẽ lại tiếp tục thực hiện ước mơ của mình nơi thành phố này. Tuổi thơ tôi, gia đình tôi vẫn ở nơi ấy - quê hương dấu yêu.
Trịnh Thị Lan