Cá sủ vàng có giá trị kinh tế cao, nhưng dần biến mất trên sông Lam cũng như nhiều dòng sông khác. Nhiều người cho rằng cần có đề án bảo tồn nguồn gen, nhân nuôi vì sủ vàng quý hiếm, nếu thành công còn hướng đến xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để bảo tồn nguồn gen cần biết được cá thường sinh sống chỗ nào, bãi đẻ ra sao.
"Khi biết được vùng nào có bãi nở ấu trùng của cá sinh sôi nhiều nhất, nhà chức trách mới có phương án để bảo vệ, cấm đánh bắt cá vào mùa sinh sản, cấm những phương pháp khai thác tận diệt", ông Huy nói.
Ông Huy thông tin, tại nhiều hội thảo, các chuyên gia có bàn việc này, song mức độ quan tâm chưa cao lắm. Trở ngại lớn nhất là kinh phí. Cá sủ vàng rất đắt, mỗi con giá có thể đến vài trăm triệu đến một tỷ đồng, do đó cần có kinh phí rất lớn mới gom đủ số lượng cá thể nhất định để cho sinh sản nhân tạo.
Khó khăn tiếp theo ở nguồn giống. Cá sủ vàng tương đối hiếm, thỉnh thoảng ngư dân mới bắt được vài con, vì thế mất thời gian thu gom, thỏa thuận hợp đồng với họ. Hơn nữa, khá nhiều loại cá tương tự nhau, để phân loại, xác định đúng loài cá sủ vàng thật rất tốn công sức.
"Để cá sủ vàng sinh sản được cần khoảng 100 con, tập hợp lại để vừa nghiên cứu, kích thích thăm dò cho đẻ, đề phòng quá trình nuôi có thể hao hụt", ông Huy nêu ví dụ.
Nói về định hướng bảo tồn, nuôi cá sủ vàng để xuất khẩu, Phó viện nghiên cứu bày tỏ nếu xét theo nguyên tắc kỹ thuật thì khả thi. "Chúng ta có sẵn công nghệ nền khi đã cho sinh sản thành công nhiều loại cá biển. Trên công nghệ ấy sẽ nghiên cứu thêm về đặc điểm sinh học riêng của loài cá sủ vàng, từ đó có biện pháp cho sinh sản phù hợp", ông Huy nói.
Chung quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Đức Cự, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) - người từng có đề tài nghiên cứu quốc tế về cá sủ vàng - cho biết Việt Nam là nơi cá sủ vàng sinh sản tốt nhất, nhưng vì nhiều lý do nên việc bảo tồn rất nan giải.
"Malaysia đã lập một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn cá sủ vàng, song nước này không phải là nơi sinh cư để cá sinh sản nên rất khó làm", tiến sĩ Cự thông tin.
Qua nhiều năm nghiên cứu, ông Cự nhận thấy cá sủ vàng tự chuyển giới tính, cứ nuôi hai con là nó chuyển thành một đực và một cái, tự giao phối với nhau để sinh sản.
"Việt Nam chính là vùng sinh sản của cá, song hiện nay đã cạn kiệt do săn bắt. Đề tài nghiên cứu của tôi đề cập đến việc nhân giống bảo tồn loài này, nhưng khi người dân bắt được cá thì nó đã chết, không thể mua được", ông Cự nuối tiếc.
Cá sủ vàng tên khoa học là Otolithoides biauritus, thuộc bộ cá vược, có đặc điểm miệng rộng, màu vàng nghệ. Tại Việt Nam, cá sủ vàng phân bố chủ yếu ở vùng cửa sông châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long. Trên thế giới, cá phân bố tại Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc. Cá đắt do bóng cá dùng làm chỉ khâu hữu cơ dễ tan trong y học. Mặt khác, theo quan niệm của người dân một số nước châu Á, món ăn từ cá sủ vàng là "cao lương mỹ vị", mang đến may mắn và làm ăn tấn tới, được giới giàu có săn lùng. |