Sông Lam hay còn gọi là Ngàn Cả, hay sông Cả, bắt nguồn từ Lào, tổng chiều dài 512 km, đoạn chảy trong nội địa Việt Nam khoảng 361 km. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới giữa Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển cửa Hội.
Người dân sống ven sông Lam ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) xem cá sủ vàng là lộc trời, "cục vàng biết bơi". Những năm 1990, ngoài bắt được sủ vàng, ngư dân còn bủa lưới trúng nhiều loài cá lớn nặng vài chục kg, tôm, tép luôn đầy khoang.
Ông Nguyễn Văn Thảo (52 tuổi, trú xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân) cho biết, cá sủ vàng thường vào lạch Hội trên sông Lam mùa lũ lụt để sinh sản. Làm nghề chài lưới, ông từng bắt được gần chục con sủ vàng, song khoảng 5 năm trở lại nay thì không thấy cá xuất hiện, các nguồn lợi thủy sản khác cũng ngày một ít đi.
"Thỉnh thoảng có người nói bắt được cá sủ vàng, nhưng khi kiểm tra thì không phải, đó là cá đù, cá sủ bình thường", ông Thảo nói.
Ông Đậu Nghi Lới (73 tuổi, trú xã Tiên Điền, Nghi Xuân) cũng cho hay giờ đây chèo thuyền trên sông đi thả lưới, ông luôn để ý từng di biến động, song không còn thấy "lộc trời". Cầm hai tấm hình chụp cá sủ vàng nặng tới 67 kg bắt được năm 1998, ông Lới buồn bã tâm sự "cá giờ chỉ còn trong ảnh".
"Chúng tôi rất buồn khi dòng sông ngày một vắng bóng sản vật. So với ngày trước, sông Lam đoạn qua huyện Nghi Xuân nay nhộn nhịp tàu thuyền hơn, song nhiều chỗ nước cũng bị nhiễm bẩn, điểm khai thác cát tự phát thỉnh thoảng vẫn mọc lên", một ngư dân nói.
Nhận nhiều phản ánh sản vật sông Lam đoạn qua địa bàn trở nên hiếm do nạn khai thác khoáng sản, song ông Lê Vĩ Hoàng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân cho rằng điều này thiếu căn cứ. Tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, nay việc khai thác các mỏ khoáng sản đã tập trung, quy củ.
"Bây giờ của khó người khôn. Xưa ngư dân đánh bắt được nhiều, nhưng hiện tại không phải ai bắt được cũng công bố. Hơn nữa, cá sống theo đàn, theo luồng, vùng khí hậu. Nhiệt độ ngày xưa khác bây giờ, việc biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi môi trường, dẫn tới việc cá di cư tới vùng khác", ông Hoàng nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Cự, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) từng có đề tài nghiên cứu quốc tế về cá sủ vàng, cho biết không riêng sông Lam, nhiều dòng sông khác cũng vắng bóng sủ vàng.
"Những năm 1960-1970, tôi chứng kiến ngư dân sống ven sông ở Hải Phòng bắt được mẻ hơn 500 kg cá sủ vàng, con to nhất 180 kg. Nay là người nghiên cứu song rất hiếm khi nghe tin bắt được loài cá quý này", tiến sĩ Cự thông tin.
Vì sao cá sủ vàng đắt đỏ?
Cá sủ vàng tên khoa học Otolithoides biauritus, thuộc bộ cá vược. Miệng chúng rộng, điểm nhận dạng rõ nhất là màu vàng nghệ. Tại Việt Nam, cá sủ vàng phân bố chủ yếu ở vùng cửa sông châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long. Trên thế giới, cá phân bố tại Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết, dù hiếm gặp nhưng sủ vàng chưa được đưa vào Sách đỏ.
Lý giải về giá trị của cá sủ vàng, giáo sư Mai Đình Yên - chuyên gia về cá cho biết, giá trị nhất của cá sủ vàng là bóng hơi (còn gọi là bóng bơi). Bóng cá dùng làm chỉ khâu hữu cơ dễ tan trong y học, khi khâu vào cơ thể người, một thời gian sau khi vết thương lành thì chỉ khâu sẽ tự tan đi.
"Thường thì ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ họ mua loại cá này về lấy bóng. Giá trị của cá hầu như không công khai, đó còn là chuyện may mắn giữa người mua và người bán. Cũng có nhiều người thổi phồng giá lên để đề cao vai trò của con cá này", giáo sư Yên nói.
Một chuyên gia về cá khác cho hay, theo quan niệm từ lâu đời của Trung Quốc, món ăn từ cá sủ vàng luôn là "cao lương mỹ vị". Các đại gia ở đất nước đông dân nhất thế giới cho rằng, thực phẩm này sẽ mang đến may mắn và làm ăn tấn tới, nên mua thưởng thức để thể hiện đẳng cấp. "Trước đây cá sủ vàng giá khoảng 15-20 triệu/kg, hiện có thể lên 30-40 triệu/kg", chuyên gia cho hay.
Phân biệt cá sủ vàng với cá sủ thường.