Thông tin được chia sẻ từ buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Theo dõi đường huyết và theo dõi bệnh đái tháo đường tại nhà như thế nào" được phát sóng trên fanpage VnExpress.net vào đầu tháng 12. Chương trình thuộc chuỗi tư vấn trực tuyến "Hiểu đường huyết - Sống vui khoẻ" do Tổng Hội Y Học Việt Nam đồng hành cùng công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam thực hiện.
Trong suốt chương trình, TS.BS Phan Hữu Hên, Phó trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, đã chia sẻ những thông tin hữu ích về theo dõi và chăm sóc đường huyết thông qua những thông số đường huyết quan trọng.
Lưu ý tình trạng hạ đường huyết
Theo bác sĩ Hữu Hên, tình trạng hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị rất phổ biến. Nguyên nhân có thể kể đến do các loại thuốc sử dụng trong điều trị bệnh luôn đi kèm nguy cơ hạ đường huyết. Đồng thời, các nguy cơ có thể xuất phát từ hai phía do bệnh nhân chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị hoặc do phác đồ điều trị chưa phù hợp cho từng bệnh nhân.
Khi bị hạ đường huyết, cơ thể sẽ huy động nhiều cơ chế buộc đường huyết cơ thể tăng trở lại. Các dấu hiệu hạ đường huyết như đói bụng, bồn chồn, lo lắng, run tay chân,.. hay thậm chí hôn mê nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị sớm. "Có những bệnh nhân hạ đường huyết bị mất não, phải sống đời sống thực vật, do xử trí hạ đường huyết không kịp thời hoặc không hiệu quả, trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội", bác sĩ Hên chia sẻ.
Bác sĩ Hên cũng nhấn mạnh nguy cơ hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường sẽ càng lớn hơn đối với những người bệnh có nhiều bệnh nền và ý thức điều trị bệnh kém.
Chính vì vậy, bệnh nhân và người nhà cần có những kiến thức để nhận biết dấu hiệu về hạ đường huyết cũng như cách xử trí khi gặp phải tình huống này bằng cách đo đường huyết nhanh chóng, chuẩn bị túi đường, mật ong, sữa,... đối với các trường hợp hạ đường huyết nhẹ và đưa đến các cơ sở y tế để cấp cứu trong trường hợp bệnh nặng rơi vào hôn mê.
Thông số và cách đo đường huyết
Bác sĩ Hữu Hên cho biết việc điều trị bệnh là vô cùng cần thiết và bắt buộc bằng các phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục - thể thao theo chỉ định của bác sĩ để ổn định đường huyết, giảm thiểu các biến chứng.
Ở mỗi bệnh nhân khác nhau sẽ có một mục tiêu đường huyết khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính. Chính mỗi người bệnh cần nắm mục tiêu đường huyết của bản thân bằng cách trao đổi trực tiếp với bác sĩ để luôn hoàn chỉnh đạt mục tiêu và sống vui khỏe với căn bệnh đái tháo đường.
Để kiểm soát tốt đường huyết trong cơ thể phải kể tới 3 thông số quan trọng là đường huyết đói, đường huyết sau ăn và đường huyết HbA1c. Mỗi thông số sẽ giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng đường trong máu, từ đó điều chỉnh hành vi và lối sống hằng ngày cho phù hợp.
Tuy nhiên, việc đo đường huyết và tuần suất đo như thế nào để đạt kết quả đáng tin cậy là vấn đề được rất nhiều người bệnh quan tâm. Nếu như đái tháo đường típ 1 cần thử đường huyết nhiều lần thì ở đái tháo đường típ 2, việc thử đường huyết sẽ tùy thuộc vào thể trạng cơ thể. Đo đường huyết khi có các dấu hiệu tăng hoặc giảm đường huyết bất thường để báo ngay với bác sĩ để điều trị kịp thời. Ngoài ra người bệnh cần lưu ý một số trường hợp cần đo thường xuyên đó là không ổn định như stress, tổn thương tinh thần.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hữu Hên khuyên người bệnh tự theo dõi đường huyết tại nhà phải đảm bảo các dụng cụ đo đường huyết luôn sạch sẽ và cần có sự liên hệ chặt chẽ với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.
Độc giả có thể xem thêm phần giải đáp thắc mắc tại đây.
Anh Ngọc