Thưa bác sĩ, mẹ cháu đã sống chung với đái tháo đường được gần 10 năm, mặc dù mẹ cháu cũng thường xuyên theo dõi đường huyết và uống thuốc đầy đủ; nhưng vì sao vẫn xảy ra tình trạng hạ đường huyết và đôi khi tăng đường huyết không kiểm soát. Nhờ bác sĩ giải đáp nguyên nhân đường huyết không ổn định như trên. Ngoài ra là cách xử trí khi đường huyết tăng quá mức và kéo dài liên tục?
- Việc sử dụng thuốc đường huyết đi đôi với nguy cơ hạ đường huyết nếu chế độ ăn không hợp lý hoặc uống thuốc chưa phù hợp với cơ thể người bệnh. Theo thống kê cho thấy trong suốt khoảng thời gian mắc bệnh đái tháo đường, hầu như các bệnh nhân sẽ có ít nhất có 1 lần hạ đường huyết. Có trường hợp hạ đường huyết có triệu chứng lâm sàng phát hiện bằng máy đo đường huyết. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hạ đường huyết không có triệu chứng do các biến chứng thần kinh thực vật thì người bệnh rất khó phát hiện.
Đối với từng bệnh nhân sẽ có những phương pháp điều trị cụ thể, nhưng người bệnh nên có máy đo đường huyết để thử đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ hay trong các tình huống khẩn cấp, đánh giá lại chế độ điều trị và cần có sự trao đổi với trực tiếp với bác sĩ.
Thưa bác sĩ, tôi bị đái tháo đường nhiều năm, thời gian gần đây tôi hay bị tụt huyết áp, không biết có liên quan gì đến đái tháo đường hay ko? Làm thế nào để phân biệt được hạ đường huyết và hạ huyết áp?
- Có rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân lớn tuổi hay nhầm lẫn trong việc đo đường huyết và đo huyết áp. Một trong những lý do gây nhầm lẫn là bởi các dấu hiệu nhận biết hai triệu chứng này tương tư nhau. Huyết áp trên người bệnh đái tháo đường, đặc biệt là típ 2 đa số xảy ra tình trạng tăng huyết áp nhiều hơn hạ huyết áp. Tình trạng hạ huyết áp thường xảy ra do dùng thuốc quá liều hoặc khi người bệnh bị một số biến chứng thần kinh dẫn đến hạ huyết áp tư thế.
Tôi rất thích chạy bộ đường dài và leo núi, tuy nhiên từ khi phát hiện bị đái tháo đường tôi khá lo ngại về việc có thể duy trì tập luyện hai môn thể thao. Tôi sợ lúc tập quá sức 2 môn này gây ra hạ đường huyết. Xin nhờ bác sĩ cho lời khuyên?
- Ngoài chế độ ăn uống, dinh dưỡng điều độ thì việc tập thể dục thường xuyên là điều cốt yếu giúp tăng cường sức khỏe, ổn định đường huyết tốt,... Tuy nhiên, trên người bệnh đái tháo đường sẽ có một số vấn đề cần lưu ý như tình trạng sức khỏe hiện tại, lượng đường trong máu, tình trạng bệnh nền nếu có của người bệnh,... Một cách khái quát, nếu tập thể dục quá sức có thể gây ra nguy cơ hạ đường huyết do tiêu hao năng lượng nhanh chóng và cơ thể phải sử dụng insulin của mô cơ nhiều. Chính vì vậy, người bệnh không nên chủ quan hay tự ý vận động những bộ môn quá sức không phù hợp với thể trạng và nên thăm hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.
Đối với bênh nhân đái tháo đường nên lựa chọn những bộ môn thể thao nào cho phù hợp thưa bác sĩ?
- Không có bộ môn thể thao nào là tốt hay không tốt đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh cần xem xét về tình trạng bệnh của bản thân (bệnh nền, đường huyết, sức khỏe,...) xem xét cũng như trao đổi sở thích với bác sĩ để được tư vấn chọn môn thể thao và cách luyện tập phù hợp.
Tôi nghe nói cần kiểm tra chỉ số HbA1c thường xuyên, việc đến bệnh viện kiểm tra hiện nay khá là khó khăn. Tôi có thể kiểm tra tại nhà hay không thưa bác sĩ? Nếu như không kiểm tra thường xuyên thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
- HbA1c là chỉ số đánh giá tình trạng đường huyết trong suốt 3 tháng qua để cân nhắc phác đồ điều trị phù hợp trong tương lai. Đối mặt với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc đến bệnh viện thường xuyên cũng khá khó khăn cho người bệnh nên có thể giãn ra 6 tháng thay vì kiểm tra mỗi 3 tháng/ lần như trước kia. Việc gián đoạn kiểm tra thường xuyên ít nhiều gây ảnh hưởng đối với tình hình bệnh lý ở người bệnh; dẫu vậy, với sự tuân thủ phác đồ điều trị, ăn uống điều độ và duy trì nâng cao sức khỏe thể chất chắc chắn sẽ giúp người bệnh an toàn, ổn định.
Thưa bác sĩ, việc tiêm insulin có thể gây hạ đường huyết dẫn tới hôn mê đúng hay không? Mẹ của tôi vừa sợ tiêm, vừa lo ngại chuyện này xảy ra khi nghe một số người gặp phải tình trạng này. Xin bác sĩ chia sẻ rõ hơn vấn đề này để mẹ tôi cũng như nhiều người không chần chừ tiêm insulin theo phác đồ điều trị của bác sĩ?
- Hiện nay có rất nhiều loại insulin và mỗi loại sẽ có nguy cơ hạ đường huyết khác nhau. Có những loại insulin thế hệ mới thì nguy cơ hạ đường huyết sẽ giảm rõ rệt và hiệu quả đường huyết cũng tốt hơn so với loại insulin thế hệ cũ cùng loại. Trong điều trị, bác sĩ chỉ định tiêm insulin cho người bệnh nghĩa là đến lúc cần thiết phải sử dụng để kiểm soát đường huyết khi mà các loại thuốc không còn đủ tác dụng hoặc chống chỉ định. Việc này mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ, nên người bệnh cần tuân thủ tốt phác đồ điều trị của bác sĩ và chế độ ăn uống, thế dục thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết.
Tôi nghe nói người mắc đái tháo đường rất dễ suy sụp tinh thần, có thể dẫn đến trầm cảm. Vì sao lại như vậy? Xin nhờ bác sĩ chia sẻ thêm những lưu ý để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh?
- Có rất nhiều nguồn thông tin khiến người bệnh hoang mang ảnh hướng đến tâm lý lúc mới phát hiện bệnh hoặc những trường hợp tăng đường huyết gây ra mất ngủ, phiền muộn, đau mỏi, mờ mắt,...dẫn đến tinh thần bất ổn. Tuy nhiên, người bệnh cần hiểu rõ về đái tháo đường thực chất là một bệnh có thể kiểm soát được theo mục tiêu đường huyết của từng cá thể. Nếu được điều trị tích cực và kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh vẫn có thể có một cuộc sống khỏe mạnh như người bình thường. Đây là trách nhiệm của bác sĩ cần nói rõ cho bệnh nhân thực trạng bệnh lý theo một cách tích cực giúp người bệnh an tâm và chấp nhận sống chung với đái tháo đường để giảm đi lo lắng không cần thiết.
Tôi được khuyên nên mua que thử đường huyết để dùng tại nhà. Que thử nên được dùng trong trường hợp nào và dùng như thế nào để đạt hiệu quả thưa bác sĩ?
- Sử dụng máy đo đường huyết tại nhà cần dùng que thử phù hợp với từng loại máy. Bệnh nhân cần lưu ý đến cách bảo quản, cách sử dụng, hạn sử dụng, bởi khi hết thời hạn sử dụng, que thử sẽ không còn mang lại kết quả chính xác
Xin bác sĩ cho biết cách để nhận biết sớm biến chứng bàn chân ở bệnh đái tháo đường?
- Số bệnh nhân nằm viện vì biến chứng bàn chân ở đái tháo đường chiếm đến 90% trong tổng số bệnh nhân nhập viện ở các bệnh viện có chuyên khoa sâu về Nội tiết như BV Chợ Rẫy. Nhiễm trùng bàn chân rất nguy hiểm cho bệnh nhân đái tháo đường, có thể dẫn đến cắt cụt chi hoặc đe dọa tính mạng vì vết loét khó lành. Để tránh nguy cơ nhiễm trùng chân không đáng có, người bệnh cần phải biết cách chăm sóc bàn chân đúng cách, tránh các thói quen xấu ảnh hưởng đến bàn chân như: đi chân trần, ngâm nước nóng, tiêm, cắt bàn chân... nên kiểm tra và chăm sóc bàn chân mỗi ngày để phát hiện sớm những vấn đề ở bàn chân để điều trị ngay giai đoạn đầu. Bên cạnh đó người bệnh cần tuân thủ đúng chế độ điều trị để kiểm soát tốt đường huyết và báo ngay với bác sĩ điều trị khi phát hiện dấu hiệu bất thường ở bàn chân như sưng nóng, vết cắt, nốt chai...
Tôi được bác sĩ chỉ định dùng insulin để điều trị. Xin bác sĩ cho biết một số nguyên tắc để dùng thuốc đạt hiệu quả cao?
- Có rất nhiều điểm cần chú ý đối với bệnh nhân đái tháo đường để dùng insulin hiệu quả cao, đó là: sự tuân thủ của người bệnh, người bệnh hoặc người thân cần biết cách tiêm insulin đúng cách, bảo quản insulin, vị trí tiêm, giữ vệ sinh để tránh nguy cơ nhiễm trùng,... Ngoài ra còn rất nhiều những lưu ý khác, trong lúc tham vấn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị để được hướng dẫn một cách tận tình, phù hợp.