Kịch bản đáp trả quân sự của Mỹ nhằm vào Triều Tiên. Đồ họa: Next
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo có thể "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" để bảo vệ nước Mỹ và đồng minh. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định "có nhiều lựa chọn quân sự" để đối phó Triều Tiên mà không gây nguy hiểm cho đồng minh như Hàn Quốc.
Giới phân tích cho rằng có hàng loạt biện pháp quân sự để răn đe Triều Tiên, nhưng không lựa chọn nào hạn chế được rủi ro cho Hàn Quốc và Nhật Bản, theo National Interest.
Chuyên gia quân sự Uri Friedman nhận định giải pháp quân sự không đồng nghĩa với tấn công phủ đầu. Washington có thể triển khai khí tài quân sự hiện đại để răn đe, ngăn chặn Triều Tiên sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, giống cách họ từng áp dụng thời Chiến tranh Lạnh.
Mỹ có thể tăng cường Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Ngoài ra, giải pháp tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được xem xét trong trường hợp răn đe thất bại, ông Wallace Gregson, cựu trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời chính quyền Obama, nhận định.
Tuy nhiên, chính quyền Trump dường như không loại trừ phương án đánh phủ đầu Triều Tiên, tương tự cách cựu tổng thống Mỹ George W. Bush từng làm ở Iraq. Washington có thể sử dụng ba đòn phủ đầu nhằm vào Bình Nhưỡng.
Trên biển, Mỹ sẽ phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ chiến hạm mặt nước và tàu ngầm. Đây là phương án ít rủi ro nhất, không cần lực lượng Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Triều Tiên, giống bài bản tấn công Iraq và Afghanistan trước đây. Tuy nhiên, việc này sẽ dẫn tới hành động trả đũa ngay lập tức từ Triều Tiên.
Phương án hai là điều oanh tạc cơ và tiêm kích tàng hình không kích lãnh thổ Triều Tiên. Cách tiếp cận này dễ dẫn đến leo thang quân sự hơn lựa chọn đầu tiên. Bình Nhưỡng biết oanh tạc cơ Washington có thể mang vũ khí hạt nhân và sẽ tìm mọi cách đánh trả, buộc không quân Mỹ tìm kiếm và loại bỏ mạng lưới phòng không dày đặc của nước này.
Phương án ba là sử dụng vũ khí công nghệ cao. Theo đó, một oanh tạc cơ Mỹ sẽ thả bom xuyên phá hầm ngầm GBU-57A/B dẫn đường bằng vệ tinh để phá hủy các mục tiêu kiên cố như cơ sở hạt nhân ngầm của Triều Tiên. Không quân Mỹ đang sở hữu 20 quả GBU-57A/B, mỗi quả dài 6,2 m, đường kính 0,8 m và nặng 13,6 tấn, có thể được ném từ máy bay tàng hình B-2 hoặc oanh tạc cơ B-52.
Một số tài liệu của không quân Mỹ cho biết loại bom này có thể xuyên thủng hầm ngầm dày tới 60 mét, trước khi kích nổ đầu đạn 2,4 tấn nhằm hủy diệt mọi thứ bên trong.
Tùy vào khí tài và mục đích, chính quyền Trump có thể tấn công các mục tiêu như cơ sở sản xuất, lưu trữ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, căn cứ tàu ngầm, trận địa pháo binh gần khu phi quân sự, vô hiệu hóa khả năng đáp trả của Bình Nhưỡng.
Các mục tiêu này được phân tán khắp Triều Tiên, thường được che giấu dưới lòng đất và lòng biển. Tuy nhiên, đòn phủ đầu giới hạn của Mỹ sẽ không thể xóa sổ chương trình hạt nhân của Triều Tiên và họ có khả năng khôi phục năng lực này chỉ sau vài năm.
Giới phân tích cho rằng mọi cuộc tấn công quân sự vào Triều Tiên sẽ dẫn đến hành động đáp trả mang tính hủy diệt. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nơi có 25 triệu dân sinh sống, nằm gọn trong tầm pháo Triều Tiên. Các chuyên gia nhận định Mỹ hiện không có phương án quân sự nào đủ sức ngăn ngừa rủi ro cho Hàn Quốc.
"Khó có thể đưa ra phương án quân sự với Triều Tiên mà không gây thương vong lớn cho Hàn Quốc", Jerry Hendrix, giám đốc Chương trình Đánh giá và Chiến lược Quốc phòng ở Trung tâm An ninh Mỹ, cho biết. Washington sẽ khó khơi mào chiến tranh Triều Tiên mà không tham vấn trước với Seoul, bởi nước này sẽ phản đối việc sử dụng vũ lực.
Việc úp mở các phương án quân sự của chính quyền Trump nhiều khả năng chỉ là đòn gió. Mỹ sẽ chỉ tìm cách tăng cường khả năng răn đe khi đối đầu với một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar nhận định.
Duy Sơn