Chở quá số người
Ngày Tết, khi đi du xuân nhiều gia đình thường chở nhau trên xe máy, hình ảnh 3-4 người ngồi trên chiếc xe hai bánh không phải hiếm gặp trên đường. Nhiều trẻ em đã lớn tương đương một người trưởng thành nhưng các bố mẹ vẫn chở theo các em ngồi chật chội trên xe, gây khó khăn cho người điều khiển và nguy hiểm cho những người đi đường khác.
Nghị định 123/2021 quy định xử phạt người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy chở theo hai người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Thậm chí nếu gây tai nạn có thế lái xe phải chịu trách nhiệm hình sự.
Không đội mũ bảo hiểm
Nhiều người chủ quan cho rằng ngày xuân lực lượng chức năng sẽ nới lỏng việc xử phạt lỗi giao thông hoặc đơn giản nghĩ chạy từ đây sang kia một đoạn ngắn nên lười đội mũ bảo hiểm. Việc đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ chính bản thân, bạn sẽ không biết chuyện gì xảy ra trên đường dù chỉ là một đoạn đường ngắn và ngày xuân cũng không thể cứu bạn khỏi một tai nạn khi nhiều người cũng chủ quan.
Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400-600.000 đồng đối với các hành vi không đội mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ. Chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Vượt đèn đỏ
Ngày Tết đường thường sẽ vắng hơn, cũng có thể cả ngã tư chỉ có một chiếc xe máy đi qua. Nhiều người vì vậy cho rằng việc dừng chờ đèn tìn hiệu giao thông là việc không cần thiết trong tình huống này. Tuy nhiên, đường vắng lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khá cao khi ai cũng chủ quan, phóng nhanh không quan sát khi đi qua các đoạn giao cắt.
Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Sử dụng rượu, bia khi đi xe máy
Ngày xuân, đi chúc Tết thường kèm việc nâng ly chúc mừng năm mới. Với việc ngày Tết khó khăn gọi xe taxi hay xe dịch vụ, nhiều người "liều" uống xong vẫn lái xe ra đường. Một số người khác nghĩ đi xe máy để ôtô ở nhà có thể "qua mặt" được lực lượng chức năng. Tuy nhiên, năm nay các đơn vị chức năng tăng cường việc xử phạt thật nghiêm lỗi sử dụng rượu bia vẫn lái xe, không nhân nhượng với bất kỳ trường hợp nào.
Nghị định 123/2021 quy định người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Để khởi đầu cho một năm mới thuận lợi an toàn, việc đầu tiên chúng ta có thể làm được chính là bảo vệ bản thân và những người xung quanh bằng cách tuân thủ nghiêm túc luật giao thông đường bộ.
Nguyên Vũ