Đó thực sự là một trong những ký ức mạnh ảnh hưởng tới lựa chọn nghề nghiệp của tôi sau này. Mẹ tôi, giáo viên tiếng Anh cấp 3, đầu những năm 80 trước khi đất nước mở cửa đêm về vừa ngồi soạn bài, rồi lại cặm cụi bên chiếc máy khâu tăng thu nhập. Từ những trang giáo án được soạn bên bàn máy khâu ấy, rất nhiều anh chị đã đỗ đại học ngoại ngữ, xin học bổng du học, vào thời điểm vẫn còn hiếm bóng dáng những ông Tây, bà Tây nói tiếng Anh trên quê nhà.
Sau 40 năm đứng bục giảng, dù mẹ tôi nghỉ hưu đã lâu, gia đình tôi vẫn được đón những cô cậu học trò cũ giờ con bồng cháu bế tới hỏi thăm vào những ngày lễ. Thời mẹ tôi đi dạy, cả xã hội đều nhìn những thầy cô giáo theo nghĩa trân quý.
Nhưng tới ngày tôi đứng trên bục giảng, thì pha lẫn trong cảm giác được trân trọng ngày ấy bắt đầu xuất hiện những suy tư. Những ca từ trong bài hát "Bụi phấn" chỉ đủ an ủi những người thầy như chúng tôi trong dịp 20 tháng 11, nhưng niềm trăn trở với nghề thì luôn đeo bám nhiều đồng nghiệp của tôi và hiện hữu thường ngày.
Nhiều người cho rằng thế hệ người thầy vàng ở Việt Nam không còn nữa cùng những áp lực kinh tế thị trường. Chúng ta dường như chỉ bàn đến nghề giáo vào tháng 11. Trong khi đó, với sự xuất hiện của nhiều phương tiện như Internet và sự hỗ trợ của nhiều dịch vụ, vai trò của người thầy cũng vì thế giảm đi phần nào. Nhìn vào danh sách các ngành, nhóm ngành được thí sinh đăng ký dự tuyển vào đại học năm 2018, dễ dàng nhận thấy ngành sư phạm không còn được ưu tiên trong sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ.
Có thể đây là lựa chọn của các em. Nhưng cũng có thể là sự lo lắng của những bậc phụ huynh. Họ chưa tìm thấy chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp nếu tìm đến nghề sư phạm.
Trong nền văn hóa của chúng ta, sự "tri ân" được khuyến khích nhưng không thể làm nguôi đi những băn khoăn về vai trò và đãi ngộ của nghề giáo. Nhưng trong những nền văn hóa khác, nơi mà nghề giáo chỉ được coi như bao nghề, tôi bỗng thấy người ta lại biết ơn nhau nhiều hơn.
Năm 2015, ngày tôi chào thầy trước khi trở về nước, bất ngờ, Barry - giáo sư hướng dẫn của tôi - nhìn thẳng vào mắt cô học trò và nói rằng: "Cám ơn đã tới đây học và hoàn thành công việc này". Giáo sư chính là người trong suốt gần 4 năm, đối thoại với tôi cứ hai tuần một lần về những gì tôi đọc, trao đổi và hướng nghiên cứu. Mỗi một lần tôi nộp bài; hoàn thành một phần việc của mình; được đăng hay trình bày bài báo của tôi ở đâu thầy đều nói "cám ơn". Không chỉ là lời nói, giáo sư cũng tận tình hướng dẫn tôi trong công việc nghiên cứu với sự thật tâm hiếm có.
Vài năm ít ỏi học tập và nghiên cứu trong nền giáo dục phương Tây giúp tôi hiểu được những giá trị mà Barry theo đuổi khi chọn nghề giáo. Đó là đam mê nghiên cứu, theo đuổi công việc. Phải nói là Nghiệp thì đúng hơn. Nhưng trong cuộc khảo sát gần đây ở Anh, nhiều người cho rằng nghề giáo giống như nghề công tác xã hội và mức độ trân trọng trong xã hội vừa phải. Nhưng đến cuối, giảng viên đại học ở Anh thuộc nhóm nghề lương cao.
Tiền công không phải là thứ duy nhất khiến người ta cảm thấy được trân trọng. Môi trường và triết lý giáo dục cũng tạo ra sức sống cho nghề giáo. Bạn tôi, tiến sĩ Fiona Cownie tại Đại học Bournemouth thực hiện một nghiên cứu trên sinh viên tới từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Kết quả là lòng biết ơn đối với thầy cô và trường lớp, phụ thuộc vào sự hiểu biết hay trải nghiệm của sinh viên. Trải nghiệm ở trường học càng phong phú, sự kết nối với thầy cô và bạn bè càng nhiều thì lòng biết ơn đối với trường học và thầy cô càng lớn.
Tôi nhìn thấy ở đây nhiều quan điểm hiện đại về giáo dục, trong đó thành quả cuối cùng của đào tạo không chỉ là bằng cấp mà đơn giản là sự trưởng thành của người học.
Thực tế, chúng ta không có đủ ngân sách như Phần Lan hay Singapore để trả lương cho nghề giáo cao trong mặt bằng chung của xã hội, để có thể chọn những người giỏi nhất vào vị trí người thầy, nhà nghiên cứu. Chúng ta cũng chưa sống trong nếp văn hoá như các nước phát triển khác để coi nghề giáo như những nghề khác. Người làm nghề giáo như tôi chấp chới, không rõ ràng mình đang được "trân trọng" hay đang được xem nhẹ.
Chúng tôi cũng chỉ hy vọng bằng cách nào đó chạm được vào viễn cảnh như Martin Luther King nói: "Khi trường học phát triển, mọi thứ đều phát triển". Để thầy cô sẽ cám ơn nghề và người học trân trọng những trải nghiệm tích cực nhất từ trường lớp và thầy cô.
Nếu trường học thực sự phát triển, những lời cảm ơn với nghề giáo sẽ đến từ nhiều phía, không chỉ vì lễ lạt.
Phạm Hải Chung