Cá mập mang xếp
Cá mập mang xếp được ghi hình ngoài khơi Nhật Bản. Video: YouTube.
Cá mập là những động vật rất thành công về mặt tiến hóa. Chúng sinh sống trên các đại dương từ hàng trăm triệu năm trước. Cá mập mang xếp thường trú ngụ dưới đáy biển sâu nên con người hiếm khi nhìn thấy chúng. Hồi đầu tháng, các nhà khoa học bắt được một con cá mập mang xếp dài 1,5 mét và có 300 chiếc răng nhọn ở Bồ Đào Nha.
Những con cá mập mang xếp thời nay vẫn rất giống với hóa thạch của chúng từ 80 triệu năm trước. Chúng lưu giữ nhiều đặc điểm nguyên thủy như cơ thể giống lươn màu nâu sẫm với vây lưng, vây xương chậu và vây hậu môn ở cuối cơ thể.
Cá vây tay
Cá vây tay là linh vật của Bảo tàng Sinh vật huyền bí Quốc tế. Loài cá lớn và có màu sắc giống bầu trời đêm này từng được xếp vào nhóm sinh vật bí ẩn, chỉ xuất hiện qua lời kể của các nhân chứng mà khoa học chưa xác nhận, giống như quái vật hồ Loch Ness. Tuy nhiên, các chuyên gia sau đó đã phát hiện những con cá vây tay còn sống hoặc chỉ mới chết, chứng minh chúng thực sự đang tồn tại dưới các đại dương.
Các nhà khoa học tìm thấy một số hóa thạch của loài vật tương tự có niên đại cách đây 400 triệu năm, trong khi khủng long mới chỉ xuất hiện 230 triệu năm trước, nghĩa là cá vây tay tồn tại xuyên suốt thời kỳ khủng long và thời kỳ động vật có vú mà gần như không thay đổi.
Chuột chù răng khía
Các chuyên gia phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy chuột chù răng khía từng sống cùng thời kỳ với khủng long. Chúng có tên khoa học là solenodon, thuộc nhóm động vật có vú, thường ăn côn trùng và sống về đêm. Chúng cũng có thể sử dụng nọc độc để tấn công con mồi. Ngày nay, chuột chù răng khía sinh sống chủ yếu ở Haiti và Dominica.
Sam Mỹ
Sam Mỹ là một trong những sinh vật cổ xưa nhất Trái Đất còn tồn tại. Sam Mỹ xuất hiện từ khoảng 450 triệu năm trước, trong kỷ Ordovic, và tiến hóa thành hình dạng như ngày nay. Sam Mỹ sinh sống chủ yếu ở Vịnh Mexico và vùng bờ biển Đại Tây Dương ở Bắc Mỹ.
Thu Thảo