Những trận lụt cuối tháng 12/2016 ở khu vực núi đá Uluru (hay còn gọi là Ayers Rock), gần Alice Springs, Australia, khiến phần lớn khu vực ngập dưới nước, đồng thời hồi sinh loài tôm lá chắn Triops australiensis), theo International Business Times.
Tôm lá chắn là một trong những loài động vật có sức sống bền bỉ nhất còn tồn tại trên Trái Đất. Loài giáp xác được mệnh danh là "hóa thạch sống" này không thay đổi từ thời tiền sử. Chúng di chuyển xung quanh bằng cách nương theo những cơn gió thổi ngang qua vùng đất cằn cỗi và vùi mình dưới cát sa mạc. Trứng của chúng chịu được nhiệt độ biến động lớn và có thể tồn tại trên 10 năm không cần nước.
"Đó là những quả trứng có thể khô dần và chịu được mọi loại nhiệt độ cực hạn ở lục địa Australia, bao gồm nhiệt độ cao vào ban ngày và nhiệt độ thấp vào ban đêm", Michael Barritt, chuyên gia về tôm lá chắn, cho biết. "Gió thổi những quả trứng đi khắp mọi nơi. Sau đó khi mưa mùa hè cung cấp đủ nước, chúng nở ra và kiếm ăn dựa vào nguồn vi sinh vật và vi khuẩn trong nước. Chúng cố đẻ trứng xuống bề mặt đang khô cạn dần trước khi vùng nước biến mất hoàn toàn".
Khi mưa trút xuống, hàng triệu con tôm xuất hiện, ngay cả ở những vũng nước nhỏ trên đỉnh núi Uluru, ở độ cao hơn 850 m, theo Times. Loài giáp xác tiền sử trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho những con chim nhỏ, mồi săn của diều hâu và chim ưng.
"Tôm lá chắn thích nghi tốt với điều kiện sa mạc. Trứng của chúng nằm im trong nhiều năm cho đến khi có đủ mưa, thúc đẩy sự bùng nổ số lượng quần thể. Đây là khoảng thời gian tốt nhất để bắt gặp tôm lá chắn bởi mưa nặng hạt ở khu vực miền trung Australia đã giúp chúng hồi sinh", Cơ quan Công viên và Động vật hoang dã vùng Lãnh thổ phía Bắc, chia sẻ.
Tôm lá chắn có hình dáng giống như sinh vật ngoài hành tinh bởi chúng ra đời với con mắt thứ ba nằm trên hai con mắt còn lại. Chúng vẫn mang con mắt đơn này sau khi trưởng thành.
Phương Hoa