Mực khổng lồ sống ở mọi đại dương, có chiều dài ước tính từ 12 đến 14 m từ thân tới chóp xúc tu và nặng khoảng 270 kg, Heather Judkins, chuyên gia về động vật chân đầu ở Đại học Nam Florida tại St. Petersburg, cho biết. Có nhiều nhân chứng mô tả từng gặp mực khổng lồ dài tới 20 m, nhưng lời kể chưa được xác minh, theo Thủy cung Two Oceans ở Cape Town, Nam Phi.
Mực colossal sống ở Nam Cực nhưng có thể phân bố xa hơn về phương bắc như New Zealand, ước tính dài khoảng 9 - 10 m. Dù thua kém mực khổng lồ về tổng chiều dài, mực colossal lại hơn về cân nặng. Chúng có thể phát triển tới 450 kg, theo Judkins. Điều này biến mực colossal thành động vật không xương sống nặng nhất trên Trái Đất, theo tổ chức phi lợi nhuận Oceana.
Mực khổng lồ và mực colossal có đôi mắt lớn nhất trong số các loài động vật còn sống trên Trái Đất. Mắt của chúng rộng khoảng 27 cm, tương đương một quả bóng đá, theo nghiên cứu công bố năm 2012 trên tạp chí Current Biology.
Mỗi con mắt mực colossal trang bị một cơ quan phát sáng gọi là photophore. Mực colossal sử dụng photophore như đèn pha để nhìn trong bóng tối. Nhưng mực khổng lồ không có photophore. Mực colossal cũng có chiếc mỏ lớn nhất trong các loài mực, cấu tạo từ chất liệu tương tự móng tay người. Chúng sử dụng mỏ để chia thức ăn thành nhiều miếng vừa miệng trước khi ăn.
Cả hai loài mực đều ăn cá và những loài mực khác. Sau khi trưởng thành, kẻ thù thường xuyên duy nhất chúng phải đối đầu là cá nhà táng. Mực colossal có thể chiếm tới 77% thức ăn của cá nhà táng, theo Bảo tàng New Zealand.
Do đại dương quá rộng lớn và hai loài mực đều sống ở độ sâu lớn, chúng rất hiếm gặp. Phần lớn những gì các nhà khoa học biết về mực khổng lồ đến từ xác mực trôi nổi trên mặt biển, mắc cạn hoặc nằm trong bụng cá nhà táng, theo nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B. Mãi tới năm 2004, giới nghiên cứu mới chụp được ảnh mực khổng lồ trưởng thành trong môi trường tự nhiên. Mực colossal cũng tương tự. Trước năm 2003, chưa có ai từng trông thấy mực colossal nguyên vẹn.
An Khang (Theo Live Science)