Xác mực nặng 200 kg được phát hiện bởi Teo Lucas, nhà tự nhiên học kiêm nhiếp ảnh gia, và chuyển tới Viện Hải dương học Tây Ban Nha để nghiên cứu kỹ hơn, Newsweek hôm 19/10 đưa tin. "Phần lớn mẫu vật nghiên cứu hoặc trưng bày trong bảo tàng đến từ dạ dày của cá nhà táng dạt vào bờ biển nên ở trong tình trạng tồi tệ và thường không hoàn chỉnh", Jon Ablett, quản lý động vật thân mềm và động vật chân đầu ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại London, cho biết.
Mẫu vật mới gần như nguyên vẹn hoàn toàn. Ngay cả phần mắt khổng lồ, đôi mắt lớn nhất trong thế giới động vật, vẫn ở nguyên trong hốc mắt. Bộ phận duy nhất bị mất là phần đầu xúc tu, có thể bị cắn đứt bởi động vật giết chết con mực. Trong bài đăng hôm 14/10 trên mạng xã hội Facebook, Hiệp hội nghiên cứu bộ Cá voi ở quần đảo Canary (SECAC), cho biết con mực to lớn còn ít tuổi và mực trưởng thành có thể lớn hơn nhiều.
Theo Ablett, mực khổng lồ (Architeuthis dux) có thể dài tới 12 m. Một loài khác là mực colossal (Mesonychoteuthis hamiltoni) to hơn mực khổng lồ về cả khối lượng và chiều dài, dù chưa tìm thấy mẫu vật trưởng thành nguyên vẹn.
Dù có kích thước đồ sộ, mực khổng lồ rất ít gặp, khiến việc ước tính số lượng của chúng trở nên khó khăn. "Từ ước tính dựa trên phân tích thức ăn trong dạ dày cá nhà táng, loài chuyên săn mực khổng lồ trưởng thành, chúng tôi không nghĩ mực khổng lồ hiếm trong tự nhiên. Nghiên cứu của Clyde Rober và Elizabeth Shea ước tính có 131 triệu con mực khổng lồ bị cá nhà táng ăn mỗi năm", Ablett cho biết.
Mực khổng lồ sống ở mọi đại dương trên thế giới. Chúng xuất hiện phổ biến hơn ở vùng biển quanh New Zealand và Nhật Bản, Bắc Đại Tây Dương và Nam Phi. Dù bản tính ẩn dật của loài này, giới nghiên cứu biết khá ít về chúng. Do đó, phân tích mẫu vật nguyên vẹn mà Lucas tìm thấy có thể cung cấp thông tin quan trọng về đặc điểm sinh học của chúng.
An Khang (Theo Newsweek)