Năm 2003, Zuckerberg, sinh viên năm thứ hai Đại học Harvard, đã viết chương trình gọi là "Facemash". Dù bị trường của ông loại bỏ thời điểm đó, Facemash là tiền đề để ông và một số người bạn tạo nên The Facebook một năm sau đó với tên miền thefacebook.com.
Dù trải qua nhiều đợt kiện tụng, mạng xã hội của Zuckerberg vẫn phát triển và nhận khoản đầu tư đầu tiên từ tỷ phú Peter Thiel. Năm 2005, công ty bỏ tên cũ và thay bằng tên mới Facebook ngắn gọn hơn.
Sau đó, Facebook nhanh chóng mở rộng với trọng tâm là người dùng máy tính. Năm 2012, công ty tiến hành IPO. Đây cũng là giai đoạn tầm nhìn của người đứng đầu Facebook bắt đầu thay đổi kể từ khi thành lập mạng xã hội.
Năm đó, xu hướng di động đã khiến Zuckerberg không thể ngồi yên. Trong các cuộc họp, ông được cho là đã hối thúc các nhóm phát triển phải ưu tiên thiết bị di động. Theo WSJ, ông căng thẳng đến nỗi bất kỳ ai đề xuất các tính năng cho máy tính đều bị loại khỏi cuộc họp.
Cùng năm, ông quyết định mua lại Instagram. Thương vụ này không đơn thuần là thâu tóm đối thủ như những lần trước. Khi đó, Instagram là một trong những ứng dụng truyền thông xã hội đầu tiên trên thiết bị di động, cho phép người dùng tạo hiệu ứng cho ảnh với các bộ lọc để chia sẻ công khai hoặc với bạn bè.
Bước đi này của Zuckerberg đã được đền đáp sau đó. Instagram đã mang về rất nhiều dùng mới và doanh thu quảng cáo. Và hơn hết, nó giúp Facebook có thêm một sản phẩm dành cho những người trẻ tuổi.
Giữa năm 2016, Facebook có chiến lược tương tự khi chuyển sang ưu tiên các nội dung video. Khi đó, Zuckerberg dự đoán rằng trong vòng 5 năm tiếp theo, hầu hết những gì mọi người xem trực tuyến sẽ là video. Để thực hiện chiến lược này, công ty chi hàng tỷ USD mua nội dung, trả tiền cho người nổi tiếng và tạo một tab mới có tên Watch.
Facebook tiếp tục thay đổi hướng đi một lần nữa vào năm 2017 sau khi bị chỉ trích vì dung túng thông tin sai lệch và ngôn từ gây thù địch trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Zuckerberg sau đó thông báo rằng Facebook sẽ trở thành cơ sở hạ tầng xã hội mới, tập trung vào việc củng cố kết nối giữa người dùng thông qua các tính năng mới, bao gồm Groups.
Đến 2019, ông nói với truyền thông rằng Facebook Groups sẽ là trung tâm của mạng xã hội, là một phần trong mục tiêu quyền riêng tư rộng lớn hơn. Ông ví người dùng sẽ cảm thấy "Facebook giống như một phòng khách, thay vì một quảng trường công cộng" sau thay đổi này. Chiến lược mới diễn ra chỉ một năm sau bê bối Cambridge Analytica.
Hôm 25/10, Zuckerberg công bố tầm nhìn chiến lược mới cho tương lai của nền tảng. Theo ông, thay vì biến Facebook trở thành nơi phục vụ số lượng người dùng lớn nhất, giờ đây mạng xã hội sẽ tập trung nhiều hơn vào người trẻ, từ 18 đến 29 tuổi. "Chúng tôi đang định hướng lại để phục vụ nhóm người trẻ hơn - những ngôi sao Bắc Đẩu, thay vì tối ưu hóa cho người dùng lớn tuổi hơn", ông nói.
Đến 28/10, công ty Facebook được đổi tên thành Meta để quản lý tất cả các nền tảng hiện có, đồng thời sẽ đầu tư 10 tỷ USD để phát triển vũ trụ ảo mới gọi là metaverse.
"Ngày nay, chúng tôi được xem là một công ty truyền thông xã hội. Nhưng trong DNA của mình, Facebook là một công ty xây dựng công nghệ để kết nối mọi người và metaverse là giới hạn tiếp theo", Zuckerberg nói
Giới phân tích có phản ứng trái chiều về hướng đi mới của Facebook, nhưng tin rằng tương lai của công ty sẽ phụ thuộc vào hành động của Zuckerberg. Thực tế, sau khi tập trung vào các vấn đề mang tính chính trị trong năm qua, người đứng đầu Facebook giờ đây đang tập trung nguồn lực vào các sản phẩm mà theo ông là "hệ sinh thái" để người dùng sinh sống. "Mục tiêu mới sẽ hoàn tất tham vọng của Zuckerberg là bớt phụ thuộc vào Apple và Alphabet - hai gã khổng lồ đang thống trị nền tảng cho smartphone mà Facebook đang hoạt động trên đó", WSJ bình luận.
Facebook hiện có xung đột lớn với Apple, khi iOS bổ sung tính năng cho phép người dùng chọn tham gia hoặc từ chối chia sẻ dữ liệu với ứng dụng. Theo WSJ, với metaverse, Facebook có thể vượt qua Apple hoàn toàn.
Bảo Lâm