Truyền thông Anh tuần trước công bố nội dung các bức điện tín ngoại giao và báo cáo mật mà Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch gửi về London từ năm 2017. Trong các báo cáo này, Darroch đánh giá rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump "thiếu chắc chắn, bất tài" và sự nghiệp của ông "có thể kết thúc trong nhục nhã".
Sự cố rò rỉ thông tin mật này đã tạo nên bầu không khí ngoại giao căng thẳng giữa Mỹ và Anh, sau khi Trump chỉ trích Darroch "vô cùng ngu ngốc", đe dọa không giao thiệp với ông này và thậm chí công kích luôn cả Thủ tướng Anh Theresa May khi cho rằng bà May xử lý cuộc khủng hoảng Brexit "tệ hại, thảm họa" và tạo ra "một mớ hỗn độn".
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt sau đó đáp trả, cho rằng bình luận của Trump là "thiếu tôn trọng và sai lầm" đối với Thủ tướng May và nước Anh.
Các nhà quan sát cho rằng các đánh giá bị rò rỉ của Darroch có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực xây dựng quan hệ đồng minh Anh - Mỹ gắn kết hơn, nhưng đây không phải là điều bất thường trong hoạt động ngoại giao. Trên thực tế, nhiều nhà ngoại giao đã chỉ trích lãnh đạo nước sở tại trong các cuộc trò chuyện riêng tư. "Nhận xét của ông ấy hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhìn từ góc độ lịch sử", luật sư Anh Cal Calder Walton viết.
Trong nhiều trường hợp, việc đại sứ gửi những phê phán như vậy về nước là một khía cạnh quan trọng của công việc. Các đánh giá của đại sứ thường không được công khai khi họ còn đang làm việc ở nước sở tại. Nhiều năm sau, chúng mới được tiết lộ cho các học giả, thường là nhà sử học, thay vì các nhà báo.
Tuy nhiên, các điện tín ngoại giao mật đôi khi bị rò rỉ và chúng có thể gây ra những tình huống khó xử. Năm 2010, WikiLeaks công bố hàng chục nghìn bức điện ngoại giao của Mỹ, cho thấy những đánh giá của các quan chức nước này về một loạt lãnh đạo thế giới.
Một nhà ngoại giao Mỹ ở Moskva nói rằng tổng thống Nga lúc bấy giờ Dmitry Medvedev "giống Robin" còn Vladimir Putin, khi đó giữ chức thủ tướng Nga, "là Batman", ám chỉ ông Medvedev như phụ tá của ông Putin.
Một bức điện khác, được viết bởi Ronald McMullen, đại sứ Mỹ tại quốc gia Đông Phi Eritrea, mô tả Tổng thống Isaias Afewerki là "một nhà độc tài rối trí, tàn nhẫn và ngang ngạnh".
Ngay cả lãnh đạo các nước đồng minh với Mỹ cũng bị các đại sứ mỉa mai, khi họ mô tả Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy "dễ tự ái" và gọi ông là "hoàng đế không mặc quần áo". Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi bị đánh giá là "không thận trọng, tự phụ và làm việc không hiệu quả", còn thủ tướng Anh Gordon Brown được mô tả một lãnh đạo "rất tệ, đi từ thảm họa này đến thảm họa khác".
Vụ rò rỉ thông tin của WikiLeaks đã gây xôn xao trên toàn thế giới. Hầu hết các nước chủ nhà thường phản ứng mềm mỏng, nhưng một số quốc gia đã gửi công hàm để phản đối. Heather Hodges, đại sứ Mỹ tại Ecuador, bị trục xuất vì những chỉ trích bà viết trong điện tín.
Trump ngày 8/7 tuyên bố tuyệt giao với đại sứ Anh, chỉ trích Darroch là "kẻ kiêu căng ngu ngốc", "đại sứ lập dị". Chính trị gia Anh Nigel Farage cho rằng Darroch cần bị sa thải.
Trump có quyền trục xuất đại sứ Darroch sau vụ rò rỉ điện mật, nhưng ông nhiều khả năng không làm việc đó. Darroch, người đã ở Washington từ năm 2016, có thể sắp kết thúc nhiệm kỳ.
Ngoài ra, quan điểm của Darroch không phải là điều gì đó bất thường giữa các phái đoàn ngoại giao ở Washington. Khi đại sứ Pháp Gerard Araud tại Mỹ rời khỏi vị trí vào đầu năm nay, ông đã trả lời một số cuộc phỏng vấn, nói khá nhiều về chính quyền Mỹ và mô tả Trump "hay thay đổi, khó đoán và không theo quy chuẩn".
Cựu đại sứ Anh tại Mỹ Nicholas Henderson, người làm việc vào thời quan hệ song phương rất tốt đẹp, cũng nói trong một cuộc phỏng vấn vài năm sau khi ông rời ghế rằng: "Nếu tôi kể ra những gì Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thực sự nghĩ về Tổng thống Ronald Reagan, điều đó sẽ làm tổn hại quan hệ Mỹ - Anh".
Phương Vũ (Theo Washington Post)