Canxi giúp trẻ phát triển chiều cao, song đang được nhiều phụ huynh "thần thánh" quá mức. Nhiều quan niệm sai lầm về canxi được các chuyên gia chỉ ra tại hội thảo "Tầm vóc cơ thể và một số yếu tố tăng trưởng chiều cao", do Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức ngày 26/9.
Canxi chỉ có ở xương và răng
Các mẹ cho rằng, canxi vào cơ thể sẽ tự động tìm đường đến xương và răng. Song thực tế, ngoài 99% cấu tạo nên xương và răng, 1% canxi còn lại phân bổ trong máu và các mô mềm…
Nạp càng nhiều canxi, xương càng dài và chắc khoẻ
Không ít cha mẹ quan niệm, canxi vào cơ thể "không bổ ngang cũng bổ dọc", nên bổ sung vô tội vạ cho con. Xương dài và chắc khoẻ hơn nếu nhận đủ lượng canxi cần thiết. Bổ sung dư thừa sẽ gây ra các bệnh lý nguy hiểm như sỏi thận, vôi hoá thận, xơ vữa động mạch…
Nạp 1.000mg canxi thì cơ thể nhận đủ 1.000mg
Theo khuyến nghị, trẻ tuổi tiền học đường cần 650-700mg, trẻ học đường và vị thành niên cần khoảng 1000mg canxi mỗi ngày để phát triển khỏe mạnh. Nhiều người nghĩ, bổ sung đủ lượng canxi trên là có thể yên tâm về sức khoẻ. Canxi sẽ tự động phân bổ đồng đều và hợp lý vào xương cũng như các cơ quan khác.
Thực tế, khả năng hấp thu canxi của cơ thể tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Trẻ em có thể hấp thu đến 75% lượng canxi ăn vào. Tuổi thanh niên chỉ còn 20-40%. Người lớn càng hấp thu kém hơn, trung bình khoảng 25%.
Không thể tăng khả năng hấp thu canxi của trẻ
Khả năng hấp thu canxi của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa. Hầu hết mẹ bỉm sữa tin rằng, con sẽ cao lớn nếu may mắn có cơ địa hấp thu canxi tốt.
Có thể mẹ không biết, vitamin D chính là vi chất quyết định khả năng hấp thu canxi của cơ thể. Đó là lý do bác sĩ thường khuyên trẻ sơ sinh tắm nắng đến khi trưởng thành để bổ sung vitamin D mỗi ngày.
Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến nghị, có thể bổ sung vitamin K2 để tăng khả năng vận chuyển tối ưu canxi về xương. Vi chất này làm nhiệm vụ dẫn và khoá canxi vào xương, đảm bảo cho xương nhận đủ lượng canxi cần thiết.
An San