Khi mới 14 tuổi, Nodi ôm con đi tìm người chồng bài bạc ở làng Daulatdia, thuộc quận Rajbari, miền đông Bangladesh. Tại đây, cô gặp một tài xế đề nghị giúp đỡ, nhưng hắn ta hóa ra là một tay ma cô môi giới. Gã đưa Nodi tới nhà thổ, bán cô cho một tú bà ở Daulatdia, một trong những khu nhà thổ lớn nhất thế giới.
"Tôi bị lừa", Nodi kể. "Thế là tôi mắc kẹt ở đây".
Khi chồng và gia đình phát hiện Nodi đã bị lừa bán, họ từ chối cứu cô vì sợ bị xấu mặt. Chịu nhiều khổ nhục trong hơn 10 năm bị bán và bỏ rơi, Nodi, nay 25 tuổi, lại đối mặt nguy cơ mới là tình trạng đói ăn khi Bangladesh đang áp lệnh phong tỏa để ngăn Covid-19.
"Chúng tôi đang rất khó khăn vì Covid-19", Nodi nói. "Chúng tôi không có việc làm".
Cuối tháng 3, Bangladesh thi hành lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn Covid-19, đại dịch đã xuất hiện ở hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 5,7 triệu người nhiễm và gần 352.000 người chết. Bangladesh ghi nhận hơn 36.000 người nhiễm và hơn 520 người chết vì Covid-19.
Khi doanh nghiệp ngừng hoạt động và mạng lưới giao thông tê liệt vì lệnh phong tỏa, các nhà thổ cũng phải đóng cửa, không được phép tiếp khách. Từ năm 2000, mại dâm được hợp pháp hóa ở Bangladesh, nhưng nhiều người dân nước này vẫn coi đây là nghề "mạt hạng".
"Các nhà thổ ở đây đã bị phong tỏa", Morjina Begum, giám đốc tổ chức từ thiện Liên minh Phụ nữ Tự do, nói. "Các cơ sở này không được phép đón khách và người bán dâm không có thu nhập".
Begum từng làm nghề mại dâm. Cô cho biết chính phủ, cảnh sát và các tổ chức phi chính phủ địa phương đang có những hình thức cứu trợ khác nhau cho người hành nghề trong lĩnh vực này, nhưng một số phụ nữ làm việc trong nhà thổ cho hay khoản hỗ trợ ấy quá ít.
Gần 1.500 phụ nữ và trẻ em gái đang chen chúc trong khu nhà thổ Daulatdia rộng hơn 48.000 m2. Nơi đây giống khu ổ chuột với những con hẻm chật chội, cửa hàng nhỏ và cống nước thải lộ thiên.
Nhiều phụ nữ đã sinh con trong nhà thổ. Có khoảng 500 trẻ em ở đây, bao gồm 300 trẻ dưới 6 tuổi.
"Chúng tôi không nhận được bất kỳ mẩu thức ăn nào", Nodi nói. "Nếu cứ thế này, trẻ con sẽ chết đói. Chúng tôi cầu mong virus sớm biến mất".
Một số người gửi con về nhà hoặc các cơ sở từ thiện bên ngoài nhà thổ, vì họ không muốn đứa trẻ ở trong môi trường này. Nodi không liên lạc với con trai, nay đã 11 tuổi, đang được nhà nội nuôi dưỡng ở Dhaka.
"Cách này tốt hơn. Chúng tôi muốn con cái tránh xa chúng tôi để sống tốt hơn", Nodi nói.
Bình thường khu nhà thổ tiếp đón 3.000 khách mỗi ngày, đa phần là cánh lái xe tải hoặc lao động công nhật. Họ tới Daulatdia vì vị trí địa lý thuận tiện nằm ngay cạnh nhà ga và bến phà sông Padma, một nhánh của sông Hằng.
Chiều tối, gái bán dâm sẽ đứng quanh những con hẻm chật chội, nơi đàn ông đi qua để chọn lựa và mặc cả. "Ngày trước tôi có thể kiếm 60 USD một ngày. Có ngày thì 20 USD, có ngày không đồng nào", Nodi nói. "Giờ mọi việc phụ thuộc ý trời".
Gái bán dâm trong nhà thổ phải trả tiền thuê hàng ngày cho chủ chứa, những người đóng vai trò trung gian cho các chủ sở hữu khu đất này. Khi các cô gái mới đến đây qua tay ma cô, họ thường được bán với giá 200-300 USD và bị ép trả nợ cho chủ chứa.
Theo một nghiên cứu năm 2018 do tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Phát triển Con người và Môi trường (SEHD) tiến hành, khoảng 80% trong số 135 gái mại dâm ở đây cho biết họ bị lừa hoặc bị bọn buôn người bán vào nhà thổ.
"Điều kiện sống trong khu nhà thổ vô cùng tồi tệ", Philip Gain, giám đốc SEHD nói. "Không ai tới đây nếu không bị tra tấn hoặc bạo hành".
Gain cho hay Bangladesh tồn tại mạng lưới buôn người chuyên săn lùng phụ nữ đưa vào nhà thổ. Các cô gái thường bị thuyết phục bởi hứa hẹn tìm được công việc trả lương cao trong nhà máy, hoặc bị cưỡng ép đưa tới đây.
"Một khi bị bán vào đây, cô ấy sẽ mắc kẹt cả đời, rất khó thoát ra", Gain nói.
Hơn 200 thiếu nữ đã tới Daulatdia trong 5-6 năm qua vì bị ma cô lừa bán, Sipra Goswami, điều phối viên tổ chức từ thiện BLAST cho hay. BLAST chuyên hỗ trợ pháp lý và chỗ trú ẩn cho các cô gái bị lừa bán, hoặc giúp họ tái hòa nhập với gia đình. Đa số các thiếu nữ mà họ giải cứu đều trong độ tuổi 12-16, Goswami nói thêm.
"Họ bị xã hội kỳ thị và rất dễ tổn thương", Goswami nói. "Bây giờ, tình hình của họ rất xấu vì Covid-19. Hậu quả sẽ rất khủng khiếp".
Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan cho hay "luật nghiêm cấm buôn bán người, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Các cơ quan thực thi pháp luật của chúng tôi rất cảnh giác và sẽ hành động ngay lập tức trước bất kỳ loại tội phạm nào. Dù trong hoàn cảnh đại dịch như hiện nay, chúng tôi vẫn giữ cảnh giác tối đa".
Trong một chuyến giao hàng viện trợ tới khu nhà thổ hôm 14/5, hàng trăm phụ nữ chen lấn dưới mưa khi cố lấy mỗi người một túi gạo. Dù không có ca Covid-19 nào được ghi nhận ở Daulatdia và nhiều người cũng đeo khẩu trang, không ai thực hiện quy định giãn cách xã hội trong quá trình phân phối hàng viện trợ.
Chính quyền địa phương cũng thực hiện một chuyến viện trợ khác tới đây hôm 28/3 để hỗ trợ hơn 1.300 phụ nữ, phát cho mỗi người 10 kg gạo, nước rửa tay và những vật dụng khác, theo Rubayet Hayat, cán bộ quản lý quận Goalanda. Ông cho hay Thủ tướng Sheikh Hasina đã thu xếp để 200 phụ nữ nghèo nhất ở đây được nhận mỗi người 30 USD bằng hình thức chuyển khoản.
Cảnh sát trưởng địa phương Ashiqur Rahman phủ nhận khu nhà thổ có gái mại dâm vị thành niên. Rahman cho hay từ khi nhận vị trí mới hồi tháng 1, đã có ba vụ buôn người được báo cáo, ông đã thẩm vấn cả ba người để đảm bảo họ không bị cưỡng ép tới đây.
Cảnh sát địa phương, những người canh gác lối ra vào nhà thổ để ngăn khách hàng trong thời gian phong tỏa, cũng thực hiện nhiều đợt giao gạo trong vài tháng qua, Rahman cho biết.
"Đầu tiên chúng tôi cần giúp họ sống sót khỏi Covid-19 đã", ông nói thêm. "Sau đó, chúng tôi cố gắng giúp họ bằng thứ này thứ kia. Chúng tôi đã hỗ trợ họ tối đa, nhưng tôi nghĩ vẫn không đủ. Họ đang trong tình huống nguy cấp".
Nodi cho hay đồ cứu trợ đôi khi được phân phối không công bằng, nghĩa là một số người phải chịu đói.
"Bây giờ chúng tôi phải đối mặt rất nhiều vấn đề, bởi một số người được nhận cứu trợ, một số lại không", cô nói. "Nếu ai cũng nhận được, mọi người đều hạnh phúc".
Shurovi, 22 tuổi, sinh ra ở Daulatdia bởi mẹ cô là gái bán dâm ở đây. Cô được nuôi nấng trong một ngôi nhà an toàn ở khu lân cận do một tổ chức từ thiện điều hành, được học hành đầy đủ trước khi lấy chồng và chuyển tới sống ở Dhaka. Nhưng sau 4 năm, cô ly hôn vì chồng muốn lấy vợ khác.
Shurovi từng làm diễn viên bán thời gian cho đài truyền hình Bangladesh. Đó là "công việc trong mơ", cô nói. Nhưng khi mất việc, cô trở thành người không nhà, không tiền và đành quay lại Daulatdia, nơi cô tưởng mình đã trốn thoát.
Shurovi đặt mục tiêu ở đó trong hai năm tới khi đủ tiền mua đất. Nhưng mục tiêu trở nên xa vời sau khi cô mang thai con trai với khách hàng. Shurovi phải vay một khoản lớn để mổ cấp cứu khi sinh. Bây giờ, kế hoạch rời khỏi nhà thổ ngày càng mờ mịt khi Shurovi phải dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để sống sót qua ngày.
"Tôi đang đối mặt với khủng hoảng tài chính đe dọa tới sự sống còn của hai mẹ con", Shurovi nói. "Nếu không kiếm được tiền, tôi không thể nuôi con, nuôi bản thân và gia đình".
Shurovi không còn đủ tiền mua tã và sữa, mỗi hộp giá hơn 7 USD.
"Khoản hỗ trợ mà chính phủ cung cấp không đủ", cô bày tỏ. "Họ không hỗ trợ gì cho trẻ em hoặc tiền mặt".
Con trai của Shurovi hiện 10 tháng tuổi. Cậu bé dành phần lớn thời gian sống cùng mẹ trong một căn phòng khác trong khu nhà thổ.
"Những đứa trẻ sinh ra ở đây không có quyền lựa chọn, nhưng chúng xứng đáng có cơ hội để sống một cuộc đời bình thường", Shurovi nói. Nhưng chìa khóa để thoát ra ngoài và sống bình thường là cơ hội và sự hỗ trợ.
"Có thể chúng tôi sẽ chết sớm", Shurovi nói. "Nếu chính phủ không có giải pháp khác, chúng tôi sẽ sớm xong đời".
Hồng Hạnh (Theo CNN)