Xác định kiểu, vị trí đau cũng như các triệu chứng đi kèm có thể giúp nhận biết bệnh lý liên quan.
Đau lưng lan dọc xuống chân
Đốt sống là những xương lẻ xếp chồng lên nhau tạo nên ống sống. Đĩa đệm là vùng mô có tác dụng đệm khoảng không giữa các đốt sống. Chấn thương đĩa đệm là nguyên nhân khá phổ biến gây đau lưng. Đôi khi các đĩa đệm này có thể phồng lên, thoát vị hoặc vỡ. Thoát vị đĩa đệm có thể gây đau đớn rất nhiều. Đĩa đệm phồng lên chèn ép vào dây thần kinh chạy từ lưng đến hông, mông và xuống chân.
Đau giữa lưng trên
Các vấn đề về phổi như viêm phổi, viêm màng phổi, thuyên tắc phổi hoặc ung thư phổi có thể gây đau giữa lưng trên, nhất là ở xung quanh hoặc dưới xương bả vai. Các triệu chứng về hô hấp như tức ngực, thở khò khè, ho ra máu, khó thở và ho mạn tính thường đi kèm với loại đau này.
Đau lưng khi ho
Đau lưng nhiều hơn khi ho, hắt hơi hoặc hít thở sâu có thể liên quan đến tình trạng viêm, nhiễm trùng thận hoặc phổi. Phổi to ra và viêm hoặc viêm màng ngoài phổi có thể gây đau nhói ở lưng. Ngoài ra, nhiễm trùng thận cũng là nguyên nhân khiến đau lưng nghiêm trọng hơn khi vận động hoặc ho. Người bệnh có thể có kèm sốt, khó thở hoặc các triệu chứng ở hệ tiết niệu cần được đi khám sớm.
Đau lưng dưới
Cơn đau lưng dưới ở bệnh thận thường gặp nhất là đau ở một bên hông hoặc cả hai bên cột sống, ngang mức xương sườn. Nguyên nhân cơ bản có thể là do nhiễm trùng hoặc sỏi thận. Chứng đau lưng dưới do cơ xương, cơn đau liên quan đến thận thường không giảm khi nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế, thậm chí còn dữ dội, lan xuống bẹn hoặc bụng dưới. Bệnh thận còn có các triệu chứng như tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp, nóng rát khi đi tiểu, tiểu ra máu, sốt.
Đau lưng trên bên phải
Gan nằm ở phần trên bên phải của bụng, do đó trong một số trường hợp, đau lưng ở vị trí này, đặc biệt gần xương bả vai phải có thể do bệnh gan. Điều này có thể bắt nguồn từ tình trạng viêm hoặc phì đại do viêm gan, áp xe gan, gan nhiễm mỡ, khối u gan. Mệt mỏi, vàng da (mắt và da chuyển sang màu vàng), buồn nôn, bụng trên to ra cũng là những triệu chứng bệnh gan kèm theo.
Điều trị đau lưng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra và mức độ nghiêm trọng. Đau cấp tính có thể khắc phục bằng các biện pháp đơn giản như nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc lạnh và kéo giãn nhẹ nhàng. Người bị đau lưng mạn tính thường cần bác sĩ chỉ định phương pháp phù hợp.
Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau, duy trì tư thế tốt, tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên và tăng cường sức mạnh cốt lõi để hỗ trợ cột sống. Nếu những biện pháp này không cải thiện, vật lý trị liệu, tiêm hay phẫu thuật có thể được bác sĩ chỉ định cho người bệnh.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Times of India)