Hạ tầng giao thông của nước mình dạo này khác xưa nhiều rồi, rất nhiều đường cao tốc khang trang hiện đại và thuận tiện được đưa vào khai thác sử dụng; vèo phát là về đến quê nhà, vèo phát là từ quê đã có mặt ở thủ đô. Tuy nhiên, tham gia giao thông đường bộ nói chung và trên đường cao tốc nói riêng vẫn còn nhiều nỗi lo, nỗi sợ.
Những bác tài sử dụng rượu, bia, phê ma tuý - nghe đã thấy khiếp đảm. Những bác cơ thể mệt mỏi, thiếu ngủ, buồn ngủ chạy cố. Nguy hiểm quá! Những bác cậy xe nhiều tỉ, công nghệ cao, trang bị an toàn đầy đủ, chủ quan...
Các bác xe buýt liên tỉnh chạy đua với nhau và đua với thời gian để quay vòng chuyến hoặc tranh khách dọc đường. Các bác này vượt xe khác với tốc độ cao, bằng cách đan làn kiểu tết tóc đuôi sam thì thôi rồi. Cùng với đó là các bác xe tải cỡ lớn chuyên tuyến rất có duyên chạy vào làn dừng khẩn cấp cho thoáng, để thẳng tiến. Các bác xe con nào trót dại vào đây tranh chấp, dễ nhận cái kết đắng, nhẹ là dồn toa, nặng thì người yếu tim không dám nhìn. Vì thế dân gian gán cho cái tên xe khách "hung thần", xe tải "hổ vồ". Khi tai nạn thảm khốc, các bác rất chuyên nghiệp trong việc đổ lỗi do xe mất phanh, mất lái này nọ.
Trên đường cao tốc các bác chạy rất chậm và các bác chạy rất vội gặp nhau là y rằng mặt trăng với mặt trời. Các bác đi theo kiểu "gà mái ngáng cửa chuồng" (chạy chậm hơn tốc độ tối thiểu - sai mười mươi) cứ làn bên trái mà ôm với tâm niệm "ai vội cứ vội, tôi chưa vội", chạy chậm hơn quy định đã có các anh công an đứng ở trên đón lõng, không phải việc của các ông!
Còn các bác chạy vội thì quá đông đảo thành phần từ xe gia đình, xe thương mại, taxi, xe công,... với muôn vàn lý do "chính đáng", nào là có công chuyện, nào là đưa con đi học, chở khách ra sân bay gấp, chở lãnh đạo kịp giờ đi họp, nào là về đón vợ đi đẻ... Triết lý không được sắc của nhóm này là, chạy nhanh hơn quy định đã có các anh công an đứng ở trên đón lõng, không phải việc của các ông!
Cản đường (dù đã đi tốc độ tối đa cho phép) là tôi đem luật của đường quốc lộ và đường đô thị lên phân xử ở đường cao tốc, thậm chí dựa vào video của bên Tây để xử! Các bác nói thế thì thua các bác rồi. Được thể các bác đè ga, trong vòng nốt nhạc xe xé gió bay với tốc độ mũi tên hòn đạn, may mắn không trúng ai. Và một ngàn lẻ một lần các bác chạy như ăn cướp như thế không đâm trúng ai mới lạ, nên các bác càng tự tin vào tay lái thần thánh của các bác, chứ các bác không chịu gò bó theo luật!
Các bác am hiểu về luật và am hiểu về xã hội cho rằng nếu tất cả các phương tiện chỉ cần đi đúng luật, học luật chứ chửa cần học Tây, đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn là không bao giờ xảy ra tai nạn. Khi lưu lượng phương tiện tăng lên, đường xá tốt hơn, những tuyến đường vành đai, những công trình hạ tầng trong nội đô tốt hơn làm cho các phương tiện trên cao tốc lưu/ thoát nhanh hơn thì thích dành làn bên trái ưu tiên cho vượt như đã dành cho buýt nhanh BRT, như Tây, thậm chí không giới hạn tốc độ, chiều luôn! Nhưng bây giờ cứ từ từ... khắc nhừ.
Có bác xe chẳng hỏng, nhưng tâm hồn lãng mạn, xiêu lòng trước cảnh đẹp, dừng xe ở làn khẩn cấp và cũng chẳng cần cảnh báo bằng đèn, các bác cho cả gia đình dàn hàng ngang uốn éo làm vài pô ảnh làm kỷ niệm. Đám cưới, cô dâu chú rể cùng đại gia đình hai họ, bạn bè, bà con làng nước, khối phố gần xa cũng vậy, đã lên cao tốc là phải xếp hàng ra giữa đường, máy ảnh phải nháy rền liên tục. Xa xa có những bác lấp ló sau bụi cây hay sau cánh cửa ôtô đang khoan thai giải quyết nỗi buồn và chắc lẩm bẩm đường cao tốc toàn ngàn tỷ mà không có nổi mấy cái nhà vệ sinh.
Có bác mải "buôn", mải nghĩ hoặc chưa thuộc đường, khi qua lối ra đến vài trăm mét thì bỗng dưng nhớ ra mình đi quá, nhầm đường, thế là các bác đầu nghĩ, chân nhấp phanh tay cài số lùi. Mình thích thì mình lùi thôi! Lùi trong đêm, trời mưa nữa chứ. Thực tế, nhiều bác đã thôi xong!
Nhiều bác có thói quen bám sát xe phía trước, khi gặp tình huống thì bất ngờ "lắc làn" không thèm xi-nhan và ngay sau đó VOV giao thông báo tin vừa có vụ đâm va liên hoàn trên cao tốc nọ. Rồi nhiều bác có thói quen thích làm "phóng viên chiến trường", gặp tai nạn là dừng xe giữa đường, "tắc đường kệ bay", chụp ảnh, quay phim trực tiếp up mạng xã hội ngay cho nóng.
Hãn hữu có bác chở gấu đi cùng từ thành phố ra ngoại ô, đường cao tốc hai bên bát ngát thơm thơm mùi lúa chín. Sẵn cửa sổ trời toàn cảnh panorama, bấm nút phát, gấu thò cả nửa người ra ngoài dang tay như thể ôm cả đất ôm cả trời cao, mặt ngửa, mắt lim dim, mũi hít hít mùi hương đồng gió nội, căng cả cái lồng ngực. Trông xa như Titanic trên cạn. Đẹp và lãng mạn thật, nhưng cũng phải cẩn thận đang đi tốc độ cao phanh gấp.
Nhiều bác tài tỏ ra "hổ báo" giương pha, còi to thúc giục, mặc dù những ngày giáp Tết vừa qua trên nhiều cao tốc quá tải và tắc nghẽn, phía trước người và xe như nêm, đường đâu mà đi! Cá biệt có bác còn lắp thêm cả đèn LED nhấp nháy xanh đỏ sau kính lái giống như xe của FBI. Thấy dân nép vào, chắc hẳn các bác thích lắm, nên càng tin dùng. Thế mà không thấy các anh công an đón lõng để xử phạt hành vi này.
Đường cao tốc là dành riêng cho ôtô chạy với tốc độ cao hơn đường thường, cấm xe thô sơ, xe máy, xe chuyên dùng có tốc cho phép đến 70 km/h đi vào, nhưng các bác xe ôm vẫn cần mẫn như con thoi đưa người lên bắt xe buýt và đón người từ xe buýt về. Nhiều màn giằng co lôi kéo, tranh khách gây mất trật tự và an toàn giao thông diễn ra thường xuyên. Có hẳn một đề xuất tịch thu xe máy đi trên đường cao tốc, nhưng đề xuất quyết liệt, mạnh tay này không được thông qua. Xem ra luật của ta vẫn còn chữ "tình" lắm.
Nhiều bác tính tình cẩn thận, chăm xe như con, thấy lốp mòn mòn đem ra tham chiếu với sổ tay hướng dẫn... Không được rồi thay ngay kẻo ân hận. Nhưng cơ mà tiếc mấy cái lốp cũ, những mấy trăm ngàn một chiếc, bác bán lại cho chủ gara. Mấy bác taxi và xe kinh doanh săn ngay, đem về lắp, dùng cố... Ngày đẹp giời các bác này phi trên quốc lộ đường dài, chạy trên cao tốc với cái nóng mặt đường mùa hạ, không biết khi ma sát nhiệt độ của những chiếc lốp bị thải ra này là bao nhiêu và khi nào nó nổ. Không may nổ trên cao tốc, với người khác là tai bay vạ gió, hậu quả nghiêm trọng tới mức nào? Tiền ít hay nhiều đều đáng quý nhưng với những chiếc lốp bị thải ra đề nghị các bác bằng cách nào đó xử lý để chống tái sử dụng.
Có những bác đam mê xe môtô phân khối lớn, hàng ngày chạy trong phố bị hạn chế tốc độ, đường xá lại quá đông nên không đi được hết công suất máy, chỉ được chạy 40 km/h thì bí bách như người ngạt mũi. Cuối tuần các bác mới tụ hội, và đương nhiên chỉ có đường cao tốc mới thoả mãn phần nào thú đam mê tốc độ của các bác. Ôtô, phải là ôtô công suất lớn, hiệu năng cao và tay lái trải nghiệm lắm mới dám đi tầm trên 230 km/h, nhưng với môtô phân khối lớn, lợi thế về thiết kế khí động học, động cơ khủng, các bác chưa hết ga đã có thể vút tới 300 km/h. Hôm nào các bác hứng chí tổ chức đua và chạy theo cổ vũ cho đội đua thì... Bất hạnh!
Những đoàn xe tang lễ của đám hiếu phi trên cao tốc cũng rất nhanh. Truyền thống, tục lệ thì không ai dám trách, nhưng cứ vứt tiền âm phủ để người đã khuất từ cõi âm có tiền tàu xe và nhớ lối về nhà thì nguy cơ tai nạn rất cao cho những xe khác. Gió bay những xấp tiền vàng mã này dán chặt vào kính lái xe khác phía sau hoặc làn bên cạnh, làm lái xe bị bất ngờ hạn chế tầm nhìn, giật mình phanh gấp..., trên cao tốc là rất dở, gặp hôm trời lâm thâm mưa, đường trơn trượt, phanh gấp là thảm hoạ!
Trẻ trâu. Đích thị là trẻ trâu và những người rảnh rỗi mới đứng trên bờ đê, trên cầu vượt ném gạch đá vào xe ôtô đang lưu thông, lấy đó làm thú vui. Dùng gạch đá với kỹ thuật của vận động viên ném tạ hay bộ đội ném lựu đạn để ném vào kính lái ôtô đang lưu thông tốc độ cao thì đúng thật, cạn lời! Cả những người sống bằng nghề đinh tặc nữa chứ. Công an vào cuộc, báo chí lên tiếng, người dân bức xúc đến khô cả nhời, nhưng xem ra cuộc chiến với đinh tặc vẫn còn nan giải.
Trên đây là những tình huống vừa sợ vừa "hỉ" rơi cả hàm của nhiều người khi tham gia giao thông trên đường cao tốc nói riêng, còn các bác thì sao? Có hỉ nộ ái ố?
Độc giả Nguyễn Phúc Tâm