Đầu năm nay, tôi có chuyến du lịch lần đầu đến Pháp. Máy bay hạ cánh xuống thủ đô đã là tối muộn, điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một tấm biển rất to, "Paris vous aime" (Paris yêu bạn).
Trong cả sân bay Charles de Gaulle rộng lớn, có thể thấy vô số biển hiệu đón chào như vậy, điều này cũng thường gặp ở các sân bay tại nhiều quốc gia, với hai nội dung phổ biến là "Welcome to ABC" và "Welcome home" (Chào mừng bạn đến với thành phố ABC/ Chào mừng bạn về nhà).
Cả chuyến bay chỉ có hai chúng tôi là người Việt. Khi chúng tôi đến lượt làm thủ tục nhập cảnh, anh nhân viên hải quan Pháp - một thanh niên rất trẻ, tóc vàng mắt xanh, nở nụ cười thân thiện, liếc qua cuốn hộ chiếu rồi nói: "Xin chào, bạn có khỏe không?".
Chúng tôi ngỡ ngàng mất một lúc rồi mới dám khẳng định là mình không nghe lầm - nhân viên người Pháp này vừa chào chúng tôi bằng tiếng Việt, chính xác là tiếng Việt.
Sau đó anh không hỏi thêm câu gì, cũng không đòi thêm giấy tờ gì, nhanh chóng đóng dấu nhập cảnh để chúng tôi ra khỏi sân bay. Bao nhiêu mệt mỏi của chuyến bay dài đều như tan biến, chỉ một câu chào tiếng Việt trên đất Pháp đã đủ khiến chúng tôi hạnh phúc trong cảm giác được quan tâm, được chào đón.
Cảm giác này chúng tôi từng trải qua khi đến Osaka, Nhật Bản. Đón chúng tôi khi ấy là một chị nhân viên hải quan ngoài 40 tuổi. Chị cũng xem hộ chiếu rất nhanh, đóng dấu, trả lại cho tôi bằng cả hai tay, chỉ rõ và giải thích thông tin trên con dấu vừa đóng.
Rồi chị đứng hẳn dậy, cúi người chào tôi theo đúng phong cách Nhật, rồi lại ngồi xuống làm việc tiếp. Khi ấy tôi vô cùng ngỡ ngàng và có cả bối rối, vì lần đầu tiên nhập cảnh một quốc gia khác mà được chào hỏi lễ phép như thế.
Thế rồi khi vào sâu trong sân bay, chúng tôi tìm đến quầy thông tin để hỏi đường và xin bản đồ - ở mọi quốc gia chúng tôi đều làm "thủ tục" này trước tiên.
Tại quầy thông tin, anh nhân viên cũng cúi gập người chào chúng tôi, nhanh chóng hỏi chúng tôi cần gì, rồi không chỉ đưa bản đồ, anh còn đưa cho chúng tôi một loạt sách và tờ rơi hướng dẫn du lịch, ba gói giấy ăn và hai tuýp sữa rửa mặt nhỏ chuyên dành cho du khách, tất cả miễn phí.
Hồi sang Hàn Quốc, chúng tôi càng ngả mũ sâu hơn vì trình độ marketing "thượng thừa" của du lịch nước này. Ngay khi đến Seoul, ở quầy thông tin của nhà ga trung tâm, chúng tôi đang cố gắng tìm lấy ít tài liệu du lịch tiếng Anh vì một nửa chữ tiếng Hàn cũng không biết, thì đột nhiên bạn đồng hành của tôi nhìn thấy tiếng Việt.
Vâng, chính là tiếng Việt, một quyển sách hướng dẫn du lịch kiêm bản đồ dày cộp bằng tiếng Việt hẳn hoi, nằm kề bên các phiên bản khác của nó bằng rất nhiều ngôn ngữ khác - tất cả được phát hoàn toàn miễn phí.
Như vậy, du khách đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau có thể tự tin đi du lịch tự túc ở Hàn Quốc vì đã có đầy đủ thông tin bằng tiếng mẹ đẻ trong một cuốn sách cầm tay.
Chưa hết, khi chúng tôi lên tàu điện ngầm ở Seoul, nỗi lo rằng không biết phải đến bến nào, xuống tàu ở đâu đã nhanh chóng tan biến, vì trên tàu có bảng điện tử hiển thị tất cả thông tin cần thiết bằng bốn ngôn ngữ chứ không chỉ mỗi tiếng Hàn, kèm cả loa thuyết minh khi đến trạm.
Chuyện phục vụ đa ngôn ngữ ở Hàn Quốc phổ biến đến mức, một số cửa hàng thậm chí còn lắp biển điện tử ở ngoài cửa, trên đó ghi rõ "Hôm nay có phục vụ bằng tiếng Anh, Nhật, Trung, Thái, Việt...", nghĩa là họ còn thuê cả nhân viên thạo các ngôn ngữ đó để tiếp đón riêng những khách không biết tiếng Hàn.
Điều này dễ dàng chinh phục du khách bởi cảm giác được chào đón, được tiếp đãi nhiệt tình, nhờ đó cũng dễ thuyết phục du khách chi thêm tiền trong suốt chuyến đi và muốn quay lại lần nữa.
Ở một số quốc gia khác, chúng tôi lại học được những "bí quyết" khác của họ để thu hút và giữ chân du khách.
Khi chúng tôi đến cố đô Bagan (Myanmar) đang là nửa đêm, trên lối vào khu vực khảo cổ nổi tiếng thế giới này có một quầy bán vé, tất cả du khách chỉ phải trả khoảng 15 USD một người cho ba ngày đi lại thoải mái ở đây.
Bagan rất rộng lớn và kỳ vĩ, ít có du khách nào chỉ ở một ngày, do đó vé ba ngày là khá hợp lý và giảm bớt phiền toái cho du khách, khỏi phải mua vé mỗi lần ra vào, và giờ đây họ phát hành cả vé điện tử nên giảm được rất nhiều thứ giấy tờ.
Một điều tuyệt vời mà chúng tôi phát hiện ra trong suốt mấy ngày ở Bagan, là nơi đây không hề có taxi hoặc xe máy chạy xăng. Thành phố cổ êm đềm rất an tĩnh, trong lành, dễ chịu, bởi không có tiếng động cơ hay khói bụi.
Du khách có thể đi bộ, nhưng phần lớn là thuê xe đạp và xe điện, với giá tương đương chỉ vài chục ngàn đồng một ngày. Vì thế những ngày ở Bagan, ai cũng cảm thấy yên bình, thoải mái, như thể lạc vào một chiều không gian khác, "trốn" khỏi nhịp sống hối hả đầy áp lực ngày thường - đó là lý do du khách bốn phương luôn muốn ở lại thật lâu tại Bagan và sẵn lòng quay lại nhiều lần nữa.
Hẳn là thành phố biết rõ nhu cầu của du khách, ở bất kỳ đâu, cứ cách khoảng 200m, là bạn sẽ gặp một chiếc chum sành đựng nước. Chúng được đặt dưới bóng cây, trên một cái kệ cao ráo sạch sẽ, có 2-3 cái cốc nhôm được móc cố định vào kệ. Thành phố vắng vẻ, xung quanh rất ít bóng người, nhưng lạ làm sao là chum nào cũng đầy nước, mát rượi, trong vắt, đợi du khách đến giải khát.
Lần đầu đi Thái Lan, tôi đã bất ngờ khi tại sân bay họ kê hẳn một dãy bàn rất dài, trưng bày một số loại hoa quả đặc trưng của nước này cho du khách nếm thử thoải mái. Một số cô gái rất xinh đẹp trong trang phục truyền thống Thái Lan đón chúng tôi, cúi chào thân thiện và cài cho mỗi người một đóa phong lan tím - loài hoa phổ biến của đất nước.
Tại sân bay có bản đồ và sách du lịch miễn phí bằng nhiều ngôn ngữ, có vô số các quầy dịch vụ như tour ngắn ngày, tour dài ngày, show biểu diễn nghệ thuật, đổi tiền, quán cà phê và nhà hàng...
Một điểm chung ở các "cường quốc du lịch" mà chúng tôi từng đi, đó là người dân rất thân thiện với du khách, làm dịch vụ thì chuyên nghiệp, nhiệt tình, đúng mực. Hầu như chúng tôi chưa từng gặp phải trường hợp lừa đảo, chặt chém, cướp giật nào; ngược lại, chúng tôi được hưởng rất nhiều dịch vụ miễn phí, mà cơ bản nhất là nhà vệ sinh và nước uống. Điều đó tạo được ấn tượng tốt và thiện cảm lớn cho du khách.
Mỗi lần đi du lịch nước ngoài trở về Hà Nội, nỗi nhớ nhà và cảm giác thân thuộc lại trào lên trong lòng tôi. Nhưng sự xúc động thường bị chìm xuống khi làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Đa số thời gian, tôi chỉ thấy một sân bay Nội Bài trống huơ trống hoác. Khách đến nhà ga T2 (quốc tế) rất ít, hàng quán hầu như không có, bao nhiêu năm tôi kiếm tìm nhưng không hề thấy một quầy thông tin nào cung cấp bản đồ, sách hướng dẫn du lịch, bán tour hay cung cấp những dịch vụ khác. Cho mãi đến tháng 6, lần đầu tiên trong đời tôi mới nhìn thấy một tấm biển"Welcome" ở Nội Bài, kèm theo một cây hoa đào giả nho nhỏ.
Phương tiện công cộng vào nội thành Hà Nội chỉ có mỗi xe buýt, mà chỉ những người quen đi xe buýt mới có thể tìm thấy điểm dừng đỗ. Trên xe không có bảng điện tử, không có thuyết minh bằng ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Việt. Du khách không thể mua được thẻ đi lại hoặc tham quan theo ngày - hình thức đã phổ biến từ rất lâu ở các quốc gia khác. Cũng rất ít nơi bán vé điện tử, đa số dùng vé giấy dù chúng ta đã có hẳn Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Chưa kể đến các dịch vụ "cao cấp" hơn, thì nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ hoặc nước uống miễn phí cũng có thể tính là những trải nghiệm "xa xỉ" đối với du khách.
Thái độ làm du lịch của người Việt Nam, ngay đối với khách trong nước thôi cũng đã còn nhiều điều phải bàn, chứ đừng nói là với khách quốc tế, khách đa văn hóa, đa ngôn ngữ.
Thỉnh thoảng chúng tôi có chia sẻ những điều tai nghe mắt thấy ở nước ngoài với bạn bè, đồng nghiệp, câu bình luận phổ biến mà tôi nhận được là "đừng có mà so nước ta với nước khác", rằng "nước ta còn nghèo", rằng "họ đi trước ta bao năm rồi"...
Đúng, thế giới đã đi trước Việt Nam nhiều năm, nhất là trong lĩnh vực du lịch, và đó là một lợi thế lớn vì chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi nước họ, từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Mọi giải pháp vĩ mô đối với ngành công nghiệp không khói này đều sẽ khó đạt được hiệu quả như ý, nếu như ở cấp vi mô, mỗi du khách không cảm thấy được trân trọng, được chào đón khi đến Việt Nam.
Trịnh Hằng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.