Tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam đầu tuần, nhiều ý kiến được đưa ra, hướng đến mục tiêu du lịch phát triển bứt phá, bền vững. Dưới đây là một số kiến nghị tiêu biểu:
Slogan du lịch phải được lựa chọn cẩn thận để sử dụng lâu dài, theo ông Max Newnham - Giám đốc chiến lược sáng tạo thương hiệu CNBC. Bởi trong vòng hai thập kỷ qua, Việt Nam đã sử dụng 5 slogan khác nhau: Điểm đến của thiên niên kỷ, Hãy đến với với Việt Nam, Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn và Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận. Điều này khiến khách du lịch cảm thấy bối rối. "Slogan có thể là một cụm từ bao hàm, dễ hiểu, mang ý nghĩa biểu trưng", ông John Williams - Đại diện BBC nói.
Để quảng bá du lịch hiệu quả, ngoài vai trò của người kết nối - Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhiều ý kiến tại hội nghị chuyên đề 1 cho rằng cần kêu gọi sự tham của khối doanh nghiệp (nhà hàng, khách sạn, vận tải...). "Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cần nhanh chóng có cơ chế để hoạt động trong năm 2020", ông Ngô Minh Đức - đại diện TAB nói.
Để cải thiện trải nghiệm của du khách, đại diện Google đưa ra 3 lời khuyên cho doanh nghiệp: Nên bắt đầu thu thập thông tin, dữ liệu của khách hàng; sử dụng thông tin để cung cấp các dịch vụ; giúp du khách có những trải nghiệm tốt bằng cách hạn chế những rào cản khi lên kế hoạch du lịch.
Ông Kenneth Atkinson - Phó chủ tịch TAB nhận định, để cải thiện tỷ lệ khách quay trở lại, Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không để mở thêm nhiều đường bay thẳng đến châu Âu, tạo điều kiện cho khách khám phá Việt nam trong thời gian quá cảnh... "Việt Nam chỉ nên có một trang web để xin visa điện tử, và cần cải thiện về tốc độ truy cập", ông Kenneth nói thêm.
Theo chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, các sản phẩm du lịch hiện cứng nhắc, không đa dạng và linh hoạt, do "các điểm tham quan địa phương thường bị ràng buộc bởi cơ chế quản lý". Do đó, ông đề xuất các địa phương có thể giao trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch nhưng cần đảm bảo dnguồn thu của địa phương.
Theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó tổng giám đốc Vietravel, cần khuyến khích các nhà đầu tư mua tàu lớn. Ngoài ra, không bê tông hóa du lịch đường sông, mà tạo ra các điểm đến, cảnh quan để tăng trải nghiệm cho du khách. Bởi du lịch đường thủy ở nước ta hiện chưa phát triển khi Việt Nam có tiềm năng lớn.
Theo đại diện Vietjet Air, hiện nay Việt Nam có 22 sân bay thương mại, 4 sân bay lớn nhưng hiện tại đều quá tải. Vì vậy xã hội hóa nguồn vốn là một giải pháp. Từ kinh nghiệm của các nước, đóng góp của khối tư nhân trong xây dựng hạ tầng cơ sở của hàng không cũng rất quan trọng.
Ông Lương Hoài Nam - thành viên hội đồng tư vấn du lịch TAB đề xuất giải pháp đầu tư, khai thác hỗn hợp một số sân bay quân sự có cơ sở hạ tầng khu bay khá tốt, như sân bay Biên Hòa.
Ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Mỹ - ASEAN kiến nghị giải quyết vấn đề về đội ngũ giám sát bay. Đây là đội ngũ nhân lực chất lượng cao nhưng đang được trả lương như nhân viên Nhà nước. Vì vậy, cần phải giải quyết nhanh vấn đề cơ chế để tháo gỡ vấn đề cấp thiết cho ngành hàng không và nâng cao an toàn bay.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam ngày 9/12 do Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và báo VnExpress tổ chức.Các đại biểu đưa ra các đề xuất, kiến nghị về bốn vấn đề: Tổ chức lại hoạt động quảng bá, cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách, nâng cao chất lượng điểm đến và phát triển hàng không.
Chương trình có sự đồng hành của các nhà tài trợ: Vietjet Air, Tập đoàn Novaland, Vietnam Airlines, BIM Land - Thành viên thuộc tập đoàn BIM Group, Công ty CP địa ốc Phú Long, Công viên ấn tượng Hội An, iVIVU.com, Netnam, Golden Gift Việt Nam.
Xem thêm Phiên toàn thể diễn đàn tại đây.